Sự khác biệt giữa Ansible và Puppet

Mỗi ngày, các chuyên gia DevOps phải quản lý cùng lúc nhiều máy chủ và nhiều ứng dụng. Để giúp họ xử lý các tác vụ vốn ngày càng phức tạp, hàng loạt công cụ quản lý cấu hình (CM) đã ra đời, chẳng hạn như Ansible và Puppet.

GB Advisors đánh giá CM là một quy trình quan trọng trong khi C2S Consulting Group nhận định CM là điều bắt buộc trong mô hình DevOps để hỗ trợ tích hợp liên tục.

Các công cụ CM cho phép quản trị viên thực hiện các tác vụ trên nhiều máy chủ cùng lúc cũng như triển khai nhiều ứng dụng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhưng làm thế nào để bạn tìm ra đâu là công cụ tốt nhất cho nhu cầu của bạn? Trong bài viết này, Quản Trị Mạng sẽ cùng các bạn so sánh sự khác biệt giữa Ansible và Puppet để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Tổng quan

Puppet đã xuất hiện từ năm 2005 và được coi là ông lớn trên thị trường CM với thị phần lớn nhất. Nó được sản xuất bởi công ty phần mềm Oregon Puppet, được thành lập bởi Luke Kanies. Nó được phát triển bằng Ruby, là một chương trình mã nguồn mở và chạy trên tất cả các hệ điều hành chính: Linux, Unix, macOS và Windows.

Oracle và Google cũng như các công ty tên tuổi khác vận hành các máy chủ dữ liệu của họ bằng Puppet. Phiên bản thương mại, Puppet Enterprise, cũng có sẵn thông qua PuppetLabs và bao gồm tính năng hỗ trợ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người dùng phàn nàn rằng PuppetLabs quá tích cực trong việc thúc đẩy các công ty mua nó. Một số người khác lại cho rằng Puppet chậm chấp nhận các thay đổi được yêu cầu, chẳng hạn như thêm các tính năng mới và sửa lỗi.

Ansible được AnsibleWorks giới thiệu vào năm 2012, hiện thuộc sở hữu bởi Red Hat và có thị phần nhỏ hơn nhiều so với Puppet. Đây là một điều khá hiển nhiên bởi Puppet ra đời sớm hơn Ansible rất nhiều.

Giống như Puppet, Ansible cũng là phần mềm mã nguồn mở và cũng có phiên bản dành riêng cho doanh nghiệp mang tên Ansible Tower. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Ansible được thiết kế bằng Python (chứ không phải Ruby) và có kích thước nhẹ, triển khai nhanh.

Do Python được tích hợp vào hầu hết các hệ thống Unix và Linux nên việc thiết lập và chạy Ansible có thể được thực hiện khá nhanh chóng và bản chất không cần tác nhân của nó giúp người dùng dễ dàng thiết lập và sử dụng. Ngoài ra, CLI chấp nhận các lệnh ở hầu hết mọi ngôn ngữ, một lợi ích cực kỳ lớn cho người dùng.

Ansible cũng bao gồm hàng trăm mô-đun để hỗ trợ nhiều loại tích hợp, bao gồm cả Amazon Web Services (AWS). Ansible mới chỉ bắt đầu hỗ trợ Windows trong thời gian gần đây.

Để biết thêm chi tiết về sự khác biệt giữa Ansible so với Puppet về thiết lập, ngôn ngữ, GUI, CLI và các phần khác cũng như cách sử dụng các công cụ, mời các bạn xem tiếp bài viết.

Sự khác biệt giữa Ansible và Puppet

Ansible so với Puppet: Khả năng cài đặt và sử dụng dễ dàng

So với Puppet, Ansible được thừa nhận rộng rãi là dễ cài đặt và sử dụng hơn.

Puppet được định hướng theo mô hình và được xây dựng theo kiểu quản trị viên hệ thống. Nó tuân thủ theo kiến trúc client-server (hoặc agent-master); bạn cài đặt Puppet Server trên một hoặc nhiều máy chủ và sau đó cài đặt Puppet Agent trên tất cả các nút mà bạn muốn quản lý. Puppet sử dụng ngôn ngữ khai báo của riêng mình (còn được gọi là ngôn ngữ dành riêng cho miền hoặc DSL). Công ty cho biết quá trình cài đặt mất từ 10 đến 30 phút, tùy thuộc vào môi trường và nhu cầu.

Ansible có master nhưng không có agent nào chạy trên máy khách, tất cả các chức năng được thực hiện qua giao thức SSH. Trong các cuộc thảo luận về tính đơn giản của Ansible, không cần agent là một trong những tính năng được nhắc tới nhiều nhất. Ansible cũng khác biệt ở chỗ nó sử dụng cú pháp YAML. Các tác vụ phức tạp được xử lý trong các tệp cấu hình được gọi là playbook và các lệnh có thể được viết bằng hầu hết mọi ngôn ngữ lập trình. Ngoài ra, Ansible có lợi thế là được viết bằng Python, vốn được tích hợp trong hầu hết các distro Unix và Linux, giúp việc thiết lập trở nên dễ dàng/nhanh hơn.

Mặc dù phức tạp hơn theo một số cách nhưng Puppet lại có lợi thế hơn Ansible trong sử dụng thực tế. Lý do là vì nếu bạn mắc lỗi cú pháp, chúng có thể được đánh dấu dễ dàng trong Puppet trước khi bạn chạy tác vụ. Trong khi đó, với Ansible, các tác vụ được thực hiện theo thứ tự và bạn không biết liệu một tác vụ cụ thể có thất bại hay không cho đến khi tác vụ đó được thực thi. Ngoài ra, YAML không phải là một ngôn ngữ dễ dàng cho việc gỡ lỗi.

Ansible so với Puppet: Quản lý và lập kế hoạch

Quản lý của Ansible so với Puppet tập trung vào các cấu hình đẩy và kéo. Trong Puppet, máy khách lấy cấu hình từ máy chủ, trong khi ở Ansible, máy chủ đẩy cấu hình tới các nút để triển khai tức thời. Ngoài ra, trong Puppet, bạn phải viết các cấu hình bằng ngôn ngữ của Puppet, trong khi ở Ansible, bạn sử dụng ngôn ngữ YAML, gần giống như tiếng Anh nguyên bản.

Đối với việc lên lịch trình, trong cài đặt mặc định, Puppet Agent sẽ kiểm tra sau mỗi 30 phút để đảm bảo các nút ở trạng thái mong muốn. Phiên bản miễn phí của Ansible không bao gồm khả năng đó. Để có khả năng đó, bạn cần mua Ansible Tower.

Nhìn chung, Ansible thiếu một số tính năng nâng cao có sẵn trên Puppet cũng như các công cụ CM lâu đời khác.

Ansible so với Puppet: Tính khả dụng

Cả Ansible và Puppet đều có bản sau lưu đề phòng trường hợp gặp lỗi. Điều này có nghĩa là tính khả dụng không bao giờ bị gián đoạn. Ansible nút phụ trong trường hợp nút chính bị lỗi và Puppet thì có nhiều hơn một master trong trường hợp master ban đầu gặp lỗi.

Ansible so với Puppet: Khả năng mở rộng

Cả hai công cụ đều có khả năng mở rộng tốt, nghĩa là chúng có thể xử lý sự gia tăng lớn về số lượng nút mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, thường thì người ta cho rằng Ansible có khả năng mở rộng dễ dàng hơn.

Ansible so với Puppet: Mô-đun

Puppet có một repo/thư viện có tên là Puppet Forge trong khi Ansible cũng có Ansible Galaxy. Forge rất rộng lớn (gần 6.000 mô-đun) và các mô-đun có thể được đánh dấu là đã được phê duyệt/hỗ trợ bởi Puppet nên bạn sẽ không bị lãng phí thời gian với các mô-đun chưa được kiểm chứng.

Ansible Galaxy chưa có tính năng này nên có thể bạn sẽ phải dành thời gian và công sức để thay đổi mọi thứ theo cách thủ công.

Ansible so với Puppet: GUI

Giao diện người dùng đồ họa (GUI) của Puppet được phát triển cao hơn so với Ansible. Nó được sử dụng để xem, quản lý và giám sát; đối với các tác vụ phức tạp hơn, có thể bạn phải cần sử dụng giao diện dòng lệnh CLI, dựa trên Ruby.

Khi được giới thiệu, Ansible là một công cụ chỉ dùng giao diện dòng lệnh. Giờ đây, nó đã có thêm giao diện người dùng đồ họa cho phiên bản dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó vẫn chưa hoàn hảo bởi GUI đôi khi không đồng bộ với dòng lệnh và nó không thể thực hiện tất cả những việc giống như giao diện dòng lệnh.

Ansible so với Puppet: Hỗ trợ

Do Puppet tồn tại lâu hơn Ansible vài năm nên rõ ràng nó sẽ có nhiều hỗ trợ hơn và có cộng đồng nhà phát triển lớn hơn. Puppet có một cổng hỗ trợ chuyên dụng với một kênh hỗ trợ kiến thức cơ sở và một kênh hỗ trợ chuyên nghiệp ở hai cấp độ là Tiêu chuẩn và Cao cấp. Bạn cũng có thể truy cập trình quản lý tài khoản kỹ thuật (TAM) hoặc tham gia vào các cộng đồng Puppet. Bên cạnh đó, Puppet cũng cung cấp báo cáo "State of DevOps" hàng năm nhằm chuyển tải tới cộng đồng các xu hướng DevOps nổi bật.

Ansible cung cấp hai cấp độ hỗ trợ chuyên nghiệp cho phiên bản dành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có hơn 200 cuộc gặp gỡ trên toàn thế giới có tên AnsibleFest, quy tụ một tập hợp người dùng và cộng tác viên lớn hàng năm.

Ansible so với Puppet: Mức giá

Như đã đề cập ở trên, các phiên bản cơ bản nhất của Puppet và Ansible đều là mã nguồn mở và cho sử dụng miễn phí. Với các phiên bản thương mại, bạn sẽ phải trả tiền tùy thuộc vào mức hỗ trợ mà bạn cần.

Bạn có thể dùng thử miễn phí Puppet Enterprise trên 10 nút. Nó có giá khoảng 100 USD mỗi nút/năm với gói hỗ trợ tiêu chuẩn. Nếu chọn gói hỗ trợ cao cấp, mức giá sẽ tăng lên 199 USD mỗi nút/năm.

Ansible Tower có ba mức giá. Mức 1: Tự hỗ trợ (không được hỗ trợ từ Ansible) có giá 5.000 USD/năm cho tối đa 100 nút. Mức 2: Tiêu chuẩn (hỗ trợ 8 tiếng một ngày, 5 ngày trong một tuần) có giá 10.000 USD/năm cho tối đa 100 nút hoặc 13.000 USD/năm với Ansible Engine. Mức 3: Cao cấp (hỗ trợ 24/7) là 14.000 USD/năm cho tối đa 100 nút hoặc 17.500 USD/năm với Ansible Engine.

Ansible so với Puppet: Công cụ nào tốt hơn?

Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều thứ. Xét trên các khía cạnh khác nhau, cả hai công cụ này đều rất tuyệt vời và mỗi công cụ đều có ưu điểm và nhược điểm. Những sự khác biệt chính giữa Ansible và Puppet khiến cho việc đưa ra lựa chọn đúng đắn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu cụ thể của công ty bạn.

Nhiều người sử dụng Ansible cho các triển khai nhỏ, nhanh và/hoặc tạm thời trong khi Puppet thường được sử dụng cho các triển khai phức tạp hơn hoặc dài hạn hơn. Nếu bạn có một bộ máy gần như cố định cần bảo trì, Puppet có thể là lựa chọn tốt hơn trong khi nếu cỗ máy của bạn thường xuyên được cấp phép lại thì Ansible có thể là sự lựa chọn phù hợp.

Quản Trị Mạng hy vọng rằng bài viết này sẽ có ích đối với bạn!

Thứ Năm, 22/12/2022 10:45
31 👨 323
0 Bình luận
Sắp xếp theo