Cuộc chiến smartphone: Áp lực “chơi trội”

Các nhà sản xuất ĐTDĐ đang thực sự bối rối, loay hoay tìm cách làm thế nào để sản phẩm của họ nổi bật trong đám đông, khi hầu như mẫu điện thoại nào cũng có “màn hình cảm ứng”.

Cuộc chiến smartphone: Áp lực “chơi trội”
Hai mẫu điện thoại Facebook của HTC được giới thiệu tại MWC 2011.

Để gây sự chú ý, các nhà sản xuất phần cứng buộc phải tìm ra những cách mới để thu hút người mua. Có một thực tế là người tiêu dùng ít quan tâm đến những đặc điểm như tốc độ bộ vi xử lý, mà chú tâm “đong đếm” các ứng dụng chạy trên thiết bị, hoặc họ có thể dễ dàng truy cập email, Facebook trên máy không.

Phần mềm chính là yếu tố giúp một chiếc điện thoại thắng hay bại trên thị trường”, Chris Jones, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu Canalys nói.

Tại sự kiện Đại hội thế giới Di động (MWC) tuần này, một số nhà sản xuất điện thoại đã nỗ lực tung ra những mẫu máy bắt mắt bằng các công nghệ mới, chẳng hạn như 3D. Trong khi đó, những hãng khác, như HTC, lại đầu tư vào các công ty game và giải trí để tận dụng các dịch vụ họ có thể tích hợp sẵn trên sản phẩm.

Về ứng dụng, hiện nay iPhone vẫn là lựa chọn số 1. Nhưng các nhà sản xuất đang tìm cách cạnh tranh với kho ứng dụng phong phú của Apple bằng cách “vào hùa” với Android, hệ điều hành di động của Google.

Andy Rubin, một trong những kỹ sư chính của dự án Android tại Google, cho rằng Android mang lại “những công cụ cơ bản” cho phép các nhà sản xuất điện thoại tạo ra những mẫu máy mới nhanh hơn, vì họ không phải lo lắng đến phần mềm của điện thoại.

Tuy nhiên, một loạt máy dùng Android cũng có nghĩa là những sản phẩm màn hình cảm ứng chạy phần mềm giống nhau đó, dễ dàng tạo thành những chiếc điện thoại na ná nhau.

Android chỉ là cái nền”, Steve Walker, Phó chủ tịch Sony Ericsson, nói. Theo ông, các nhà sản xuất “vẫn phải xây dựng một cái gì đó nổi bật”. Và câu trả lời của Sony Ericsson là Xperia Play, chiếc smartphone Android dáng trượt với các phím điều khiển gợi nhớ đến thiết bị chơi game PlayStation Portable của Sony.

Ngoài ra, Sony Ericsson cũng trình làng 3 mẫu điện thoại khác trong dòng Xperia, tích hợp camera và các công nghệ khác của đối tác Sony. Hãng hy vọng những thiết bị này sẽ có chỗ đứng tại Mỹ, nơi nhãn hiệu Sony rất nổi tiếng với máy ảnh, TV, máy nghe nhạc – nhưng chưa nổi với điện thoại.

Ngoài Sony Ericsson, tại WMC 2011, các hãng điện thoại khác cũng giới thiệu những mẫu máy “chơi trội”. Chẳng hạn như LG đã ra smartphone màn hình có khả năng hiển thị nội dung 3D mà không cần phải đeo kính.

INQ, một nhà sản xuất điện thoại nhỏ ở Anh, cũng hy vọng sẽ “lôi kéo” những khách hàng “nghiện” mạng xã hội với dòng sản phẩm Android có chức năng nổi bật Facebook.

HTC, hãng Đài Loan, cũng cố gắng “chen chân” vào mảng điện thoại mạng xã hội. HTC đã ra 2 mẫu máy loại này, là chiếc ChaCha và Salsa, có thiết kế phím riêng ngay phía trước để truy cập nhanh đến Facebook.

Không chỉ sản xuất phần cứng, các nhà sản xuất còn phải xây dựng danh mục nội dung, biết cách thu hút nhà phát triển và giúp họ kiếm tiền”, Al Hilwa, nhà phân tích di động của hãng nghiên cứu IDC, nói. “Không nhiều công ty có kỹ năng đó”. Và áp lực sẽ càng gia tăng khi số lượng sản phẩm smartphone mới ngày càng thi nhau ra lò.

Hãng nghiên cứu Gartner cho biết doanh số smartphone toàn cầu năm 2010 tăng 72% so với năm 2009. Các nhà phân tích còn dự đoán năm 2011 này, ĐTDĐ và máy tính bảng sẽ vượt qua PC, trở thành thiết bị chính mà mọi người sử dụng để truy cập Internet.

Thứ Sáu, 18/02/2011 16:27
31 👨 159
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp