Lịch sử Windows Server qua các phiên bản

Máy chủ cung cấp các service cho các máy tính khác trên một mạng và do đó chúng có thêm một số yêu cầu từ hệ điều hành so với các PC thông thường. Microsoft nổi tiếng với hệ điều hành máy tính Windows và hãng này cũng tạo ra các tính năng đặc biệt để hỗ trợ các máy chủ.

Windows Server là hệ thống hàng đầu để quản lý máy chủ và là đối thủ chính của hệ điều hành Linux. Microsoft tạo ra các bản viết lại thường xuyên của hệ điều hành này, cho đến phiên bản mới nhất, đó là Windows Server 2019.

4 điểm khác biệt cơ bản giữa Windows Server và Windows Desktop

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lịch sử Windows Server thông qua các phiên bản của nó.

Windows NT Server

Microsoft đã sử dụng thương hiệu “NT” cho hệ điều hành Windows thương mại của mình trong suốt những năm 1990. Có một số phiên bản của hệ điều hành với tên gọi NT.

Windows NT Server

Windows NT Advanced Server 3.1

Phiên bản đầu tiên của hệ thống là Windows NT Advanced Server 3.1, được phát hành vào năm 1993. Đây là hệ thống 32-bit, có phiên bản dành cho thiết bị đầu cuối và một phiên bản khác dành cho máy chủ. Phiên bản máy chủ được phát triển thành dòng sản phẩm Windows Server. Việc tách ra phiên bản máy chủ chuyên dụng của hệ điều hành từ phiên bản NT tiêu chuẩn giải thích lý do tại sao không bao giờ có Windows NT Server phiên bản 1.

Windows NT Server 3.5

Năm 1994, Microsoft đã giới thiệu Windows Server 3.5. Phiên bản này cho phép kết nối liên thông với các hệ thống Unix và Novell Netware. Vào thời điểm đó, Windows Server là một tên tuổi mới trên thị trường và hầu hết các mạng đều chạy trên máy chủ Unix hoặc Novell. Vì vậy, khả năng tương thích với hai hệ thống này là điều cần thiết để Windows Server được các doanh nghiệp sử dụng mạng chấp nhận.

Windows NT Server 3.51

Năm 1995, Microsoft đã cải thiện rất nhiều giao diện PC Windows với Windows 95. Hãng này cũng tạo ra Windows NT Server 3.51 để quản lý các máy tính chạy Windows 95. Hệ thống máy chủ có được khả năng quản lý giấy phép phần mềm cho máy khách, cũng như cài đặt, cập nhật Windows 95 và yếu tố của hệ điều hành qua mạng.

Windows NT Server 4.0

Đến năm 1996, Windows NT Server đã mang nét đặc trưng trong giao diện của Windows 95, thông qua việc phát hành Windows NT Server 4.0. Phiên bản hệ điều hành này bao gồm IIS 2.0 miễn phí. Internet Information Server (IIS hay máy chủ thông tin Internet) là hệ thống máy chủ Web của Microsoft, ngày nay là phần mềm máy chủ Web hàng đầu trên thế giới, cạnh tranh trực tiếp với đối thủ hàng đầu Apache HTTP Server. IIS chỉ vượt qua Apache trở thành máy chủ Web được cài đặt rộng rãi nhất vào năm 2018. Tức là Microsoft đã phải mất 22 năm (kể từ khi bắt đầu tích hợp IIS miễn phí) để buộc hệ thống Apache miễn phí nhường vị trí số 1.

Sự phức tạp ngày càng cao của các mạng được thể hiện qua các cải tiến cho Windows NT Server, thông qua các gói dịch vụ bổ sung và việc tạo ra Windows NT Server Enterprise vào năm 1997. Những cải tiến này bao gồm tích hợp các dịch vụ mã hóa public key (khóa công khai) và quản lý hệ điều hành cho các cụm máy chủ. Hai tính năng bổ sung khác có tính đến những tương tác với các mạng bị tắc nghẽn là Transaction Server và Message Queue Server.

Cải tiến cuối cùng cho Windows NT Server là sự ra đời của phiên bản Windows NT Server 4.0 Terminal Server vào năm 1998. Phiên bản này đã cải thiện khả năng kết nối với các hệ thống không phải Windows và cũng tạo ra một cầu nối từ các ứng dụng DOS 16bit để chúng có thể giao tiếp với môi trường Desktop 32bit.

Sự phát triển của Windows Server

Microsoft đã từ bỏ thương hiệu “NT” vào năm 2000 với việc phát hành Windows Server 2000. Từ đó trở đi, tên phiên bản của Windows Server được đặt theo năm phát hành.

Windows Server 2000

Các cải tiến đi kèm với Windows Server đã cung cấp cho hệ điều hành này nhiều tính năng mà mọi người vẫn sử dụng cho đến ngày nay. Các tính năng bao gồm hỗ trợ cho XML, tạo Active Server Pages (ASP) và sử dụng Active Directory để xác thực người dùng. Hệ điều hành Windows Server 2000 cũng giới thiệu khái niệm về các phiên bản phù hợp (tailored version), cũng như Windows Server tiêu chuẩn. Microsoft cũng đã phát hành Advanced Server và Datacenter Server.

Windows Server 2003

Win Server 2003

Windows Server 2000 được viết lại và phát hành với tên gọi Windows Server 2003 nhằm mục đích giảm các sự kiện yêu cầu khởi động lại hệ thống. Tức là có thể cài đặt các bản sửa lỗi và cập nhật nhanh chóng mà không phải khởi động lại hệ thống. Microsoft cũng tăng cường các tính năng bảo mật cho hệ điều hành và đây là lần đầu tiên môi trường .NET được đưa vào hệ điều hành Windows Server.

Windows Server 2003 bao gồm khái niệm về server role, cho phép hệ điều hành được điều chỉnh theo các tác vụ chuyên biệt cụ thể, chẳng hạn như máy chủ DNS. Cùng với phiên bản Standard, Advanced và Datacenter, Microsoft đã cung cấp phiên bản Windows Server 2003 Web. Một thời gian ngắn sau khi phát hành Windows Server 2003, Microsoft đã tạo ra một bản cập nhật chuyển đổi hệ thống sang môi trường chương trình 64bit.

Windows Server 2003 R2

Windows Server 2003 R2 ra mắt vào năm 2005. Khách hàng đã mua Windows Server 2003 được phép truy cập miễn phí phiên bản mới này. Tất cả doanh số của Windows Server 2003, từ khi phát hành phiên bản này, thực ra là Windows Server 2003 R2.

Những cải tiến cho hệ thống Windows Server R2 tập trung vào các vấn đề bảo mật. Xác thực người dùng được dựa trên Active Directory và vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Tuy nhiên, Microsoft đã phát triển một tính năng bổ sung cho hệ thống xác thực này và được tích hợp vào R2. Tính năng mới này là Active Directory Federation Services. Mục đích của tiện ích mở rộng AD này là cho phép các dịch vụ bên ngoài được bao gồm trong các quyền Single Sign On (xác thực một lần) được quản lý trong mạng.

Một nâng cấp khác của Active Directory là chế độ Active Directory Application. Chế độ này cho phép người dùng tiếp cận được với các ứng dụng đã được xác minh thông qua AD, mà không bao gồm trực tiếp các quy trình xác thực của phần mềm đó vào AD.

Gói R2 cũng cho phép thiết lập các chính sách bảo mật cho nhóm hệ thống thông qua Security Configuration Wizard. Các cải tiến R2 khác bao gồm nén dữ liệu tốt hơn để truyền file và quy trình nhân bản cho các mạng WAN multisite.

Windows Server 2008

Server 2008

Phiên bản tiếp theo của Windows Server mất ba năm để sẵn sàng ra mắt thị trường và nó bao gồm một cải tiến khác cho Active Directory. Microsof cũng đã thực hiện một số thay đổi cơ bản về cách dịch vụ mạng tương tác với tính năng hỗ trợ phần mềm của hệ điều hành.

Một lợi ích lớn cho người dùng Windows Server trong phiên bản này là nó bao gồm hệ thống ảo hóa Hyper-V của Microsoft. Quyết định này có thể đã được đưa ra để nâng cao khả năng cạnh tranh của Microsoft trong lĩnh vực ảo hóa. Nhu cầu về một hệ thống ảo hóa đang ngày càng tăng trong lĩnh vực quản lý CNTT.

Các tiện ích mới khác được tích hợp trong Windows Server 2008 là Event Viewer và Server Manager. Đây là những công cụ quản trị hệ thống hữu ích, cho phép các admin kiểm soát tốt hơn hoạt động của máy chủ.

Server Core là một sản phẩm ngày càng quan trọng của Microsoft. Đó là phiên bản “trần” của phần mềm Windows Server và cho phép truy cập dòng lệnh. Nó có thể được chạy mà không cần GUI Desktop quen thuộc của môi trường Windows và ngày càng trở nên thu hút hơn đối với các quản trị viên hệ thống (những người thoải mái hơn với môi trường dòng lệnh đã quen sử dụng trên Unix và Linux).

Có 4 phiên bản Windows Server 2008: Standard, Enterprise, Datacenter và Web.

Windows Server 2008 R2

Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2009, Windows Server 2008 R2 vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Hầu hết sự khác biệt của phiên bản này so với Windows Server 2008 ban đầu là về kỹ thuật và phát sinh trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản. Cho đến thời điểm này, các sản phẩm Windows Server đều dựa trên Windows Vista. Tuy nhiên, Windows Server 2008 R2 lại dựa trên Windows 7, giúp đưa hệ thống thực thi chương trình lên môi trường 64bit.

Phiên bản Windows Server này đã ghi nhận một số thay đổi khác trong Active Directory, để cải thiện việc thực hiện group policy và một vài service mới xuất hiện, bao gồm Remote Desktop Services (RDS). BranchCache và DirectAccess cũng xuất hiện trong phiên bản Windows Server này để cải thiện quyền truy cập vào máy chủ cho người dùng từ xa.

Windows Server 2012

Server 2012

Vào năm 2012, Microsoft đã nỗ lực hết mình để giành chiến thắng trong lĩnh vực “Đám mây”, do đó, hãng này đã thêm các tính năng vào Windows Server để cho phép hệ điều hành này tương tác tốt hơn với các dịch vụ off-site. Microsoft đã tiếp thị Windows Server 2012 với vai trò của một “Cloud OS” (hệ điều hành đám mây). Đây có lẽ là mục tiêu cao nhất của việc đưa Hyper-V vào phiên bản Windows Server 2008.

Tất cả các cải tiến cho hệ thống Windows Server trong phiên bản này tập trung vào việc làm Hyper-V có sẵn trở thành tài nguyên đám mây, dễ dàng tích hợp với tính năng phân phối onsite (tại chỗ) như các máy chủ cục bộ. Hệ thống lưu trữ, qua trung gian là Hyper-V, cũng được cập nhật trong phiên bản này. Switch ảo Hyper-V và Hyper-V Replica được bao gồm trong phiên bản này để tăng cường sự phát triển của các chiến lược mạng hybrid (mạng lai).

Cả PowerShell và Server Core có vai trò quan trọng hơn với phiên bản này.

Có 4 phiên bản Windows Server 2012: Essentials, Foundation, Standard và Datacenter. Phiên bản Essentials nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ.

Windows Server 2012 R2

Windows Server 2012 R2 đã được phát hành vào năm 2013. Thành phần của hệ điều hành cho thấy việc sử dụng PowerShell còn được mở rộng hơn nữa. Microsoft tiếp tục nhắm mục tiêu vào việc đưa ra các chức năng máy chủ onsite tốt hơn, cung cấp khả năng tích hợp các dịch vụ đám mây. Hệ thống lưu trữ và ảo hóa cũng được đại tu và các Web service (dịch vụ web) cũng được tăng cường.

Các tính năng lưu trữ được tăng cường trong bản nâng cấp này bao gồm nhân bản các file phân tán và cải thiện quyền truy cập cho chia sẻ file. Khả năng phục vụ các thiết bị di động bằng phần mềm từ máy chủ cũng được cải thiện. Microsoft đã giới thiệu hệ thống Desired State Configuration dựa trên PowerShell để tăng cường quản lý cấu hình mạng.

Windows Server 2016

Server 2016

Một hệ thống máy chủ mới quan trọng đã xuất hiện đi kèm với Windows Server 2016. Đây là Nano Server, một triển khai máy chủ tối thiểu gọn nhẹ, có ít giao diện hơn và do đó khó tấn công hơn. Phiên bản Windows Server này cũng bao gồm Server Core.

Các hệ thống VM cũng được thêm vào hệ thống mã hóa cho Hyper-V và khả năng tương tác mới với Docker. Công cụ này đặc biệt hữu ích cho việc “container hóa”, trong đó cho phép các quản trị viên hệ thống cung cấp phần mềm thuộc sở hữu của công ty cho các thiết bị do người dùng sở hữu.

Microsoft đã giới thiệu Network Controller trong Windows Server 2016, cho phép các admin quản lý cả thiết bị mạng vật lý và ảo từ một bảng điều khiển.

Windows Server 2016 đã có sẵn trong phiên bản Standard và Datacenter. Không có phiên bản R2 của Windows Server 2016.

10 tính năng tốt nhất của Windows Server 2016

Windows Server 2019

Được phát hành vào tháng 10 năm 2018, Windows Server 2019 là phiên bản mới nhất của hệ điều hành máy chủ của Microsoft. Để biết các tính năng mới nhất của phiên bản này, vui lòng tham khảo bài viết: Tải Windows Server 2019 và khám phá những tính năng mới.

Thứ Hai, 04/03/2019 17:29
53 👨 10.952
0 Bình luận
Sắp xếp theo