NFC - Near Field Communications, thuật ngữ tin học dành cho các thiết bị mobile đã rất quen thuộc với người dùng di động, máy tính bảng. Trước kia, nếu muốn chuyển dữ liệu (ảnh, video, ca nhạc...) thì chúng ta thường phải bật Bluetooth lên, rồi pair 2 thiết bị với nhau. Cách làm này có nhược điểm là tốc độ tải file không ổn định (nhiều thiết bị còn không tương thích với nhau), dễ bị hacker tấn công, xâm nhập. Còn với NFC, khả năng bảo mật đã được cải thiện rất nhiều (vì khoảng cách giữa 2 thiết bị được áp dụng chỉ là từ 4 - 10 cm).
1. Định nghĩa NFC là gì?
Như đã nói ở phía trên, NFC là công nghệ kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4 cm. Công nghệ này sử dụng cảm ứng từ trường (dựa trên chip NFC có sẵn trong thiết bị) để thực hiện kết nối giữa các thiết bị (smartphone, tablet, loa, tai nghe…) khi có sự tiếp xúc trực tiếp (chạm, ở đây nghĩa là 2 thiết bị ở rất gần nhau, chạm vào nhau). Các bạn có thể hình dung chip NFC ở đây có tác dụng giống như chiếc đầu đọc thẻ nhớ ngày xưa trên máy tính, là 1 sự nâng cấp đáng kể của Proximity Card Standard (RFID) có sẵn, là sự kết hợp của smartcard và đầu đọc.
Với NFC, người dùng có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, dữ liệu, thực hiện các giao dịch thanh toán 1 cách an toàn ngay ở chỗ đông người, mà hầu như không phải lo lắng về vấn đề bảo mật.
2. So sánh NFC với Bluetooth:
- Thời gian thiết lập của NFC nhanh hơn rất nhiều so với Bluetooth:
- Với Bluetooth: bạn phải bật lên, cấu hình thiết lập để nhận diện thiết bị.
- Còn với NFC, khoảng thời gian kết nối giữa 2 thiết bị rất nhanh (theo lý thuyết là chỉ bằng 1/10 giây).
- Do hoạt động ở tần số cao nên NFC bảo mật, an toàn hơn.
- NFC vẫn có thể hoạt động trong tình trạng máy điện thoại, tablet của bạn hết pin (???).
Nhược điểm của NFC là không phải thiết bị nào cũng có tính năng này.
3. NFC có thể làm được những gì?
Bạn có thể sử dụng NFC trên điện thoại để chia sẻ nhanh số điện thoại, ảnh, ứng dụng, file tài liệu, đường đi trên bản đồ, khởi chạy ứng dụng. Tiện lợi hơn nữa, bạn có thể thanh toán các khoản mua hàng chỉ bằng cách chạm điện thoại vào thiết bị thanh toán hỗ trợ NFC.
4. Làm sao biết điện thoại Android có NFC hay không?
Rất đơn giản. Chỉ cần mở Settings > More hoặc Settings > Wireless & Networks (thao tác này có thể khác nhau trên từng thiết bị và phiên bản Android, tóm lại bạn tìm đến mục cài đặt mạng và kết nối không dây nhé) và xem có tùy chọn NFC ẩn trong đó hay không. Hầu hết các điện thoại thông minh có NFC sẽ để logo NFC nhỏ ở mặt sau của máy. Bạn chỉ cần bật NFC lên và thử xem công nghệ kết nối tầm ngắn này tiện dụng thế nào nhé!