Albert Einstein là một thiên tài, người đã đặt nền móng cho ngành vật lý hiện đại, nhưng có lẽ ông không nên được coi là khuôn mẫu lý tưởng cho mọi người bởi đơn giản không phải ai khi sinh ra cũng may mắn có được bộ óc thiên tài như vậy.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học bang Penn State và Đại học William Paterson (Hoa Kỳ) mới đây đã thực hiện một số nghiên cứu với các sinh viên đại học, và kết quả cho thấy sinh viên được thúc đẩy, truyền cảm hứng nhiều hơn bởi kiểu học tập chăm chỉ, “cần cù bù thông minh” của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, hơn là mô hình "sinh ra đã là một thiên tài" của Albert Einstein. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa Einstein là người không chăm chỉ. Chẳng ai có thể trở nên vĩ đại mà không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng có lẽ sự cần cù mới là yếu tố tiên quyết chứ không phải bản chất thiên tài.
“Có một thông điệp sai lệch ngoài kia nói rằng bạn phải là một thiên tài trước khi muốn trở thành một nhà khoa học. Điều này là sai, và có thể trở thành rào cản lớn đối với những người không thông minh vượt trội nhưng vẫn muốn theo đuổi khoa học, có thể khiến họ bỏ lỡ một sự nghiệp vĩ đại, và nhân loại mất đi những tên tuổi lớn. Đấu tranh cũng là một phần của khoa học và tài năng đặc biệt không phải là điều kiện tiên quyết tạo nên một nhà khoa học lớn”, tiến sĩ Danfei Hu, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự chăm chỉ sẽ thu hút nhiều người trẻ đến với các ngành khoa học hơn - đặc biệt là vào thời điểm số lượng sinh viên chọn theo học các ngành nghiên cứu khoa học ngày càng giảm sút.
Sự chăm chỉ nằm trong tầm tay của tất cả chúng ta
Chúng ta không thể tự lựa chọn cho mình một bộ óc với chỉ số IQ cao ngất ngưởng, nhưng rõ ràng sự cần cù, chăm chỉ là những phẩm chất mà bất cứ ai cũng có thể tự trau dồi được.
“Quan trọng là bạn phải có niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể “làm nên chuyện”, và thực sự nghiêm túc để biến niềm tin đó thành sự thực. Ngoài ra nguồn động lực cũng là 1 yếu tố quan trọng”, tiến sĩ Janet N. Ahn, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết.
Hu và Ahn đã tiến hành 3 nghiên cứu, mỗi nghiên cứu được thực hiện với lần lượt các nhóm 176, 162 và 288 sinh viên. Đối với nghiên cứu đầu tiên, những người tham gia cùng đọc 1 câu chuyện về những nghịch cảnh điển hình mà một nhà khoa học phải đối mặt trong suốt sự nghiệp. Một nửa số sinh viên được thông báo rằng nhân vật chính của câu chuyện là Einstein, trong khi nửa còn lại được bảo đó là Edison.
Tuy cốt truyện hoàn toàn giống nhau. Nhưng đối với trường hợp đầu tiên, hầu hết các sinh viên đều cho rằng sở dĩ Einstein có thể vượt qua được khó khăn là do ông sở hữu bộ óc thiên tài. Trong khi ở trường hợp thứ hai, đa số lại cho rằng sự chăm chỉ đã giúp Edison thành công. Đáng chú ý là các sinh viên ở nhóm thứ hai cảm thấy phấn chấn và có động lực hơn hẳn sau khi đọc xong câu chuyện. Kết quả này phần nào đó cho thấy sự thành công đến từ những cố gắng có tác động tích cực hơn, tạo ra động lực lớn hơn cho mọi người.
“Edison đã thất bại hơn 1.000 lần trước khi chiếc bóng đèn do ông tạo ra có thể phát sáng, rõ ràng thành công của ông liên quan đến sự kiên trì và siêng năng. Những người trẻ tuổi luôn cố gắng tìm cảm hứng và bắt chước từ những người nổi tiếng. Nếu chúng ta có thể gửi thông điệp rằng sự chăm chỉ chính là điều kiện quyết định của thành công, ngay cả đối với những vĩ nhân, họ sẽ thấy có động lực cố gắng hơn, không bị nản lòng khi gặp thất bại, hay tự ti rằng mình chẳng thể thành công chỉ vì không sở hữu bản chất thiên tài”, nhóm nghiên cứu kết luận.