'Đạo chích' dữ liệu ở mạng không dây công cộng

Một lần ngồi quán cà phê và cần gửi gấp dữ liệu cho khách hàng nên anh Nguyễn Quốc Bình, ở quận 3, TP HCM, mở máy tính sử dụng mạng không dây của quán. Lát sau, anh phát hiện ổ đĩa D laptop chứa nhiều thông tin quan trọng đã bị mất trắng.

Cũng may anh Bình còn lưu phần lớn dữ liệu này trong máy tính ở công ty nên có thể khôi phục lại. Quản trị mạng công ty anh cho biết, laptop đã bị hack khi sử dụng Wi-Fi ở quán cà phê, nhưng thủ phạm chỉ phá phách bằng cách format toàn bộ ổ đĩa D. Phần dữ liệu chắc không có giá trị với hacker đó nên chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Vũ Trọng Huy ở quận 1 thì kể, anh ngồi trong quán cà phê và dùng laptop check mail của khách hàng. Đột nhiên một hộp thoại xuất hiện: "Anh nên tắt các ổ đĩa chia sẻ đi, nguy hiểm lắm đấy!". Vội vàng kiểm tra lại, anh Huy thấy mình quên tắt chức năng "share" một số dữ liệu lúc ở cơ quan khi trao đổi với nhân viên.

Ảnh minh họaChị Nguyễn Thu Thúy, sinh viên Đại học sư phạm kỹ thuật TP HCM, ngồi trong khuôn viên trường duyệt web thì cũng giật mình khi có dòng tin nhắn gửi vào khung cửa sổ chat Yahoo: "Hình chụp của bạn để trong máy dễ thương lắm! Bạn cho mình làm quen được chứ". Chat một hồi thì Thúy mới biết là cậu bạn bên khoa CNTT đã vào được ổ D trong máy tính xách tay của mình để lục lọi.

Các tay phá phách ở những điểm Wi-Fi công cộng thường lợi dụng việc người dùng quên tắt chức năng chia sẻ ổ đĩa thư mục. Thậm chí tại nhiều điểm truy cập Internet không dây ở TP HCM, laptop được chủ nhân mở sẵn những folder có chia sẻ trong mạng mà nhiều người tò mò có thể chép về máy mình để xem thử.

Thành viên taibut ở diễn đàn ttvnol.com thú nhận: "Đã có lần mình thử dò tìm tài liệu chia sẻ ở vài máy tính trong quán cà phê, vào được từng máy, có thể sao chép nghịch ngợm linh tinh dữ liệu của chủ nhân".

Hiện tại ở một số khu vực trung tâm thành phố, nhiều điểm truy cập cho phép lướt Wi-Fi miễn phí. Nhiều trường đại học cũng đã trang bị hệ thống này.

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, nếu gặp "đạo chích" thật thì không loại trừ khả năng kẻ xấu dùng dữ liệu lấy được để tống tiền chủ nhân. Đa số máy tính xách tay hiện nay dùng hệ điều hành Windows XP SP2 và một số phiên bản trở về sau. Các tính năng chia sẻ file và máy in theo mặc định đã được tắt đi. Tuy nhiên, do nhu cầu trao đổi dữ liệu trong mạng nội bộ, một số người đã phải mở tính năng chia sẻ file và sau khi xong việc lại quên tắt. Đây là cơ hội béo bở cho những người có thói quen săn lùng dữ liệu "share" quanh mình.

Telnet là một giao thức mạng (network protocol) được dùng trên các kết nối với Internet hoặc kết nối tại mạng máy tính cục bộ LAN.

Đây là tiện ích cho phép người dùng máy tính ở một khu vực nào đó truy cập vào máy tính đặt nơi khác để điều khiển công việc.

Đối với những người có hiểu biết về mạng thì mức nguy hiểm còn lớn hơn nhiều, bởi chỉ cần vài dòng gõ vào phần command line là có thể hack vào máy của nạn nhân với quyền quản trị bằng con đường telnet.

Hoặc những tay "trộm" này có thể dùng vài công cụ có sẵn trên mạng làm theo hướng dẫn để dò được mật khẩu password trong mạng LAN. Nghĩa là máy tính cùng sử dụng chung Wi-Fi từ một server đều nằm trong một lớp mạng nên có thể giao tiếp với nhau được.

Truy cập Wi-Fi ở công ty thường được bảo vệ qua nhiều tầng lớp nên độ an toàn cao hơn so với việc lướt web ở nơi công cộng. Để có thể an toàn khi truy cập internet bằng mạng không dây, máy tính nên được cập nhật đầy đủ bản vá cho cả hệ điều hành lẫn phần mềm ứng dụng. Người dùng nên cài những phần mềm tường lửa và công cụ phòng chống spyware, virus để máy có thể tự động cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời cũng nên tắt chức năng share thư mục, ổ đĩa khi không cần thiết.

Thứ Ba, 12/08/2008 11:13
31 👨 883
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp