P2W và F2P là hai thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất trong chơi game, nhưng chính xác thì chúng có nghĩa là gì? Với sự phát triển không ngừng của các game freemium và sự phổ biến ngày càng tăng của những giao dịch vi mô trong mọi loại game, hai thuật ngữ này chưa bao giờ xuất hiện nhiều đến thế.
Nếu bạn không biết ý nghĩa của chúng và sự khác biệt giữa 2 thuật ngữ này là gì, thì đã đến lúc tìm hiểu sâu hơn một chút!
P2W nghĩa là gì?
Khi nói đến video game, P2W là viết tắt của cụm từ “pay-to-win”. Về cơ bản, pay-to-win là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các game yêu cầu hoặc liên quan đến việc trả tiền thật để cung cấp cho người chơi quyền tiếp cận với một số lợi thế đáng kể so với những người chơi khác.
Ví dụ, game P2W có thể cho phép người chơi hồi máu sau khi tiêu diệt hoặc tăng sức mạnh bằng cách trả tiền. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi thứ thường phức tạp hơn một chút. Thông thường, các game P2W cung cấp quyền truy cập như nhau vào cùng một nội dung cho cả người chơi sẵn sàng trả tiền và những người không. Lợi thế dành cho những người trả tiền thường ở dạng thời gian.
Nhiều game P2W thiết lập thời gian chờ dài trên nhiều phần trong game. Tất cả người chơi đều phải trải qua những khoảng thời gian chờ đợi này, nhưng với những người chơi sẵn sàng trả tiền, khoảng thời gian chờ có thể được rút ngắn hoặc bỏ qua hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều này có mang lại cho người chơi lợi thế đặc biệt so với những người khác hay không phụ thuộc vào chính game đó.
Cần lưu ý rằng game có giao dịch vi mô chưa chắc đã là một game P2W. Có rất nhiều ví dụ khác nhau về giao dịch vi mô trong game, nhưng nếu giao dịch không ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thắng game, thì nó không phải là game pay-to-win.
F2P nghĩa là gì?
F2P (hoặc đôi khi còn gọi là FtP) là một từ viết tắt khác xuất phát từ cụm từ “free-to-play”. Cụm từ này ám chỉ những game không tốn tiền để chơi. Chúng khác với nhiều sản phẩm và game thương mại mà bạn phải trả tiền để chơi hoặc sử dụng.
Game F2P cũng khác với game freeware. Game freeware hoàn toàn không có bất kỳ hình thức chi phí nào, trong khi những game F2P thường bao gồm một số loại chi phí. Chẳng hạn với nhiều game free-to-play phổ biến như Fortnite, Liên minh huyền thoại và CS:GO, các chi phí này ở dạng giao dịch vi mô để đổi lấy vật phẩm trong game.
Cũng có những game F2P khác dành cho thiết bị di động không bao gồm các giao dịch vi mô trong game mà thay vào đó, chúng được tích hợp quảng cáo trực tiếp vào game. Không có gì lạ khi những game này cung cấp cho người chơi tùy chọn xem nhiều quảng cáo hơn để đổi lấy phần thưởng trong game.
Đâu là sự khác biệt giữa P2W và F2P?
Trước khi xác định sự khác biệt giữa P2W và F2P, điều quan trọng là phải hiểu rằng hai thuật ngữ này không triệt tiêu lẫn nhau. Game F2P có thể là P2W hoặc không, và điều này cũng đúng đối với các game có giao dịch mua thương mại.
Như đã nói, có một mối tương quan giữa những game F2P và các yếu tố P2W. Điều này là do những game F2P cũng tốn chi phí để phát triển và tất nhiên, các công ty muốn thu lợi nhuận từ chúng. Do đó, các nhà phát triển game F2P thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để kiếm tiền từ sản phẩm của mình.
Đối với một số game F2P, các biện pháp này có hình thức mua vật phẩm không ảnh hưởng đến bản thân game, trong khi những game khác cho phép bạn bỏ qua quá trình "cày" game bằng cách trả tiền cho các giao dịch mua trong game.
Việc "cày" game tốt hay xấu là một cuộc tranh luận khó phân xử và đôi khi có thể làm mờ ranh giới về việc một game có phải là P2W hay không. Rốt cuộc, nếu tất cả các nhân vật trong game đối kháng đều như nhau, nhưng bạn có thể trả tiền để mở khóa nhân vật ngay lập tức, thì đó có phải là trả tiền để đổi lấy lợi thế hay không?