Nhược điểm của mạng WiFi thông thường là sóng WiFi không thể phủ khắp mọi ngóc ngách trong căn nhà. Nhưng ở những khách sạn lớn bạn có thể đi từ tầng 1 đến tầng 11, từ phòng nghỉ ra đến khu vui chơi cách đó hàng km vẫn có thể sử dụng WiFi của khách sạn đó. Hoặc chỉ một mạng WiFi duy nhất vẫn có thể được kết nối thông suốt từ phòng ngủ cho đến phòng khách và ra cả khu vườn với cường độ sóng rất ổn định.
Đó chính là nhờ vào công nghệ WiFi mesh (hay còn được gọi là mạng WiFi lưới). Vậy chính xác thì WiFi Mesh vận hành như thế nào và nó khác gì với một bộ kích sóng WiFi truyền thống? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Mục lục bài viết
WiFi mesh là gì?
WiFi Mesh là một kiến trúc mạng kết nối các điểm truy cập WiFi trong một phạm vi rộng (lên đến hàng Km) với nhau, và các điểm truy cập này sẽ kết nối với nhau nhằm cung cấp một mạng lưới những điểm truy cập thống nhất và có thể phủ sóng toàn bộ khu vực nhất định, các dữ liệu được tự động định tuyến để tối ưu hóa việc kết nối và độ ổn định. Ngoài ra, khi một trong các điểm truy cập gặp phải sự cố thì các điểm khác tự động bổ sung lưu lượng và đảm nhiệm thay cho vị trí của điểm truy cập bị lỗi đó cho đến khi nó được khắc phục hoàn toàn.
Hãy coi hệ thống WiFi Mesh như một mạng lưới của nhiều bộ kích sóng WiFi, nhưng dễ dàng cài đặt hơn nhiều, và không yêu cầu nhiều tên mạng hoặc các đòi hỏi bất kỳ nào khác. Tất cả nhiệm vụ bạn phải làm là cắm điện cho các router trong hệ thống và làm theo một số bước đơn giản trong các ứng dụng đi kèm. Khi tất cả đã được thiết lập, việc quản lý mạng của bạn cũng dễ dàng hơn rất nhiều vì hầu hết các tính năng phức tạp, nâng cao đều nằm ngoài nhu cầu sử dụng người dùng phổ thông trong khi các tính năng quan trọng mà mọi người đều dùng có thể dễ dàng được truy cập và sử dụng.
Tóm lại, WiFi mesh là một hệ thống mạng lưới các điểm phát WiFi, được kết nối với nhau một cách thống nhất và có khả năng phát WiFi trong phạm vi rất rộng. Ví dụ, bạn đang ở trong nhà, sau đó đi chợ cách nhà khoảng 500m cũng vẫn có WiFi và đi ăn, cách chợ 500m vẫn sử dụng được WiFi như bình thường.
Sử dụng hệ thống WiFi mesh khác gì so với thiết bị kích sóng?
Các công cụ kích sóng WiFi từ lâu đã trở thành một lựa chọn cực kỳ phổ biến khi giải quyết các điểm chết WiFi - những vị trí mà sóng WiFi nhà bạn không đủ mạnh để vươn tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các hệ thống WiFi Mesh trong vài năm qua đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dùng phổ thông bởi các hệ thống này đặc biệt dễ dàng trong lắp đặt và sử dụng.
Một khía cạnh mà nhiều người dùng không nhận ra về hệ thống WiFi mesh đó là chúng có thể thay thế hoàn router hiện tại của bạn. Vì vậy, trong khi các thiết bị kích sóng WiFi chỉ đơn giản là giúp làm tăng cường độ tín hiệu WiFi của router chính, thì các hệ thống WiFi mesh thực sự tạo ra một mạng WiFi hoàn toàn mới, tách biệt rõ ràng với mạng WiFi từ router hiện tại của bạn.
Thêm vào đó, nếu bạn hoàn toàn có thể quản lý hệ thống mạng WiFi mesh của mình thông qua các ứng dụng đơn giản trên điện thoại thông minh, thay vì phải truy cập vào các trang quản trị phức tạp của router. Điều này dẫn đến việc thay đổi các thiết lập và khái quát hóa hệ thống mạng WiFi gia đình trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Hệ thống mạng WiFi mesh cũng cho phép các router trong một hệ thống có thể giao tiếp được với nhau theo những trình tự bất kỳ. Trong khi các thiết bị kích sóng WiFi truyền thống chỉ có thể giao tiếp với router chính của bạn mà thôi, và trong trường hợp bạn thiết lập nhiều bộ kích sóng WiFi, chúng thường không thể kết nối được với nhau. Đây là một ưu điểm rất lớn của Hệ thống WiFi mesh.
Ví dụ, nếu bạn thiết lập các đơn vị mesh đầu tiên và thứ hai trong nhà, bạn sẽ không phải lo lắng về việc có phải đặt đơn vị thứ ba gần đơn vị đầu tiên hay không, vì nó đơn giản chỉ là nhận tín hiệu từ thiết bị thứ hai mà bạn đã thiết lập, qua đó cho phép bạn tạo ra phạm vi phủ sóng lớn hơn nhiều so với các thiết bị kích sóng WiFi.
Hơn nữa, nếu bạn mở một ứng dụng phân tích WiFi, bạn sẽ nhận thấy rằng hệ thống WiFi mesh của bạn thực sự đang truyền đi các mạng WiFi riêng biệt từ mỗi đơn vị trong mạng lưới mà bạn đã thiết lập. Đây cũng là cách các thiết bị kích sóng WiFi truyền thống vận hành, nhưng với các thiết bị kích sóng, bạn sẽ thường xuyên phải chuyển đổi kết nối giữa các mạng theo cách thủ công (ví dụ như giữa Network và Network_EXT).
Trong khi đó, một hệ thống WiFi mesh vẫn hoạt động như một mạng đơn, do đó thiết bị của bạn sẽ tự động chuyển đổi kết nối giữa các đơn vị phát sóng trong mạng lưới. Tất nhiên một số bộ kích sóng WiFi cũng có thể thực hiện được điều này (ví dụ như D-Link DAP-1520), nhưng chúng vẫn có một nhược điểm rõ ràng, đó là chúng sử dụng sóng WiFi để giao tiếp với router và kết nối với thiết bị của bạn, dẫn đến tốc độ mạng sẽ bị ảnh hưởng đôi chút.
Tóm lại ưu điểm của hệ thống WiFi Mesh là:
- Tính bảo mật cao, công nghệ mới
- Kết nối đồng nhất, không bị ngắt quãng trong quá trình sử dụng
- Không cần đi dây mạng qua từng Access point (điểm truy cập)
- Phạm vi mở rộng sóng WiFi cực kỳ rộng (đến hàng km)
- Sử dụng công nghệ điện toán đám mây, kèm theo đó là hàng loạt những tính năng cao cấp như WiFi Marketing, chỉ định địa điểm phát WiFi
Cách Mesh WiFi giải quyết vấn đề
Mesh WiFi có cách tiếp cận khác để truyền tín hiệu. Thay vì một router lớn làm tất cả công việc, về cơ bản bạn có một số router nhỏ cung cấp một kết nối nhanh duy nhất.
Bạn chỉ cần kết nối một node với modem của mình thông qua cáp Ethernet. Sau đó, nó sẽ gửi tín hiệu đó đến bất kỳ thiết bị nào trong phạm vi, bao gồm bất kỳ node nào khác trong bộ Mesh WiFi của bạn. Không giống như việc mở rộng tín hiệu bằng bộ kích sóng WiFi, mỗi node hoạt động như một phần của cùng một mạng, do đó, bạn không cần phải kết nối thủ công với các mạng khác nhau khi di chuyển khắp nhà.
Với hệ thống Mesh WiFi, cường độ tín hiệu của router trở nên ít quan trọng hơn. Điều quan trọng hơn là vị trí đặt các node. Bạn cũng có thể mở rộng quy mô mạng của mình bằng cách mua thêm các node cho đến khi mọi góc trong nhà được phủ sóng. Bạn thậm chí có thể thiết lập các node ở ngoài trời để stream từ hiên nhà hoặc ban công.
Mesh WiFi không giải quyết được mọi vấn đề. Mặc dù mỗi node không cần kết nối Ethernet, nhưng chúng vẫn cần một bề mặt an toàn trong phạm vi ổ cắm điện. Mặt bếp sẽ là vị trí lý tưởng về cường độ tín hiệu, nhưng đừng đặt node quá gần nguồn nước. Tốt nhất, trước khi vội vã mua một node, hãy vạch ra trước vị trí các node có thể đặt.
Tại sao bạn cần WiFi mesh?
Mesh WiFi vượt trội trong môi trường có quá nhiều thứ cản trở tín hiệu không dây (kim loại, gạch, bê tông, v.v...) hoặc không gian quá lớn để router hoặc extender có thể phủ sóng thực tế. Khi có điểm chết WiFi, bạn có thể khắc phục bằng hai hoặc ba node trong mạng mesh.
Bạn không phải chạy bất kỳ cáp Ethernet nào và nếu cần thêm, bạn có thể mua một node khác. Quá trình thiết lập cho hầu hết các hệ thống WiFi mesh được thực hiện nhanh chóng bằng một ứng dụng trên điện thoại. Mesh WiFi khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và giúp bạn không cần lãng phí thời gian để tìm vị trí đặt các extender nữa.
Mesh WiFi có đi kèm với một khoản chi phí bổ sung. Xét cho cùng, về cơ bản, bạn đang mua hai hoặc nhiều router. Tuy nhiên, bạn có thể mua Mesh WiFi cơ bản với giá khoảng $100. Giống như một router giá rẻ, nó sẽ không có tốc độ nhanh nhất và bạn sẽ phải từ bỏ các tính năng khác. Cuối cùng, có những yếu tố cần cân nhắc trước khi chuyển sang Mesh WiFi giống như bất kỳ giao dịch mua nào khác. Nếu bạn quyết định đầu tư vào Mesh WiFi, lần tới khi bạn gặp sự cố khi trực tuyến, có thể nguyên nhân không phải do bạn nằm ngoài phạm vi phủ sóng.
WiFi mesh có đáng để đầu tư không?
Kết nối WiFi mesh có đáng giá hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng của bạn. Mesh WiFi là quá mức cần thiết trong các căn hộ nhỏ hoặc đối với những người không thực sự cần kết nối trong toàn bộ tòa nhà. Các router hiện đại làm được nhiều việc mà không gặp phiền phức. Nhưng nếu bạn có một không gian rộng với nhiều người hoặc cần thêm tín hiệu đến các vị trí được nhắm mục tiêu, WiFi mesh bắt đầu đối thủ cạnh tranh với các thiết bị extender, vì chúng dễ dàng mở rộng hơn nhiều trong tương lai.
Một số bộ kit WiFi mesh cho phép kết nối cả có dây và không dây với cổng hoặc router, có thể xác định loại tốc độ bạn sẽ nhận được. Nếu bạn có tốc độ kết nối cao hơn 1Gbps và muốn giữ tốc độ gần với mức đó qua WiFi, bạn cần xem xét các sản phẩm cụ thể có hai băng tần 5GHz hoặc được gắn nhãn 3 băng tần. Tuy nhiên, đối với bất kỳ ai có tốc độ Internet khoảng 400Mbps hoặc thấp hơn, có rất nhiều lựa chọn để bắt đầu xây dựng mạng mesh.
Tuy nhiên, giá cả có thể là một vấn đề với các mạng mesh. Các tùy chọn phổ biến như Eero của Amazon và Nest WiFi của Google có giá bắt đầu từ $100 và tăng lên đến $500 tùy thuộc vào số lượng node bạn cần. Trong khi đó, một extender chỉ có giá khoảng $50.
Xem thêm: