Cuộc chiến smartphone: Ứng dụng đã lỗi thời?

Trong nhiều năm qua, các nhà cung cấp smartphone đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện của các ứng dụng (app), xem đây là nguồn doanh thu béo bở và cũng là “động lực” để kích thích nhu cầu đối với điện thoại di động. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi.

Hiện nay, một số hãng đang thay đổi chiến lược để tập trung hơn vào nội dung được tích hợp và các dịch vụ. Có vẻ đây sẽ là đường đua mới trong các cuộc chiến thiết bị di động.

Đầu tuần này, HTC đã trình làng HTC Sensation 4G, chiếc smartphone đầu tiên đi kèm với dịch vụ video riêng của hãng, kết quả của thương vụ mua lại gần đây mà HTC tiến hành. Khi sử dụng dịch vụ này, người dùng có thể thuê hoặc mua hơn 600 bộ phim hoặc chương trình truyền hình thông qua chiếc điện thoại của ho.

Tuy không tiết lộ mức giá bán ra cụ thể của Sensation 4G nhưng HTC khẳng định thiết bị này sẽ được bán ra toàn thế giới trong quý 2/2011.

Các giám đốc điều hành đều khẳng định nội dung đang là vua trong ngành kinh doanh điện thoại di động nhưng vấn đề ở chỗ các ứng dụng phần mềm vốn là hình thức chính của nội dung đang nhanh chóng trở thành hàng hóa. Trong khi Google và Apple luôn tự hào vì có tới hàng trăm ngàn ứng dụng thì HTC và các hãng sản xuất điện thoại khác lại cho rằng việc tải về một chiếc smartphone quá nhiều thứ đang gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Đồng thời, các nhà phân tích cho biết phần lớn người dùng đang tìm kiếm các ứng dụng tương tự nhau. Theo một cuộc nghiên cứu được tiến hành vào tháng 6/2010 của hãng nghiên cứu Nielsen, 4 trong số 5 ứng dụng hàng đầu được xếp hạng phổ biến nhất trong tất cả smartphone bao gồm Apple, Android và BlackBerry của RIM đều như nhau.

Sự thống trị của hệ điều hành Android, mà theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner dự đoán sẽ hoạt động trên gần một nửa số smartphone của toàn thế giới trong năm tiếp theo, đang buộc các nhà cung cấp như HTC, Motorola và Sony Ericsson phải tìm nhiều cách để phân biệt.

Aaron Woodman, Giám đốc bộ phận viễn thông di động của Microsoft cho biết các nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn khi nếu hoạt động kinh doanh chỉ dựa vào ứng dụng. “Tôi tin rằng các ứng dụng là một làn sóng của sự cạnh tranh”, ông Woodman nhận xét “Nhưng tôi cho rằng các dịch vụ là một trong những làn sóng tiếp theo mà chúng ta sẽ dùng để phân biệt những chiếc điện thoại”.

Hiện Microsoft đang đặt nhiều hy vọng vào các dịch vụ từ game video và thế giới máy tính như Xbox Live và SkyDrive, một dịch vụ lưu trữ trực tuyến miễn phí. Microsoft đang nỗ lực xây dựng vị trí đầy thách thức của mình trong cuộc đua smartphone.

Các công ty công nghệ khác cũng đang xây dựng các dịch vụ và nội dung của họ để giúp phân biệt những chiếc điện thoại do mình sản xuất. Dịch vụ video của HTC là kết quả của thương vụ thâu tóm Saffron Digital trị giá 48,6 triệu USD hồi tháng 2 vừa qua. Trong tháng này, Sony Ericsson cũng bắt đầu tung ra thị trường smartphone Xperia Play, đây là mẫu điện thoại đầu tiên với tính năng ưu việt có thể chơi game Sony PlayStation. Trong khi đó, Google tiến hành thâu tóm PushLife, một dịch vụ cho phép những người yêu nhạc vào được thư viện iTunes bằng những chiếc điện thoại không phải của Apple.

Các nhà mạng không dây cũng nỗ lực cung cấp những dịch vụ nội dung tương tự trong quá khứ với những kết quả khác nhau.

Các nhà phân tích cho rằng các hãng sản xuất đang ngày càng bổ sung thêm những tính năng “hàng độc” để tích hợp vào những chiếc smartphone của họ nhằm tạo vị thế riêng trong cuộc chiến điện thoại ngày một “nóng” dần lên. Apple với dịch vụ iTunes của hãng đang tiến xa nhất trong cuộc đua này, đặc biệt khi hãng tích hợp nội dung thông qua nhiều thiết bị như TV và máy tính để bàn (PC).

Tuy nhiên, chiến lược này cũng đi liền với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là giá cả. Nói chung, các nhà cung cấp nội dung đều không muốn giới hạn cơ hội của mình với chỉ một nhà sản xuất điện thoại. Kết quả là đẩy cái giá của sự độc quyền lên mức đắt đỏ.

Vì vậy, trong khi Sony Ericsson đã có chiếc smartphone đầu tiên chơi game Playstation thì Sony đã tung ra nội dung game video của hãng đi kèm với tất cả smartphone và tablet Android vào tháng 1.

HTC cho biết Saffron Digital hiện vẫn là một thực thể riêng biệt và đang tiếp tục phục vụ những khách hàng khác của mình như Nokia, Motorola và Samsung Electronics.

Kouji Kodera, trưởng phòng sản phẩm của HTC cho biết HTC mua lại Saffron Digital bởi hãng muốn tạo ra một trải nghiệm tốt hơn đối với việc download và xem nội dung trên các thiết bị của hãng. Thí dụ, dịch vụ của HTC cho phép người dùng bắt đầu xem bộ phim trong khi nó vẫn đang được tải về.

Nếu nội dung không được tích hợp vào trong giao diện người dùng trên điện thoại ở một vị trí dễ tìm thấy, mọi người sẽ không sử dụng nó, ông Kodera khẳng định. Thường thì nếu dịch vụ này đến từ một công ty riêng biệt, người dùng sẽ được hưởng lợi vì họ sẽ có được trải nghiệm tốt nhất.

Bên cạnh việc thâu tóm Saffron Digital, hồi tháng 2, HTC cũng phải đầu tư 40 triệu USD vào OnLive Inc, một hãng trò chơi Internet ở thung lũng Silicon. HTC đang tích hợp dịch vụ OnLive vào chiếc máy tính bảng Flyer của hãng để người dùng có thể chơi gamevideo trên TV của họ thông qua kết nối mạng không dây hoặc trên chính chiếc máy tính bảng này.

Chắc chắn khi smartphone ngày càng phổ biến thì quá trình chuyển nội dung thành món hàng sẽ diễn ra”, ông Kodera nói.

Thứ Năm, 14/04/2011 11:18
31 👨 158
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp