Tìm hiểu về các tùy chọn tắt máy tính trong Windows 7

Có vẻ như điều đơn giản nhất trên thế giới là tắt máy tính của bạn. Nhưng Windows 7 cung cấp cho bạn một số cách khác nhau để làm điều đó, và tất nhiên chúng không giống nhau. Một số phương pháp giúp bạn tắt hoàn toàn máy tính của mình, trong khi một số phương pháp khác chỉ khiến cho máy tính của bạn bị tắt tạm thời và luôn sẵn sàng để hoạt động ngay lập tức. Dưới đây là hướng dẫn để chọn tùy chọn tắt máy tốt nhất, dựa trên những gì bạn cần máy tính của mình thực hiện, tại bất kỳ thời điểm nào.

Chìa khóa để tắt máy tính Windows 7 của bạn nằm trong menu Start. Nhấp vào nút Start trong Windows 7 và bạn sẽ thấy, trong số rất nhiều các mục khác trong menu, nút Shut down ở phía dưới bên tay phải. Bên cạnh nút đó là một hình tam giác. Nhấp vào hình tam giác này để hiển thị các tùy chọn tắt khác.

Tùy chọn số 1: Shut down (Tắt máy tính hoàn toàn)

Nếu bạn bấm vào nút Shut down luôn, mà không nhấp vào hình tam giác để mở các tùy chọn khác, Windows 7 sẽ kết thúc tất cả các quy trình hiện tại và tắt hoàn toàn máy tính. Bạn thường làm điều này để tắt máy tính của bạn vào cuối ngày, hoặc tắt máy tính ở nhà của bạn trước khi đi ngủ.

Shut down

Tùy chọn số 2: Restart (Khởi động lại)

Nút Restart giúp khởi động lại máy tính của bạn (đôi khi được gọi là "khởi động ấm" hoặc "khởi động mềm"). Điều đó có nghĩa là nó lưu thông tin của bạn vào ổ cứng, tắt máy tính một lúc, sau đó bật lại máy tính. Điều này thường được thực hiện sau khi khắc phục sự cố, thêm chương trình mới hoặc thực hiện thay đổi cấu hình cho Windows, và máy tính sẽ được yêu cầu khởi động lại. Khởi động lại thường cần thiết trong các tình huống khắc phục sự cố. Trong thực tế, khi máy tính của bạn xảy ra lỗi gì đó bất ngờ, điều này luôn luôn là phương án đầu tiên bạn nên thử để giải quyết vấn đề.

Restart

Tùy chọn số 3: Sleep (Ngủ)

Nhấp vào chế độ Sleep sẽ đặt máy tính của bạn vào trạng thái công suất thấp nhưng không tắt máy. Ưu điểm chính của Sleep là nó cho phép bạn quay trở lại làm việc một cách nhanh chóng, mà không phải đợi máy tính khởi động đầy đủ, quá trình có thể mất đến vài phút. Thông thường, nhấn nút nguồn của máy tính sẽ "đánh thức nó" từ chế độ Sleep và máy tính sẽ sẵn sàng hoạt động trong vài giây.

Sleep

Sleep là một lựa chọn tốt cho những lần bạn rời khỏi máy tính trong một thời gian ngắn. Nó tiết kiệm điện (tức là giúp tiết kiệm tiền) và cho phép bạn quay trở lại làm việc nhanh chóng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nó vẫn từ từ tiêu hao pin. Nếu bạn đang sử dụng máy tính xách tay và dung lượng pin còn rất ít, chế độ này cuối cùng có thể khiến máy tính của bạn tự tắt. Nói cách khác, bạn nên kiểm tra dung lượng pin máy tính xách tay của mình còn lại bao nhiêu, trước khi đi vào chế độ Sleep.

Tùy chọn số 4: Hibernate (Ngủ đông)

Chế độ Hibernate là một sự pha trộn giữa chế độ Shut down và Sleep. Nó ghi nhớ trạng thái hiện tại của máy tính để bàn của bạn và tắt hoàn toàn máy tính. Vì vậy, ví dụ, bạn đã mở một trình duyệt web, một tài liệu Microsoft Word, một bảng tính, và một cửa sổ trò chuyện, nó sẽ tắt máy tính, trong khi ghi nhớ những thứ bạn đang làm việc trên máy tính được đề cập ở trên. Sau đó, khi bạn khởi động lại, các ứng dụng đó sẽ sẵn sàng cho bạn sử dụng tiếp, ngay tại thời điểm trước khi bạn đưa máy vào chế độ Hibernate. Rất thuận tiện, phải không?

Hibernate

Chế độ Hibernate Windows 7 chủ yếu dành cho người dùng máy tính xách tay và netbook. Nếu bạn không ở cạnh máy tính xách tay của mình trong một thời gian dài, và lo lắng về việc máy laptop sẽ hết pin, đây là tùy chọn phù hợp để lựa chọn. Nó không sử dụng bất kỳ năng lượng nào, nhưng vẫn ghi nhớ những gì bạn đang làm. Nhược điểm là bạn sẽ phải chờ đợi cho máy tính của bạn khởi động lại một lần nữa để có thể trở lại làm việc tiếp tục.

Đó là tất cả những nội dung chính trong bài viết về 4 chế độ tắt máy trong Windows 7 chúng tôi muốn đề cập. Bạn có thể thử nghiệm với các chế độ tắt khác nhau, và tìm hiểu tùy chọn nào là tốt nhất cho bạn trong một tình huống nhất định.

Xem thêm:

Thứ Sáu, 06/07/2018 10:38
4,84 👨 9.443
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Windows 7