Theo thuật toán và dữ liệu từ Trung tâm Thông tin khoa học Trái đất tại Đại học Columbia (Mỹ), vào lúc 19h56 giờ UTC ngày 6-12 (2h56 ngày 7-12 giờ Việt Nam) sẽ diễn ra thời điểm bầu trời 'tối đen như mực'. Khi đó, màn đêm sẽ ngự trị trên bầu trời của ba lục địa đông dân nhất, gồm châu Á, châu Phi và châu Âu khiến 85,92% dân số thế giới sẽ trải qua bầu trời tối đen 'như mực’, tức hơn 6,6 tỉ người.
Bình thường vào thời điểm đó, chỉ có khoảng 60% dân số bị tối.
Theo định nghĩa nghiêm ngặt, ban đêm là thời điểm Mặt trời thấp hơn ít nhất 18⁰ so với đường chân trời.
Cũng theo các thuật toán của nhóm nghiên cứu thiên văn EarthSky, thời điểm bóng tối bao trùm cao nhất sẽ diễn ra vào lúc 19h39 ngày 27-12-2022 giờ UTC (tức 2h39 giờ Việt Nam ngày 28-12). Vào thời điểm đó 86,11% dân số thế giới sẽ trải qua.
Vào lúc 21h44 ngày 21-12-2022 (giờ UTC, tức 4h44 giờ Việt Nam ngày 22-12), hầu hết Trái đất sẽ ở trong trạng thái ánh sáng chạng vạng. 88,14% dân số thế giới sẽ trải qua vào thời điểm này.
Tất cả các ngày trên đều rơi vào mùa đông phương bắc bởi tháng 12 là tháng mà lượng ánh sáng Mặt trời chiếu tới Bắc bán cầu ít nhất. Hầu hết mọi người cư trú ở phía bắc của đường xích đạo nên số người trên Trái đất ở trong bóng đêm đen lại cao nhất vào những ngày đó.
Trong tháng 12 này, trên bầu trời còn xuất hiện mưa sao băng Geminids – một trong hai trận mưa sao băng đẹp nhất năm sẽ đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng ngày 14 tới.
Vài ngày sau, vào ngày 22, 23-12, mưa sao băng Ursids đạt cực đại với khoảng 10 vệt sao băng/giờ.