E-Net: Luồng gió mới

Người dùng Internet không dây tại Việt Nam vừa có thêm một lựa chọn mới – dịch vụ Internet không dây E-Net của nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ EVN Telecom (công ty Viễn Thông Điện Lực).

Cũng giống như dịch vụ Mobile Internet mà S-Fone đã từng thử nghiệm, E-Net của EVN Telecom cho phép người dùng dịch vụ của nhà khai thác này truy cập Internet không dây băng thông rộng (dùng ĐTDĐ làm modem). Tương tự kết nối Internet qua Wi-fi nhưng vùng phủ sóng của E-Net rộng hơn rất nhiều, đây là một ưu thế rất lớn của dịch vụ này. Và nếu dịch vụ này được hoàn thiện thì rất có thể Wi-Fi sẽ bị chia sẻ thị trường.

Khả năng hiện tại

E-Net được cung cấp thông qua công nghệ ĐTDĐ CDMA 2000 1x tần số 450 MHz. Trước tiên phải nhấn mạnh là E-Net hiện được cung cấp nội vùng chứ không phải là liên tỉnh - chỉ cho thuê bao sử dụng dịch vụ ĐTDĐ nội tỉnh (E-phone) của EVN Telecom, như kiểu dịch vụ ĐTDĐ của Cityphone. Nếu bạn đăng ký E-phone ở TP.HCM thì chỉ có thể sử dụng E-Net trên địa bàn TP.HCM; nếu bạn ra Hà Nội thì không dùng được E-Net với E-phone đăng ký tại TP.HCM và ngược lại. Đây chính là hạn chế mà E-Net đang gặp phải (dù sao thì nó vẫn vượt trội Wi-Fi về bán kính phủ sóng).

Hiện tại khách hàng có thể đăng ký sử dụng E-Net tại: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, Dak Lak, Gia Lai, Kontum, Dak Nông, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Tuy nhiên không phải bất cứ vùng nào ở các địa phương trên đều có sóng của EVN Telecom, vì vậy khi đăng ký dịch vụ bạn nên hỏi kỹ xem những vùng mà bạn muốn sử dụng E-Net có sóng hay không.

Để sử dụng E-Net, người dùng phải đăng ký thuê bao E-phone và phải kết nối ĐTDĐ với máy tính qua cáp (cổng COM hoặc USB, giá mỗi sợi cáp từ 60 – trên 200.000 đồng tùy ĐTDĐ). EVN Telecom cho biết phải đến quí III/2006 mới cung cấp card PCMCIA dùng cho máy tính xách tay.

Hiện dịch vụ E-Net có tốc độ truyền dữ liệu thực tế lên tới 153,6 Kbps, tốc độ này được coi là cao nhất trong số các dịch vụ Internet băng rộng không dây di động được cung cấp tại Việt Nam. Tốc độ này cũng nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tối đa 56 Kbps của kết nối quay số (dial-up) thông thường, nhưng nếu so với ADSL (tốc độ tối đa 2 Mbps) thì còn thấp hơn nhiều. Giá cước của E-Net chưa có VAT là 35 đồng/phút, ngoài ra khi kết nối Internet, người dùng còn phải trả thêm cước ĐTDĐ của EVN Telecom là 329 đồng/phút. Tổng cộng cước kết nối Internet của dịch vụ E-Net là 364 đồng/phút hay 21.840 đồng/giờ. Để biết thêm thông tin về E-Net cũng như các dịch vụ của EVN Telecom bạn có thể gọi số (04) 2232323 hoặc (08) 2232323.

EVN Telecom cho biết từ quí II – quí III/2006, mạng này sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ E-Net trên dịch vụ ĐTDĐ toàn quốc E-Mobile, khi đó người dùng có thể kết nối Internet băng rộng không dây bất cứ ở đâu có sóng của EVN Telecom. Bạn cũng nên lưu ý là thuê bao E-phone muốn chuyển sang dùng E-Mobile phải đổi số, nhưng không cần đổi máy ĐTDĐ. EVN Telecom cũng hứa hẹn trong tương lai tốc độ của E-Net sẽ được cải thiện đáng kể khi được nâng cấp lên chuẩn CDMA 2000 1x EV-DO có tốc độ tối đa đến 2,4 Mbps. Cũng cần nói thêm là CDMA 2000 1x EV-DO được cả Hanoi Telecom và S-Fone công bố sẽ ra mắt trong năm nay.

Như vậy, với việc ra đời của E-Net, trào lưu kết nối Internet không dây băng thông rộng sẽ càng phổ biến và tiện dụng hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Dịch vụ này đang được nhóm các nhà khai thác dịch CDMA ráo riết xúc tiến (các nhà khai thác GSM khó lòng làm được việc này trong năm nay). Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, ở thời điểm này, dịch vụ kết nối Internet không dây bằng công nghệ CDMA vẫn chưa hoàn thiện và chưa thực sự hấp dẫn người dùng. Bởi lẽ, như E-Net, dịch vụ kết nối Internet không dây bằng sóng ĐTDĐ được coi là mạnh nhất hiện nay cũng chỉ cho phép người dùng truy cập Internet nội vùng, tốc độ hạn chế và giá cước còn cao (cần nói thêm là hầu hết các điểm truy cập Internet Wi-Fi công cộng hiện có ở TP.HCM và Hà Nội hầu như đều được cung cấp miễn phí).

SẼ CÓ TRÀO LƯU MTXT TÍCH HỢP 3G

Động lực thị trường
Từ khi có mạng không dây nội bộ (WLAN), tính phổ biến của nó và số lượng người sử dụng máy tính xách tay (MTXT) truy cập băng rộng di động tăng trưởng một cách đáng kể trong văn phòng, khách sạn, nhà ở, khu đại học, quán cà phê... Những địa điểm dành cho doanh nhân như khách sạn, trung tâm hội nghị... thường cung cấp WLAN tính phí. Một số quán cà phê và nhà hàng cung cấp truy cập WLAN miễn phí.
Ngày càng có nhiều MTXT được tích hợp công nghệ WLAN và giá linh kiện WLAN ngày càng giảm. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, có trên 70% MTXT bán ra hiện nay được tích hợp modem WLAN.
Sự thuận lợi và tiện ích của kết nối băng rộng di động giúp người sử dụng có thể truy cập Internet bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Việc ra đời của các công nghệ di động 3G như CDMA2000 và WCDMA đáp ứng nhu cầu này, cho phép người dùng MTXT kết nối băng rộng di động với vùng phủ sóng rất rộng – trạm gốc 3G tiêu chuẩn có thể phủ sóng trong phạm vi nhiều km, trong khi điểm truy cập WLAN tiêu chuẩn chỉ cung cấp được trong phạm vi 15 – 30m. Nhu cầu truy cập băng rộng di động ngày càng tăng và chi phí cho thiết bị ngày càng hạ do qui mô sản xuất lớn đã giúp các nhà sản xuất MTXT hàng đầu tích hợp công nghệ không dây 3G cùng WLAN vào sản phẩm của họ.

3G và WLAN – bổ sung cho nhau
Với 1 MTXT được hỗ trợ cả hai công nghệ 3G và WLAN, đa phần người dùng sẽ sử dụng WLAN tại những khu vực giới hạn và miễn phí, và sử dụng 3G tại những khu vực ngoài vùng phủ sóng miễn phí của WLAN. Cả ngành công nghiệp CNTT và viễn thông đều đang thực hiện những bước cần thiết để bảo đảm tính liên thông giữa 3G và WLAN. Các nhà cung cấp MTXT đang hoạch định các bước tích hợp chức năng phần mềm và hệ điều hành, cho phép người dùng chuyển vùng "trơn tru" giữa mạng 3G và WLAN.

Lợi ích đối với doanh nghiệp
Không chỉ người dùng cá nhân mà nhiều doanh nghiệp cũng đang sử dụng những lợi ích từ MTXT tích hợp 3G; nhân viên có thể truy cập an toàn từ xa vào cơ sở dữ liệu công ty bất cứ nơi nào (trong vòng phủ sóng 3G), thời gian thực – giống như họ đang có mặt tại văn phòng. Ví dụ: bạn có thể truy cập vào máy chủ e-mail công ty để gửi/nhận e-mail tại sân bay... Hơn nữa, các mạng 3G không dễ dàng bị "nghe lén" như mạng WLAN.

Triển vọng
Nhiều nhà khai thác mạng 3G trên thế giới đã thành công trong triển khai dịch vụ Internet băng thông rộng di động, đưa các mạng 3G phủ sóng diện rộng trở thành hiện thực. Công nghệ di động 3G đang hội tụ cùng với WLAN và MTXT. Toàn bộ ngành công nghiệp CNTT, nhà sản xuất MTXT, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng đều sẽ hưởng lợi từ triển vọng này.
(Theo www.qualcomm.com)

Nhật Bình

Thứ Ba, 21/02/2006 09:00
31 👨 82
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp