One UI (Samsung Galaxy S20)
Phần mềm của Samsung đã phát triển rất nhiều trong những năm qua, và gần đây nhất chúng ta gặp One UI. One UI có thiết kế rất đặc biệt, điều này dẫn đến hai thái cực - cực kì thích hoặc cực kì không thích - khi nó được so sánh với OxygenOS. Phiên bản này được trang bị thêm rất nhiều tính năng, khiến cho One UI trở thành trải nghiệm Android đa sắc nhất trên thị trường. Đôi lúc nó có thể khiến chúng ta cảm thấy hơi quá tải nhưng không thể phủ nhận những tiện ích tuyệt đối của phiên bản Android này.
Ưu điểm
- Thiết kế phù hợp cho việc sử dụng một tay
- Công cụ tùy biến phong phú
- Có thêm chế độ trẻ em và chế độ dễ sử dụng
- Lọc ánh sáng xanh
- Vô kể những chức năng để giải trí
Nhược điểm
- Đôi khi cảm thấy quá tải khi sử dụng
- Thiết kế trông giống hoạt hình
OxygenOS (OnePlus 8)
Nhiều người có thể thấy OxygenOS khá nhạt nhẽo so với One UI, nhưng nếu kết hợp nó với điện thoại OnePlus, đây là một sự hoàn hảo. Số lượng chức năng không nhiều. Bộ đôi này đem đến sự phối hợp tốt và thực sự hữu dụng trong mọi trường hợp. OxygenOS cũng gợi nhớ đến phiên bản Android thuần, nhưng mọi thứ đã được mở rộng hơn với nhiều lựa chọn tùy chỉnh.
Ưu điểm
- Đơn giản, gọn gàng
- Nhiều lựa chọn tùy chỉnh
- Hiệu năng cực kì mượt mà
- Thanh trượt cảnh báo
- Chế độ đọc, thiền và Fnatic.
Nhược điểm
- Hiện chưa có cập nhật nào mới
- OnePlus trình những tính năng mới rất chậm
One UI và Oxygen OS là hai cách tiếp cận phần mềm Android rất khác nhau. Mỗi một phiên bản đều có những điểm mạnh điểm yếu khác nhau. One UI của Samsung thiết kế táo bạo với nhiều tính năng có thể hữu ích, cộng thêm với vô số tiện ích và chức năng phục vụ cho thiết bị. Một số người cảm thấy như thế quá phô trương, do đó OxygenOS là một sự thay thế hoàn hảo. Không có quá nhiều tính năng nhưng sự giản dị của OnePlus có thể phù hợp hơn với bạn.
So sánh hai phần mềm Android
Trận chiến của thiết kế đơn giản và gọn nhẹ
Trong lĩnh vực phần mềm Android xuất hiện rất nhiều đối thủ khác nhau và điều thấy được rõ ràng nhất giữa các bên cạnh tranh đó là trận chiến về mặt thiết kế. One UI và OxygenOS cũng không nằm ngoài "chiến trường" này.
Samsung tạo ra One UI mang một thiết kế táo bạo. Nó vẫn hoạt động như mọi thiết bị Android khác với màn hình chính và danh sách ứng dụng, nhưng vẫn mang đậm màu sắc của Samsung, đáng chú ý nhất là khả năng sử dụng bằng một tay.
Đây là tính năng cốt lõi mà One UI tạo ra và quả thật, nó nhận được phản hồi vô cùng tích cực. Mọi yếu tố đều được UI thiết kế lùi xuống dưới màn hình, giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc bấm nút và thực hiện các thao tác khác nhau. Ví dụ, trang cài đặt đã đẩy các link lùi xuống thấp so với trong OxygenOS, màn hình cài đặt giúp gạt thanh chỉnh sáng dễ dàng hơn. Đây là những điều nhỏ nhặt mà nhiều người không để ý, nhưng sau một thời gian sử dụng sẽ thấy nó cực kì có ích.
OxygenOS không có những thứ đó, thay vì vậy các kĩ sư quyết định thiết kế nó mang dáng dấp phiên bản Android thuần. Bạn sẽ thấy OxygenOS giống với phiên bản Android trên các thiết bị như Google Pixel hay Android One. Tuy nhiên, OnePlus có thêm nhiều tính năng như tùy chỉnh phông chữ và các định dạng khác riêng biệt.
Về mặt thiết kế, cả One UI và OxygenOS mang đến rất nhiều công cụ tùy chỉnh giúp bạn thay đổi hoàn toàn phần nhìn trong máy. Với One UI, bạn có Galaxy Themes - một cửa hàng nơi bạn có thể tìm được rất nhiều hình nền mới, biểu tượng ứng dụng và thiết kế chúng. Nếu tải xuống và sử dụng một theme mới, nó sẽ thay đổi hiển thị của thiết bị ngay lập tức.
Có rất nhiều thứ hay ho trong Galaxy Themes, tuy nhiên nó sẽ tốn của bạn khá nhiều tiền. Có một vài thứ miễn phí nhưng những theme thực sự đẹp đòi hỏi bạn phải trả một khoản phí khá lớn.
Không có hẳn một cửa hàng nhưng OxygenOS có mục Customization trong Settings. Mọi thứ đều được miễn phí và tương đối đẹp mắt. Ở đây bạn có thể tùy chỉnh
- Hình nền
- Kiểu dáng đồng hồ
- Cảm biến vân tay
- Khi có thông báo thì đèn cạnh sáng
- Màu sắc
- Biểu tượng hệ thống
- Nhóm biểu tượng
- Phông chữ
Cả hai đều có phần nhìn đẹp, nhưng OxygenOS có sự đơn giản mà One UI không có. Khi sử dụng những ứng dụng đồng thời (ví dụ như Google Photos và Samsung Gallery) hoặc ứng dụng tạo icon hoạt hình, One UI cho phép người dùng sử dụng dễ dàng mà không cần đến extension.
Vậy mới nói, không có ai là người chiến thắng trong trận chiến này. Bạn thích thiết kế của OxygenOS hơn nhưng rất nhiều người khác lại sẵn sàng tranh luận rằng One UI trông đẹp mắt hơn nhiều. Điều này phụ thuộc vào cảm quan riêng của mỗi người, nhưng điều quan trọng hơn cả thiết kế đó là những tính năng mà các phiên bản này mang lại.
One UI có nhiều tính năng trong khi OxygenOS trung thành với sự tối giản
Phần mềm của Samsung trải qua rất nhiều thay đổi và cải tiến. Trước khi One UI ra đời, chúng ta có The Samsung Experience và TouchWiz mang giao diện lộn xộn. One UI của Samsung cũng có đã lược bớt đi rất nhiều, nhưng chỉ cần nhìn qua đã thấy họ vẫn bày ra quá nhiều thứ.
Nhiều như thế nào? Hãy nhìn qua danh sách những tính năng được Samsung thêm vào:
- Chế độ Easy (giúp màn hình chính đơn giản hóa)
- Màn hình cạnh (shortcut của các ứng dụng hay dùng sẽ xuất hiện ở cạnh thiết bị)
- Ánh sáng cạnh (thông báo đến sẽ có đèn báo ở cạnh thiết bị)
- FaceWidgets (màn hình khóa và chế độ Always On Display)
- Biểu tượng thu nhỏ trên màn hình khóa
- Chế độ xem thông minh (đối với các thông báo)
- Smart stay (giữ cho màn hình luôn mở khi bạn xem)
- Dual Messenger (có thể đăng nhập hai tài khoản cùng lúc trên các mạng xã hội)
- Galaxy Store (ứng dụng riêng biệt với Google Play Store)
Một vài chức năng trong số đó có mang lại tiện ích thật, và bạn có thể lựa chọn bỏ qua hết nếu muốn. Samsung có vẻ như đã “nhồi nhét” hơi quá vào One UI khiến bạn gặp khó khăn nếu tìm kiếm trong trình cài đặt.
Có một vài tính năng của One UI thật sự ấn tượng, như chức năng quay màn hình được tích hợp sẵn hoặc Always On Display. Những tính năng này giúp các thiết bị của Samsung nổi bật hơn, chứ không chỉ còn là một lô tính năng thiếu tính khả thi nữa. Chưa kể, những ai mới sử dụng Android sẽ cảm thấy hơi nản chí với hàng loạt chế độ này của One UI.
Cũng giống như mảng thiết kế, OxygenOS cho thấy sự tối giản ngay cả trong việc thêm những tính năng phần mềm mới. Không giống như Samsung, muốn ném tất cả vào cùng một lúc, OnePlus lại có hướng đi tính toán hơn về việc cái gì nên hoặc không nên thêm vào. Bạn sẽ không tìm thấy quá nhiều tính năng ở đây, nhưng cái nào cái nấy đều vô cùng tuyệt vời.
Kể từ khi OnePlus 2 được ra mắt năm 2015, mọi chiếc điện thoại OnePlus đều có thanh trượt báo hiệu vật lý cho phép bạn tùy chỉnh âm thanh của thông báo chỉ trong nháy mắt. Chức năng này vẫn hoạt động hoàn hảo trong OxygenOS, OnePlus thậm chí còn cho phép bạn kiểm soát thanh trượt này (như tăng giảm âm lượng ở chế độ im lặng). Đây chỉ là một điều rất nhỏ, nhưng nó thực sự rất được yêu thích trên những chiếc điện thoại OnePlus.
Khi sử dụng chế độ đọc (Reading Mode), màn hình sẽ tự động tùy chỉnh hiệu ứng sáng để giúp bạn đọc thoải mái hơn - một công cụ cần thiết nếu bạn hay đọc sách báo trên điện thoại. Nếu là game thủ, chế độ Fnatic đúng là một giấc mơ thành hiện thực. Nó tối ưu hóa hiệu năng của CPU, GPU và RAM, đồng thời cũng tăng hiệu suất đường truyền mạng và tự động bật chế độ Do Not Disturb (Không làm phiền).
OnePlus còn có một tính năng gọi là Zen Mode, dựa vào ý tưởng kêu gọi sử dụng ít điện thoại vì sức khỏe. Những công cụ về sức khỏe không còn mới ở Android, nhưng cách tiếp cận của Zen Mode rất đặc biệt và là một trong những phương pháp hiệu quả nhất từng được thấy.
Trên đây là một vài tính năng nổi bật nhất của OxygenOS. OnePlus đã làm rất rốt trong việc tổ chức lại trang cài đặt, khiến nó sử dụng dễ dàng hơn so với One UI.
Cập nhật phần mềm
Cuối cùng, một phần mềm tốt chẳng có nghĩa lý gì nếu nhà sản xuất không liên tục cập nhật những chức năng mới và sửa lỗi những lỗi hiện có.
Samsung trước đây có tiếng trong việc cập nhật phần mềm chậm và không đáng tin cậy, tuy nhiên đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây. Hầu hết điện thoại Samsung dòng cao cấp đều có những cập nhật lớn, thêm vào đó là vá lỗ hổng bảo mật ngay sau khi điện thoại ra mắt được thời gian ngắn.
OnePlus làm tốt trong việc mang đến những cải tiến mới cho các thiết bị của mình - thường thì khoảng 2-3 năm cho mỗi đợt update lớn. Ví dụ, OnePlus 5 từ 2017 vẫn được hỗ trợ Android 10 trong thời gian tới.
OnePlus vẫn còn yếu ở mảng vá những lỗ hổng an ninh nhưng dù sao đây cũng là một trong những công ty làm rất tốt trong lĩnh vực phần mềm.
Tổng kết
Dù Android phục vụ mọi dòng máy nhưng vẫn có những khác biệt rõ ràng giữa các nhà sản xuất điện thoại.
One UI của Samsung có bước nhảy vọt so với những phần mềm trong quá khứ, là một trong những phiên bản Android đẹp mắt nhất cho tới thời điểm hiện tại. Tuy vẫn còn một vài vấn đề nhưng nếu bạn muốn sở hữu một thiết bị có nhiều tính năng nhất có thể, điện thoại Samsung vẫn là lựa chọn hoàn hảo.
Số lượng tính năng của OxygenOS không được ấn tượng bằng nhưng OnePlus đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo ra một phiên bản Android đơn giản, mượt và những chức năng thể hiện tính suy nghĩ thấu đáo cho người dùng.
Sẽ có rất nhiều lý do để thích hay không thích hai sản phẩm này, nhưng chúng chắc là những phần mềm Android tốt nhất trên thị trường hiện nay.