NFC là gì? NFC hoạt động như thế nào?

NFC là một công nghệ không dây chủ đạo, nhờ sự phát triển của các hệ thống thanh toán trực tuyến như Samsung Pay và Google Pay, đặc biệt là khi nói đến các thiết bị cao cấp và thậm chí nhiều tùy chọn tầm trung. Bạn có thể đã nghe thấy thuật ngữ này trước đây, nhưng NFC chính xác là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé

NFC là gì?

NFC là viết tắt của cụm từ “Near Field Communication”. Nó cho phép giao tiếp tầm ngắn giữa các thiết bị tương thích. Điều này đòi hỏi ít nhất một thiết bị truyền và một thiết bị khác để nhận tín hiệu. Một loạt các thiết bị có thể sử dụng tiêu chuẩn NFC và sẽ được coi là thụ động hoặc chủ động.

Các thiết bị NFC thụ động bao gồm những thứ có thể gửi thông tin đến thiết bị NFC khác mà không cần nguồn điện của riêng chúng. Tuy nhiên, chúng không thể xử lý bất kỳ thông tin nào được gửi từ các nguồn khác và không thể kết nối với thành phần thụ động khác. Chúng thường ở dạng các dấu hiệu tương tác trên tường hoặc quảng cáo.

Các thiết bị chủ động có thể vừa gửi vừa nhận dữ liệu, có thể giao tiếp với nhau cũng như với những thiết bị thụ động khác. Điện thoại thông minh là hình thức phổ biến nhất của thiết bị NFC chủ động. Đầu đọc thẻ trên phương tiện giao thông công cộng và thiết bị đầu cuối cảm ứng dùng để thanh toán cũng là những ví dụ điển hình về công nghệ này.

NFC hoạt động như thế nào?

Bây giờ, bạn đã biết NFC là gì. Tiếp theo hãy tìm hiểu nó hoạt động như thế nào. Cũng giống như Bluetooth, WiFi hay tất cả các loại tín hiệu không dây khác, NFC hoạt động theo nguyên tắc gửi thông tin qua sóng radio. NFC là một tiêu chuẩn chuyển đổi dữ liệu không dây.

Điều này có nghĩa là các thiết bị phải tuân thủ những thông số kỹ thuật nhất định để giao tiếp với nhau đúng cách. Công nghệ được sử dụng trong NFC dựa trên các ý tưởng RFID (Radio-frequency identification - nhận dạng tần số vô tuyến) cũ hơn, sử dụng cảm ứng điện từ để truyền thông tin.

Điều này đánh dấu một sự khác biệt lớn giữa NFC và Bluetooth/WiFi. NFC có thể được sử dụng để tạo ra dòng điện trong các thành phần thụ động cũng như chỉ gửi dữ liệu, nghĩa là các thiết bị thụ động không đòi hỏi phải có nguồn điện riêng. Thay vào đó, chúng có thể được cung cấp năng lượng bởi trường điện từ được tạo ra bởi một thành phần NFC chủ động khi nó nằm trong phạm vi. Thật không may, công nghệ NFC không có đủ độ tự cảm để sạc điện thoại thông minh, nhưng tính năng sạc không dây QI lại dựa trên cùng một nguyên tắc như vậy.

Trường điện từ có thể được sử dụng để truyền dữ liệu hoặc tạo ra dòng điện trong một thiết bị nhận
Trường điện từ có thể được sử dụng để truyền dữ liệu hoặc tạo ra dòng điện trong một thiết bị nhận

Trường điện từ có thể được sử dụng để truyền dữ liệu hoặc tạo ra dòng điện trong một thiết bị nhận. Các thiết bị NFC thụ động lấy năng lượng từ những trường được tạo bởi các thiết bị chủ động, nhưng trong phạm vi ngắn.

Tần số truyền dữ liệu trên NFC là 13,56Mghz. Bạn có thể gửi dữ liệu ở mức 106, 212 hoặc 424 kilobit/giây. Tốc độ đó đủ nhanh để thực hiện một loạt các hành động chuyển dữ liệu - từ chi tiết liên lạc đến hình ảnh và nhạc.

Để xác định loại thông tin nào sẽ được trao đổi giữa các thiết bị, tiêu chuẩn NFC hiện có 3 chế độ hoạt động riêng biệt. Có lẽ được sử dụng phổ biến nhất trong điện thoại thông minh là chế độ ngang hàng (peer-to-peer). Điều này cho phép hai thiết bị hỗ trợ NFC trao đổi nhiều thông tin khác nhau. Trong chế độ này, cả hai thiết bị chuyển đổi qua lại giữa trạng thái chủ động khi gửi dữ liệu và thụ động khi nhận.

Mặt khác, chế độ đọc/ghi là việc truyền dữ liệu một chiều. Thiết bị chủ động, có thể là điện thoại thông minh, liên kết với một thiết bị khác để đọc thông tin từ thiết bị đó. Tag quảng cáo NFC sử dụng chế độ này.

Chế độ hoạt động cuối cùng là mô phỏng card. Thiết bị NFC có thể hoạt động như một thẻ tín dụng thông minh hay không tiếp xúc và thực hiện thanh toán hoặc truy cập vào các hệ thống giao thông công cộng.

So sánh với Bluetooth

Để biết sự khác biệt giữa NFC và Bluetooth, hãy tham khảo bài viết: Sự khác biệt giữa NFC và Bluetooth.

Cách tốt nhất để sử dụng NFC

1. Kết nối ngay với mạng WiFi

Mật khẩu WiFi rất dài và phức tạp. Điều này làm cho kết nối với mạng trở nên khó khăn hơn. Nếu muốn thay thế quy trình rườm rà đó bằng một thao tác chạm duy nhất, bạn có thể ghi mật khẩu WiFi của mình vào tag NFC. Android và iOS hỗ trợ tính năng này, do đó, một thao tác chạm vào tag sẽ điền các chi tiết kết nối WiFi và giúp bạn trực tuyến mà không gặp phải bất kỳ phiền phức nào.

Kết nối với mạng WiFi bằng NFC
Kết nối với mạng WiFi bằng NFC

2. Tạo động lực bước ra khỏi giường

Thức dậy vào buổi sáng cũng có thể là một thách thức. Đối với một số người, ngay cả việc đồng hồ báo thức kêu không ngừng nghỉ cũng chẳng giúp ích được gì. Trong trường hợp đó, hãy cân nhắc việc sử dụng tag NFC để thúc đẩy bạn bước ra khỏi giường. Những ứng dụng như Sleep As Android tích hợp báo thức với các tag NFC, thông qua việc sử dụng captcha trong ứng dụng.

Chúng nhằm mục đích xác minh rằng bạn đã thực hiện hành động, bằng cách khiến bạn tương tác với một vật phẩm. Sử dụng ứng dụng để viết captcha dựa trên NFC, sau đó cách duy nhất để tắt báo thức là ra khỏi giường, tìm sticker NFC và chạm điện thoại vào nó.

3. Khởi chạy một trang web

Có thể đôi khi bạn muốn hướng ai đó đến một trang web cụ thể. Điều này có thể hơi khó khăn, đặc biệt là nếu nó không phải là một địa chỉ trang web đơn giản. Thay vì yêu cầu họ gõ một URL ngẫu nhiên dài dằng dặc, bạn có thể ghi URL vào tag NFC. Khi được nhấn, nó sẽ load trình duyệt di động của người dùng và hướng thẳng đến trang web bạn muốn.

4. Tự động vào Driving Mode

Người dùng iPhone biết rằng khi họ vào xe và kết nối với hệ thống giải trí trong xe, thì điện thoại sẽ tự động vào Driving Mode. Điều này làm tắt tiếng các thông báo và tối ưu hóa thiết lập cho hành trình. Mặc dù một số điện thoại thông minh Android có thể làm được điều này, nhưng phần lớn thì không.

Nếu thích tự động hóa quá trình này, bạn có thể ghi các tác vụ vào tag NFC. Khi được đặt trong xe, một cú chạm vào điện thoại có thể thực hiện các hành động như kích hoạt chế độ Do Not Disturb, bật hoặc tắt dữ liệu và mở ứng dụng điều hướng.

Một số ứng dụng ghi tag NFC, như Trigger on Android, cho phép bạn thiết lập công tắc chuyển đổi để đảo ngược các hành động. Vì vậy, lần chạm đầu tiên sẽ kích hoạt Driving Mode, sau đó, bạn có thể vô hiệu hóa nó bằng cách nhấn lại lần nữa và đưa điện thoại trở lại hoạt động bình thường.

5. Thanh toán

Như đã đề cập trước đó, NFC cho phép thanh toán không tiếp xúc khi sử dụng các dịch vụ như Google Pay hoặc Apple Pay. Ở nhiều nơi trên thế giới, việc thanh toán không tiếp xúc đã trở nên rất phổ biến.

NFC cho phép thanh toán không tiếp xúc khi sử dụng các dịch vụ
NFC cho phép thanh toán không tiếp xúc khi sử dụng các dịch vụ

Cả Apple Pay và Google Pay đều cho phép bạn theo dõi chi tiêu, phân tích thói quen và lưu các phiếu giảm giá. Ngoài ra, chọn thanh toán NFC có nghĩa là bạn không còn cần phải thực hiện các phương thức thanh toán khác cùng với điện thoại của mình nữa.

6. Tự động hóa các tác vụ điện thoại thông thường

Android và iOS hiện có các phương thức tự động hóa những tác vụ thông thường, nhưng chúng không mang lại sự linh hoạt cho bạn. Sử dụng NFC, bạn có thể thiết lập các shortcut hành động, như gọi một người bạn hoặc thành viên gia đình cụ thể, mở camera hoặc chạy dịch vụ phát trực tuyến yêu thích khi rời khỏi nhà.

7. Chia sẻ nội dung media

Nếu bạn tạo video YouTube, phát trực tuyến trên Twitch hoặc phát hành nhạc trên Spotify, một trong những thách thức lớn nhất là khiến mọi người nhìn thấy nội dung của bạn ngay từ đầu. Bạn có thể vượt qua rào cản này với NFC.

Có thể nhúng một liên kết đến tác phẩm của bạn trên tag NFC và sau đó gắn vào một nơi nào đó sẽ khiến mọi người quan tâm. Chỉ cần chắc chắn giải thích rõ những gì có trên tag, vì mọi người cảnh giác với các vấn đề bảo mật NFC.

Rủi ro đến từ NFC

Rủi ro đến từ NFC

Điều đáng chú ý trước khi đề cập đến những rủi ro của NFC là công nghệ này có sẵn một số tính năng bảo mật để giảm thiểu khả năng hoạt động tội phạm. Thứ nhất, phạm vi rất ngắn được hỗ trợ bởi NFC khiến tội phạm mạng khó thực hiện hành vi lừa đảo hơn khi nhắm mục tiêu vào nạn nhân. Ngoài ra, NFC sử dụng mã hóa để giữ dữ liệu nhạy cảm, chẳng hạn như chi tiết thanh toán, an toàn khỏi bàn tay của các tác nhân độc hại.

Nhưng điều này không làm cho NFC hoàn toàn bất khả xâm phạm.

Như trường hợp của nhiều công nghệ ngày nay, tội phạm mạng đã tìm ra cách khai thác NFC để thu lợi riêng. Do đó, có nhiều rủi ro liên quan đến NFC, bao gồm cả hack.

Trong một vụ hack NFC, tội phạm mạng sẽ truy cập điện thoại của nạn nhân qua NFC để truy cập dữ liệu được lưu trữ ở đó. Vì việc hack NFC chỉ có thể diễn ra trong một khoảng cách rất ngắn nên tội phạm mạng đôi khi sẽ đánh cắp điện thoại để truy cập dễ dàng.

Hack NFC cũng có thể được sử dụng để truy cập dữ liệu được lưu trữ trên các thiết bị đầu cuối thanh toán. Ngay cả các máy ATM cũng có nguy cơ bị tấn công kiểu này. Trong một phi vụ mạo hiểm như vậy, kẻ tấn công có thể sử dụng tính năng NFC trên thiết bị của chính chúng để gây ra sự cố trong hệ thống ATM. Điều này có thể dẫn đến việc phân tán tiền mà không cần cắm thẻ.

Điều đặc biệt liên quan đến các vụ hack NFC là kẻ tấn công có thể sao chép chip NFC mà bạn sử dụng để thực hiện thanh toán. Điều này sau đó sẽ cho phép chúng thực hiện thanh toán bằng tiền trong tài khoản tín dụng hoặc ghi nợ của bạn.

Kẻ tấn công cũng có thể thực hiện một cuộc tấn công nghe lén NFC, trong đó chúng nhận tín hiệu NFC bằng cách đứng gần các thiết bị được nhắm mục tiêu. Nhưng kẻ tấn công cũng có thể sử dụng ăng-ten để tăng cường khả năng khai thác tín hiệu và thu thập dữ liệu.

Ngoài ra, kẻ tấn công có thể thực hiện một cuộc tấn công trung gian bằng NFC, trong đó giao tiếp giữa thẻ thụ động (ví dụ, điện thoại thông minh hỗ trợ NFC) và thiết bị đầu cuối đang hoạt động (ví dụ, hệ thống thanh toán) bị chặn để thu thập dữ liệu có giá trị.

Do các rủi ro bảo mật gây ra bởi NFC, bạn nên tắt tính năng này trên thiết bị của mình khi không sử dụng. Điều này cắt đứt hoàn toàn khả năng tội phạm mạng khai thác thiết bị của bạn bằng phương pháp liên lạc này. Bạn cũng có thể sử dụng xác minh mã PIN trên ứng dụng thanh toán NFC của mình để không ai có thể sử dụng ứng dụng này.

Thứ Hai, 16/01/2023 17:31
3,915 👨 27.268
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản