Windows Server là hệ điều hành dành cho các máy chủ - server, nên nó sẽ có những điểm khác biệt so với bản Windows Desktop ta vẫn thấy hàng ngày. Hãy ghi nhớ những điều này khi cần lựa chọn cài đặt Windows Server hay Windows Desktop. Chúng cũng quan trọng khi bạn cần khôi phục, sửa chữa cài đặt Windows.
Trong quá trình so sánh, chúng ta sẽ lấy ví dụ về Windows 10 và Windows Server 2016, 2 phiên bản mà nhìn qua thì chẳng thấy chúng khác quái gì nhau, nhưng thực sự thì lại không phải thế.
Tính năng khác biệt dù có code cơ bản giống nhau
Bản Windows thường và Windows Server ra đời gần thời điểm đó thường sẽ được dùng chung kernel, như Windows Server 2012 và Windows 8 hay gần đây nhất là Windows Server 2016 và Windows 10. Chúng giống nhau về desktop, nói chung là vẻ bề ngoài, thậm chí có thể cài và chạy các phần mềm giống nhau như Chrome, Office. Nhưng sự giống nhau chỉ dừng lại ở đó.
Tính năng Windows Server có mà Windows không có:
Windows thường được thiết kế để thực hiện các công việc tính toán phục vụ nhu cầu của người dùng thông thường, trong khi Windows Server quản lý rất nhiều máy tính, dữ liệu, chạy những dịch vụ mà mọi người truy cập qua mạng. Trên Windows Server còn có rất nhiều phần mềm máy chủ, những tính năng, dịch vụ nâng cao như Windows Deployment Services, DHCP, DNS, Active Directory Domain Services, File Server Resource Manager, HTTP print, SMB Direct,... Tích hợp sẵn công cụ bảo mật.
Windows Server bị locked down (khóa chặt) để chặn việc duyệt web thông thường. Bạn không tìm thấy Cortana, Microsoft Store, Timeline trên Windows Server, không thể đăng nhập tài khoản Microsoft, không thể đồng bộ cài đặt Windows Server giữa các thiết bị,...
Tính năng Windows có mà Windows Server không có hoặc hạn chế:
Trên Windows 10 bạn nhận cập nhật nhanh và thường xuyên hơn, có Timeline, có Cortana, có Your Phone, PWA, Windows Subsystem for Linux, Microsoft Store.
Hơn nữa, dù Windows Server cũng có desktop, nhưng Microsoft khuyên nên cài Windows Server không có giao diện đồ họa GUI (hoặc xóa nó), chỉ để lại giao diện dòng lệnh, giúp giảm chi phí khi vận hành server.
Windows Server hỗ trợ phần cứng cao cấp
Windows server hỗ trợ nhiều bộ nhớ hơn
Điểm khác biệt cơ bản giữa Windows Server và Windows thường là dung lượng bộ nhớ hỗ trợ. Bản desktop chạy Windows 10 Enterprise có bộ nhớ tối đa 4GB trên x86 và 2TB trên x64, Windows Server hỗ trợ 24TB RAM. Những con số này cũng thay đổi tùy thuộc vào từng phiên bản. Người dùng Windows bình thường sẽ không cần đến mức RAM lớn như vậy, nhưng máy chủ thì khác, chúng sẽ tận dụng lượng RAM khủng đó để quản lý nhiều người dùng, máy tính và máy ảo khác.
Windows Server hỗ trợ nhiều CPU hơn
Windows Server cũng sử dụng phần cứng hiệu quả hơn Windows thường, đặc biệt là CPU. Windows thường sẽ có ít CPU hơn so với Windows Server. Ví như Windows 10 Home chỉ hỗ trợ 1 CPU vật lý, Windows 10 Pro hỗ trợ 2 CPU trong khi Windows Server 2016 hỗ trợ 64 socket CPU. Windows 10 32bit chỉ hỗ trợ 32 nhân, 64bit hỗ trợ 256 nhân, nhưng Windows Server thì không giới hạn số nhân.
Cân nhắc lựa chọn phiên bản Windows OS mình cần
Windows Server cho phép nhiều kết nối mạng hơn
Trên bản Desktop của Windows, các kết nối mạng chỉ giới hạn từ 10 tới 20 kết nối. Nhưng Windows Server thì không, nó có thể hỗ trợ nhiều hơn, tùy thuộc vào khả năng của phần cứng.
Server OS được cấu hình cho các tác vụ ở chế độ nền
Mặc định, bản Server của Windows ưu tiên chạy các tác vụ và dịch vụ ở chế độ nền. Trong khi bản desktop lại tập trung vào các nhiệm vụ trực diện (foreground). Dù ưu tiên này có thể thay đổi nhưng bản Desktop cũng sẽ không thể đạt được hiệu suất như bản Server.
Cuối cùng, Windows Server đắt hơn
Nếu có key Windows 7, 8, 8.1 bạn có thể cài Windows 10 miễn phí. Nhưng Windows Server 2016 thì không dễ mua (nó hướng tới các doanh nghiệp) và rất đắt. Giấy phép của Windows Server 2016 có thể dao động từ 500$ đến 6.200$ tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp.
Với những thông tin bên trên, bạn đã có được cái nhìn cơ bản về Windows và Windows Server cũng như biết được sự khác nhau giữa chúng. Nếu định cài Win cho con máy tính ở nhà để chơi game thì cứ Windows 10, Windows 7 mà quất. Còn Windows Server thì bạn biết nên cài ở đâu rồi đấy, trừ khi có ý định tìm hiểu, học hành, làm admin quản trị mạng, không thì không cần quan tâm đến nó đâu.