Doanh nghiệp VN kỳ vọng hợp tác với Hàn Quốc

Doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đang trao đổi thông tin liên quan tới Game online. Ảnh: T.N.

"Trong một ngày mà có thể trực tiếp trao đổi thông tin với nhiều đối tác là cơ hội "vàng" với cả doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc báo hiệu sẽ có những hợp tác trong thời gian gần", ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Công ty VinaGame, nói sau buổi gặp doanh nghiệp Hàn Quốc, mới đây.

Hầu hết các doanh nghiệp của đoàn Hàn Quốc đều lần đầu tới Việt Nam. Trong 14 thành viên của đoàn có 12 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giải trí, còn lại làm dịch vụ liên quan tới công nghệ thông tin.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, các đơn vị của Hàn Quốc và Việt Nam vẫn thiếu thông tin về nhau. "Trước nay, các đơn vị Việt Nam đề cập nhiều tới nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc và cứ tưởng đã hiểu đối tác này. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Đơn cử về hình thức làm việc, cách tiếp cận thì 5 doanh nghiệp mà tôi tiếp xúc có 5 phong cách khá khác nhau", ông Tuấn Anh cho biết.

Ông Quách Đông Quang, Công ty Asia Soft, cũng tỏ ra nhiều hy vọng sau khi gặp đối tác nước bạn. Theo ông Quang, đoàn Hàn Quốc đã mang tới nhiều trò chơi hay và phù hợp với thị trường Việt Nam hơn năm ngoái. "Tôi cảm thấy doanh nghiệp Hàn Quốc thật sự có thiện chí hợp tác. Họ đã giới thiệu, giải thích khá rõ về tình hình công ty và các sản phẩm game của họ. Họ cũng cho biết, có thể sẽ Việt hoá một số nội dung, cảnh sắc trong game để thích ứng với người chơi Việt Nam", ông Quang, nói.

Còn ông Trần Vinh, Giám đốc sản phẩm game PTV, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu xu hướng phát triển chung về game online của Hàn Quốc hiện nay, khi tiếp xúc với những tên tuổi lớn trong làng giải trí nước bạn.

Theo ông Vinh, đại diện các công ty Hàn Quốc không còn giới thiệu nhiều về game nhập vai, game trực tuyến dạng MORPG (Massively Multiplayer Online Role-Playing Game)... mà thiên về các casual game, đơn thuần giải trí, mang tính cộng đồng, không tốn nhiều thời gian luyện level. Mỗi đối tác chào 30-50 casual game đang vận hành và cho biết, tháng nào họ cũng có game mới. Doanh thu của game này không tính theo phí sử dụng trò chơi mà tuỳ thuộc vào tiền bán đồ dùng, tư trang... các nhân vật trong game.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vinh, các game nhập vai vẫn thông dụng ở Việt Nam nên việc phát hành casual game không dễ. Nếu nhà kinh doanh trong nước có ý định chọn sản phẩm để phát hành thì phải tính kỹ về giá trị cộng đồng, những tiềm năng và thị phần của nó ở các nước khác... "Chúng tôi chuyên phát hành game online mà khi nghe doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu sản phẩm của họ vẫn thấy rất mê. Nhiều công ty của Việt Nam có lẽ cũng vậy", ông Vinh nói. "Casual game có thể đang thịnh hành với người chơi Hàn Quốc. Nhưng nếu đưa những trò này sang Việt Nam phải cần thời gian để thích ứng".

Ông Quách Đông Quang, Công ty Asia Soft, chia sẻ quan điểm này: "Doanh nghiệp Việt Nam nên suy xét kỹ về sản phẩm, khả năng thích nghi của nó với số đông người chơi trong nước và thảo luận giá mang tính chuyển giao thử nghiệm, trước khi đề cập hợp tác chính thức với phía Hàn Quốc".

Sau khi tiến hành gần 10 cuộc tiếp xúc với các đơn vị Hàn Quốc, ông Trần Việt Hoàn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH phát triển phần mềm Sài Gòn (SDC), cũng khẳng định, game online có sức hấp dẫn lớn, không chỉ các doanh nghiệp chuyên về phát hành sản phẩm này. Tuy nhiên, ông Hoàn cho biết thêm, doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư phát hành game online, nếu chưa có quy định kiểm duyệt rõ ràng về game của nhà nước. "Khi chưa biết rõ nhà nước có khống chế người chơi, thời gian chơi và các trò game không, thì dù muốn đến mấy, chúng tôi cũng không mạo hiểm bỏ tiền đầu tư", ông Hoàn, nói.

Đoàn Hàn Quốc bày tỏ hy vọng hợp tác, sau khi tiếp xúc với các công ty Việt Nam. "Việt Nam là thị trường game online rất tiềm năng với những người chơi ưu tú. Thị trường này sẽ phát triển mạnh trong thời gian không xa", Ông You Myong, Cơ quan xúc tiến công nghệ thông tin Hàn Quốc (KIPA), nói. "Mục đích của đoàn sang Việt Nam lần này là tìm kiếm đối tác thực sự. Việc Chính phủ Việt Nam chú trọng quan tâm đến công nghệ thông tin là cơ sở tốt để các doanh nghiệp chúng tôi xem xét đầu tư".

Cũng theo ông You Myong, đặc trưng của game thủ ở Việt Nam là thích chơi tập thể, thích trao đổi và giao lưu trên mạng. Nhà cung cấp game Hàn Quốc đang giới thiệu những game sẵn có nhưng khi tìm được đối tác, sẽ sửa đổi cho phù hợp với người chơi Việt Nam.

Thanh Lương

Thứ Năm, 20/04/2006 18:57
31 👨 115
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp