Một trong những câu hỏi có thể bạn sẽ tìm thấy trên hầu hết các diễn đàn công nghệ là liệu Linux là hệ điều hành hay kernel. Ngay cả đối với một số người dùng Linux thành thạo, câu hỏi này cũng có thể tương đối khó trả lời.
Trong bài viết này, Quantrimang.com sẽ trả lời câu hỏi của bạn, đồng thời chỉ cho bạn thấy sự khác biệt giữa hệ điều hành và kernel.
Linux là hệ điều hành hay kernel?
Linux, về bản chất, không phải là một hệ điều hành. Đó là một kernel. Và quan trọng nhất, kernel là một phần của hệ điều hành. Để trở thành một hệ điều hành, Linux được cung cấp phần mềm GNU và các yếu tố bổ sung khác, vì vậy mới có tên gọi GNU/Linux.
Linus Torvalds đã biến Linux thành mã nguồn mở vào năm 1992, một năm sau khi nó được tạo ra. Sau đó, Linux được cài đặt trên máy tính dưới dạng một bản phân phối, chẳng hạn như Ubuntu, elementary OS, Fedora, OpenSUSE, v.v... Tuy nhiên, vì có các bản phân phối Linux được kết hợp với nhiều phần mềm khác ngoài GNU, nên một số người cảm thấy không thể khái quát hóa tất cả hệ điều hành có linux kernel là GNU/Linux.
Linux kernel được Linus Torvalds phát triển vào năm 1991 và kể từ đó đã được chuyển sang một loạt các kiến trúc máy tính. Linux được sử dụng làm kernel chính cho hệ điều hành GNU mã nguồn mở và miễn phí. Kể từ đó, Linux đã trở nên phổ biến và được triển khai trong các hệ thống máy tính khác nhau như thiết bị di động (Android), PC, máy chủ, thiết bị nhúng, siêu máy tính và mainframe.
Bây giờ, hãy tìm hiểu sự khác biệt giữa kernel và hệ điều hành.
Sự khác biệt giữa kernel và hệ điều hành
Kernel
Kernel là phần chính của hệ điều hành. Khi bạn khởi động máy tính, đây là phần đầu tiên của hệ điều hành được load vào RAM để hệ thống bắt đầu hoạt động.
Kernel nằm giữa phần mềm ứng dụng và hệ thống phần cứng bên dưới. Nó giao tiếp trực tiếp với phần cứng và chuyển bất kỳ yêu cầu nào của phần mềm ứng dụng.
Một ví dụ đơn giản để minh họa điều này là khi quay video trên điện thoại. Khi bạn nhấn vào ứng dụng Camera, phần mềm sẽ giao tiếp với kernel, cho biết rằng nó muốn sử dụng camera và micro. Sau đó, kernel sẽ yêu cầu phần cứng camera và micro sẵn sàng. Cuối cùng, cả phần mềm và phần cứng sẽ hoạt động cùng nhau để quay một video.
Kernel cũng chịu trách nhiệm quản lý các thành phần hệ thống khác nhau như bộ nhớ, tiến trình, tác vụ và lưu trữ. Nó đảm bảo việc thực hiện đúng các chương trình bằng cách kiểm tra không gian bộ nhớ.
Hệ điều hành
Mục đích chính của hệ điều hành là quản lý các tiến trình và tài nguyên hệ thống. Nó chứa kernel và do đó thực hiện tất cả các tác vụ mà kernel có thể làm. Ngoài ra, hệ điều hành còn đảm bảo sự bảo vệ và bảo mật hệ thống.
Hệ điều hành hoạt động như một interface giữa người dùng và hệ thống phần cứng bên dưới. Tất cả các chương trình ứng dụng đều chạy trong môi trường khép kín do hệ điều hành tạo ra. Do đó, sẽ không thể sử dụng hệ thống mà không có hệ điều hành.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu sự khác biệt rõ ràng giữa kernel và hệ điều hành. Bản thân Linux là một kernel, sau đó, các nhà phát triển xây dựng dựa trên đó để kernel đi kèm với những bản phân phối Linux khác nhau hiện có.
Xem thêm: