Registry là một phần không thể thiếu của hệ điều hành Windows. Cơ sở dữ liệu này chứa những thông tin quan trọng lưu trữ mọi thiết lập của hệ điều hành trên máy tính, bao gồm cả cấu hình, thông tin driver các thiết bị. Nói cách khác, bất cứ điều gì quan trọng bạn có thể nghĩ đến đều được lưu trữ bên trong Registry.
Tuy quan trọng là vậy, nhưng đây là một cơ sở dữ liệu mở cho phép người dùng thay đổi dữ liệu. Việc sử dụng Registry để chỉnh sửa hệ thống luôn là một trong những cách được người dùng lựa chọn hàng đầu và đôi khi dẫn tới tình huống làm hỏng gây lỗi hệ thống nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo Registry có thể "an toàn" ở bất cứ trường hợp nào, bạn nên sao lưu cơ sở dữ liệu này trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống và khôi phục lại nếu gặp vấn đề.
Ở bài viết này Quantrimang.com sẽ hướng dẫn bạn cách đơn giản để sao lưu và khôi phục những thiết lập Registry trong Windows 10/8.1/8/7. Mời theo dõi bài viết.
Windows Registry là gì?
Windows Registry về cơ bản là một cơ sở dữ liệu nội bộ khổng lồ chứa thông tin quan trọng, cụ thể về máy tính và liên quan đến hầu hết mọi thứ trong máy như:
- Phần cứng hệ thống
- Phần mềm và driver đã cài đặt
- Cài đặt hệ thống
- Thông tin profile
Mở một chương trình, cài đặt phần mềm mới và thay đổi phần cứng đều yêu cầu Windows tham khảo thông tin có trong Registry. Khi mọi thứ bắt đầu có gì đó không đúng, nhiều người quyết định can thiệp vào Registry mà không thực sự hiểu ý nghĩa của nó.
Trong thực tế, các fragment registry phần mềm bị xóa hoặc orphaned registry (registry được liên kết với các chương trình đã gỡ cài đặt) có kích thước rất nhỏ và không làm cho máy tính gặp bất kỳ vấn đề nào cả.
Tuy nhiên, khi đến lúc phải khắc phục sự cố thực sự với Registry, điều quan trọng là phải biết bạn đang làm gì và cách tốt nhất thường là cách đơn giản nhất.
Điều gì gây ra lỗi Registry?
Có một số nguyên nhân phổ biến gây ra lỗi Registry, một số nguyên nhân đáng lo ngại, những cái khác thì không:
1. Các mục “orphan”: Đây không phải là vấn đề. Các mục “orphan” này xuất hiện khi bạn gỡ cài đặt chương trình và những fragment của mục registry bị bỏ lại. Nhiều phần mềm sửa lỗi Registry sẽ tuyên bố đây là một vấn đề ngay lập tức, nhưng trên thực tế, chúng chỉ chiếm một vài kilobyte dữ liệu trong máy.
2. Key trùng lặp: Đây không phải là vấn đề. Các key trùng lặp này được tạo khi bạn cài đặt lại, nâng cấp hoặc cập nhật phần mềm trên máy, bao gồm cả hệ điều hành. Phần mềm sửa lỗi Registry thông báo rằng phần mềm sẽ bị nhầm lẫn bởi các mục trùng lặp, làm chậm máy tính, nhưng thực tế, điều này là không thể.
3. Registry phân mảnh: Không phải là một vấn đề. Tương tự như các key trùng lặp, các Registry phân mảnh khi phần mềm được gỡ cài đặt, nâng cấp hoặc cập nhật.
4. Lỗi tắt hệ thống: Không chắc sẽ gây ra sự cố. Mỗi lần máy tính tắt, một bản sao Registry sẽ được lưu vào bộ nhớ hệ thống. Nếu máy tính đột nhiên tắt, gặp sự cố hoặc ngừng hoạt động vì một lý do khác, bản sao Registry có thể gây ra sự cố trong tương lai, nhưng điều này chưa chắc đã xảy ra.
5. Phần mềm độc hại và virus: Đây là một vấn đề lớn. Phần mềm độc hại và virus thuộc tất cả các loại thường xuyên tấn công và sửa đổi registry và sẽ cần sự chú ý ngay lập tức.
Phần mềm dọn dẹp Registry sẽ thường xác định các vấn đề 1 - 4 là nghiêm trọng, có khả năng phá hủy các thiết bị. Thực tế, chỉ có vấn đề 5 sẽ khiến bạn phải hành động ngay lập tức. Nếu bạn nghi ngờ mình gặp phải vấn đề về phần mềm độc hại, hãy xem hướng dẫn loại bỏ phần mềm độc hại hoàn chỉnh của Quantrimang.com.
Sao lưu và khôi phục Registry trên Windows theo cách thủ công
Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows
+R
để mở cửa sổ lệnh Run.
Bước 2: Nhập lệnh sau vào và nhấn Enter:
regedit
Bước 3: Để sao lưu Registry, đầu tiên bạn vào File > Export.
Bước 4: Ở cửa sổ hiện ra, click chọn All trong Export range và nhập tên tệp mong muốn. Chọn một vị trí lưu và nhấp vào Save để lưu dữ liệu backup của Registry.
Bước 5: Nếu muốn khôi phục lại bản Registry vừa backup ở trên, bạn cũng mở Registry Editor như bước 1, 2, vào File > Import.
Bước 6: Tiếp theo, chọn vị trí bạn đã save bản sao lưu và nhấn Open.
Chờ một chút để hệ thống khôi phục lại Registry. Vậy là bạn đã thành công!
Sao lưu và phục hồi Registry bằng Restore Point
Bước 1: Đầu tiên bạn nhập restore point
vào khung Seach trong Start Menu hoặc trên thanh Taskbar, sau đó kích chọn Create a Restore Point.
Bước 2: Ở cửa sổ mới hiện ra, bạn chọn Local Disk (C:) (ổ đĩa cài đặt Windows) và nhấp vào Configure.
Bước 3: Ở phần Restore Settings, chọn Turn on system protection. Xuống Max Usage và đặt giá trị tối đa là 10%.
Bước 4: Nhấp Apply để áp dụng rồi chọn OK.
Bước 5: Màn hình trở về với cửa sổ trước đó, bạn tiếp tục chọn ổ đĩa chứa Windows của mình rồi nhấp chọn Create.
Bước 6: Điền tên cho Restore Point giúp sao lưu Registry và click vào Create.
Bước 7: Bạn đợi một lúc để hệ thống tạo Restore Point, khi hoàn thành thì nhấp chọn Close.
Bước 8: Nếu muốn khôi phục lại bản Registry vừa backup bằng Restore Point ở trên, bạn cũng mở Create a Restore Point như bước 1, và chọn System Restore ở tab System Protection
Bước 9: Ở giao diện tiếp theo, bạn chọn restore point vừa tạo ở trên rồi click vào Next.
Bước 10: Thực hiện tiếp các hướng dẫn trên màn hình để hoàn tất, khi hoàn thành nhấn Finish là xong.
Như vậy là bạn đã khôi phục Windows Registry thành công.
Nhìn chung, bạn nên sao lưu Windows Registry trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống của mình, vì trong trường hợp có sự cố xảy ra, chỉ cần khôi phục trở lại như cũ là không ảnh hưởng gì nữa. Hãy thử xem nhé. Chúc bạn thành công!
Xem thêm: