Doanh nghiệp phần mềm trong nước dễ chết yểu

Thành lập công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hoàng Nghiêm, ông Hoàng Ngọc Thạch rất tự tin, vì đã có kinh nghiệm hơn 15 năm làm trong các doanh nghiệp nước ngoài đồng ngành. Nhưng ngồi ghế Giám đốc chưa đầy nửa năm, ông Thạch phải vác hồ sơ tìm việc bán thời gian để trang trải chi phí sinh hoạt.

Công ty của ông Thạch ra đời vào tháng 8/2005, tại quận Bình Thạnh, TP HCM, chuyên về tư vấn, đào tạo quy trình phát triển phần mềm. Theo suy luận của ông Thạch, Việt Nam lập trình tốt, sản xuất phần mềm được nhà nước hỗ trợ nhiều, song chưa bứt phá lên được, vì thiếu nền tảng, quy trình phát triển chuẩn. Và lĩnh vực mà Hoàng Nghiêm hoạt động khá mới nên không sợ "đụng hàng" với các đơn vị đào tạo, tư vấn về công nghệ thông tin khác.

Thế nhưng, cũng theo ông Thạch, khi Hoàng Nghiêm liên hệ tìm khách hàng thì hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, có ý tưởng đúng và tuyển được lập trình viên là có thể làm ra sản phẩm, họ chỉ nghĩ tới chuyện thuê tư vấn về quy trình khi doanh thu lớn. Hơn 4 tháng thành lập, công ty mới có 1 khách hàng hợp đồng tư vấn. "Kinh doanh trong ngành công nghệ thông tin có nhiều vấn đề khác xa suy nghĩ của nhà chuyên môn", ông Thạch nói. "Tôi thấm đòn rồi. Vấn đề bây giờ là vốn đâu cho doanh nghiệp tồn tại, khẳng định tên tuổi. Tôi sẽ làm các hợp đồng bán thời gian tới giữa năm nay, kiếm tiền sống và tiếp thị cho Hoàng Nghiêm. Nếu tình hình không khả quan, có lẽ khó duy trì được công ty".

Thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động trong ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực phần mềm, rơi vào tình cảnh như Công ty Hoàng Nghiêm. Theo thống kê của Hội Tin học TP HCM từ năm 2001 đến 2005, mỗi năm Việt Nam có thêm hàng trăm doanh nghiệp mới thành lập. Nhưng ước tính chỉ có chừng 35% doanh nghiệp sống được.

Ông Trần Lạc Hồng, Tổng thư ký Hội Tin học TP HCM, phân tích, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp liên quan tới phần mềm là ít vốn để phát triển. Tuy nhiên, đến nay, chưa có giải pháp hỗ trợ vốn nào được thực thi. Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam đã xuất hiện một số quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng thực chất mục đích của những quỹ này là kinh doanh, không nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

"Có ý kiến cho rằng tìm nguồn vốn là vấn đề của doanh nghiệp và của ngân hàng. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thì phải vay vốn ở ngân hàng theo qui định cần thiết như thế chấp tài sản. Điều này đúng trong trường hợp bình thường. Nhưng nếu xem đây là một hoạt động đầu tư của nhà nước để phát triển thị trường, phát triển ngành công nghiệp phần mềm thì cần tìm ra giải pháp có tính đột phá", ông Hồng đề xuất. "Nhà nước cần chấp nhận một tỉ lệ tổn thất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn".

Cũng theo ông Hồng, chỉ 50% doanh nghiệp sống được cũng là một tổn thất rất lớn, không những về chi phí xã hội mà còn làm chậm việc đạt được mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phần mềm.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, cho rằng kinh doanh trong ngành công nghệ thông tin, cách thức quan tâm, mức độ đầu tư là những yếu tố quyết định thành công. "Nhiều người quan niệm kinh doanh công nghệ thông tin không cần nhiều tiền nhưng thực chất, đầu tư ít khó có thể thành công. Trong đó, vốn lớn nhất là chi cho chất xám mà chất xám thì ngày càng tốn tiền hơn", ông Tùng khẳng định.

Ông Tùng phân tích thêm, công nghệ thông tin nói chung, phần mềm nói riêng là ngành mới, thay đổi nhanh nên những người làm công tác vạch chiến lược khó đoán định sự phát triển của nó sau 3 năm. Việc kinh doanh cho sản phẩm, dịch vụ ngành này liên quan đến công nghệ mà công nghệ biến đổi thường xuyên, dẫn tới thị trường luôn nảy sinh những vấn đề mới. Cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm trẻ rất nhiều nhưng điều cốt yếu là phải nắm lấy cơ hội và có những cách thức phù hợp để biến cơ hội thành sản phẩm hàng hóa.

Ông Phạm Quang Tiến Đạt, Công ty TNHH phần mềm Nam Việt, đơn vị thành lập hơn 3 năm nhưng đã có khoảng 40 khách hàng tên tuổi trong ngành dệt may, tiết lộ rằng thành công của Nam Việt nhờ đi vào lĩnh vực hẹp rồi mở rộng quy mô với những sản phẩm tương tự. Theo ông Đạt, doanh nghiệp mới thành lập muốn tồn tại nên nhằm đúng phân khúc thị trường và phải tạo sự khác biết từ những lợi thế của mình. "Ngành nào cũng có đặc thù, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nghiệp vụ lao động thông thường, chưa nói tới ngành phần mềm. Doanh nghiệp 'ôm sô' thì không đủ sức, dễ sa lầy", nhà quản lý của Nam Việt nhận định.

Thanh Lương

Thứ Tư, 18/01/2006 08:03
31 👨 66
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp