ThinkPad T400s - doanh nhân chuẩn mực

Không chỉ mỏng hơn kẻ tiền nhiệm T400, T400s hấp dẫn nhờ màn hình cảm ứng điện dung và cấu hình tốt.

Từ ThinkPad T400, Lenovo đã đẽo gọt và làm mới một cách toàn diện để có được T400s. Ký tự "s" là chữ cái đầu của từ "slim" (mảnh dẻ). Không chỉ mỏng mảnh, thon gọn, T400s còn trông hấp dẫn hơn nhiều so với đàn anh. Mới đây dòng này còn có thêm phiên bản màn hình cảm ứng điện dung đa chạm. Hiện phiên bản ThinkPad T400s cấu hình cơ bản với màn cảm ứng có giá 1.999 USD (khoảng 36 triệu đồng), bán kèm bộ phần mềm ứng dụng doanh nghiệp ThinkVantage và nhiều phần mềm, phần cứng bảo mật khác.



Lenovo ThinkPad T400s. Ảnh: Cnet.

Thiết kế T400s đã quá quen thuộc với người dùng trong nhiều năm qua. Máy sở hữu bộ khung vuông vắn màu đen với chuột núm cổ điển mà hữu dụng. Máy gọn, mỏng và nhẹ hơn hẳn so với các mẫu ThinkPad trước, song vẫn giữ nguyên đặc điểm nổi bật về sự chắc khỏe của khung và vỏ máy làm từ sợi carbon siêu bền. Không giống với nhiều laptop khác, góc mở máy tròn 180 độ, giúp màn hình và bàn phím của T400s có thể nằm trên cùng mặt phẳng.

Lenovo đã kỳ công dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để bố trí lại các phím và test thử nhiều lần để đưa ra thiết kế tối ưu nhất. Đón nhận ý kiến đóng góp của người dùng, các phím được sử dụng thường xuyên như "Esc" và "Delete" được làm to hơn bình thường. Giữ nguyên thiết kế bàn phím vuốt thon các cạnh, các phím xếp liền kề nhau chứ không chạy theo mẫu bàn phím chiclet của laptop cao cấp như Macbook, bởi gắn liền với thiết kế này là sự hài lòng cũng như cảm thấy rất thoải mái của nhiều thế hệ người dùng gắn bó với nhãn hiệu Thinkpad trong thời gian dài. Bên cạnh đó, T400s còn "làm ngơ" với xu thế sử dụng phím cảm ứng đa phương tiện, máy vẫn "hoài cổ" với các phím bấm vật lý để điều chỉnh âm lượng và bật/tắt loa.

Touchpad lớn, bề mặt nhám được thiết kế tinh xảo không chỉ giúp cho cử động di chuột mượt hơn mà còn là điểm nhấn tinh tế ở ngoại hình máy. Một phần không thể bỏ đi trong thiết kế, gắn liền với mọi thế hệ máy ThinkPad là chuột núm (trackpoint) nằm giữa bàn phím và bộ phím chuột kép (phía trên và dưới touchpad) vẫn được duy trì cho dù có "hơi tốn" diện tích và không quá cần thiết.


Touchpad lớn và nhám. Ảnh: Cnet.

T400s sở hữu nhiều tính năng mới và công nghệ nổi bật như màn hình cảm ứng điện dung đa chạm, hệ điều hành Windows 7 mới, giao diện cảm ứng thân thiện cho phép kéo thả menu, folder, file bằng các đầu ngón tay giống như trên máy tính bảng. Ngoài ra, Lenovo cũng tích hợp sẵn giao diện cảm ứng thân thiện của riêng hãng là SimpleTap để người dùng dễ dàng lựa chọn và so sánh.

SimpleTap thường trực ở góc màn hình với biểu tượng mỏ neo đỏ. Khi click chuột vào đó sẽ hiện ra một giao diện cảm ứng "đè" lên màn hình desktop của Windows với các biểu tượng lớn cho phép người dùng truy cập nhanh các tùy chỉnh trên hệ thống như điều chỉnh âm lượng, độ sáng, màn hình, bật tắt webcam, chuyển đổi trạng thái làm việc của máy.

Ngoài ra, bằng cách đặt đường dẫn tắt shortcut của các chương trình sử dụng vào SimpleTab, bạn sẽ có ngay biểu tượng cảm ứng giúp chạy nhanh ứng dụng đó. Bên cạnh đó là khả năng thay đổi biểu tượng, màu sắc nền, vị trí của các biểu tượng có trên màn hình.

Trên thực tế phần mềm SimpleTap, rất dễ dùng và màn cảm ứng của T400s khá nhạy nhưng chưa thể so sánh với màn của iPhone hay iPod Touch. Chắc chắn sẽ còn có nhiều cải tiến bởi đây mới là "thử nghiệm" màn cảm ứng điện dung đầu tiên trên dòng máy Thinkpad và SimpleTap mới ở giai đoạn beta.

Vấn đề chính của T400s nằm ở chỗ nó vẫn chỉ là laptop truyền thống chứ không phải máy tính bảng - Tablet PC, nhưng lại được trang bị màn cảm ứng. Vì thế ứng dụng trong thực tế sử dụng sẽ rất hạn chế ngoại trừ những công việc cơ bản như chơi các file đa phương tiện, tùy chỉnh khi xem ảnh. Nhưng chỉ với từng đó thì số tiền người sử dụng phải chi thêm 400 USD là chưa xứng đáng.


Các phím vát đặc trưng. Ảnh: Notebookreview.

T400s dùng màn hình LED 14,1 inch, 1.440 x 900 pixel - độ phân giải gốc tiêu chuẩn cho laptop cao cấp, trong khi các mẫu máy phổ thông chủ yếu vẫn dùng màn 14 inch, 15 inch độ phân giải 1.280 x 800 pixel. Laptop Thinkpad không sử dụng màn gương nhưng lại được phủ một lớp chống lưu dấu vân tay đặc biệt hữu dụng với các màn cảm ứng đa chạm.

Thinkpad cũng thuộc số ít những mẫu laptop còn bố trí các cổng kết nối nằm ở gáy máy, ở đây có cả cổng xuất hình VGA và DisplayPort, 2 cổng USB (1 cổng eSATA/USB combo và 1 cổng sạc USB).

Một điểm khá "lạ thường" là bạn sẽ phải lựa chọn giữa khe cắm thẻ nhớ SD/MMC và khe cắm thẻ mở rộng ExpressCard/34 trong cấu hình. Phiên bản đánh giá T400s có khe cắm thẻ nhớ SD/MMC, và dùng ổ cứng thể rắn SSD 128 GB thay vì ổ HDD 200 GB (5.400 vòng/phút).

Windows 7 Professional không quá mới lạ với những người dùng đã quá quen với hệ điều hành Windows Vista, nhưng với ai vẫn đang ưu ái Windows XP sẽ phải đầu tư một chút thời gian để làm quen. Điểm khác biệt lớn nhất là không còn tính năng Show Desktop mà thay vào đó là thanh Dock nằm dưới khay hệ thống hơi lệch sang phải - thanh hình chữ nhật nhỏ sáng màu với các biểu tượng mới. Và mỗi khi trỏ chuột qua các biểu tượng, cửa sổ đang mở sẽ trở nên trong suốt, nhưng tính năng thu nhỏ khi click chuột vẫn không thay đổi. Taskbar được làm mới có thể hiện thị các chương trình đang chạy dưới dạng thumbnails mỗi khi trỏ chuột vào chương trình đó, còn click vào sẽ mở cửa sổ chương trình đang chạy.


ThinkPad T400 hấp dẫn nhờ màn hình cảm ứng điện dung. Ảnh: Gizmodo.

ThinkPad T400s được trang bị vi xử lý hiệu năng cao và tiết kiệm điện vào hàng bậc nhất hiện nay, CPU Intel Core 2 Duo SP9600 2,53 GHz. Khả năng thực thi của máy rất xứng với mức giá 2.000 USD của laptop doanh nhân.

Khả năng xử lý các tệp tin đa phương tiện tốt hơn là các ứng dụng đồ họa. Theo kết quả đánh giá của các chuyên gia Cnet, thử nghiệm nén file với iTunes mất 149 giây, và cũng từng ấy thời gian để hoàn thành việc xử lý ảnh với Adobe Photoshop CS3. Trong khi thời gian hoàn thành công việc xử lý đa tác vụ là 828 giây, khá chậm chạp so với các mẫu máy hi-end khác. Đó là những kết quả các bài test thử nghiệm trên hệ điều hành Windows 7.

Còn với hệ điều hành Windows Vista, kết quả benchmark bằng PCMark Vantage của T400s được 5.893 cao hơn bất cứ mẫu laptop doanh nhân nào, thậm chí gần gấp đôi điểm số của Thinkpad T400 (3.576) hay HP EliteBook 6930p (3.749) và Toshiba Tecra R10 (3.490). Song khả năng đồ họa của máy thì rất hạn chế bởi chỉ sử dụng đồ họa tích hợp Intel GMA X4500 với kết quả thử nghiệm 3DMark06 được 1.120 điểm, thấp hơn so với mức trung bình 1.479 điểm, và thấp hơn đáng kể so với HP EliteBook 6930p (1.792) hay Toshiba Tecra R10 (1.643).

Với pin 6-cell, thời lượng xem video liên tục của T400s là 3 giờ 33 phút, cao hơn hẳn so với các mẫu máy thuộc phân khúc laptop cao cấp. Chắc chắn với các công việc thường nhật như lướt web, đọc và làm văn bản thời lượng chạy máy sẽ tốt hơn. Còn nếu muốn đảm bảo thời gian chạy máy đủ cho một ngày làm việc, bạn có thể trang bị thêm bộ pin dự phòng - UltraBay battery với giá 119 USD, nhưng có thể nâng cao 50% thời lượng dùng pin.


Thân máy mỏng, giống như đã biểu thị ở tên T400s. Ảnh: Apcmag.

Tại thị trường Việt Nam, ThinkPad T400s chủ yếu xuất hiện dưới hình thức hàng xách tay và rất hiếm. Phiên bản cấu hình cơ bản có giá gần 33 triệu đồng, nhưng chưa được trang bị màn hình cảm ứng điện dung đa chạm.

Thứ Tư, 23/09/2009 14:30
31 👨 896
0 Bình luận
Sắp xếp theo