Nếu từng tiếp xúc nhiều với thế giới phát triển phần mềm và ứng dụng thì chắc hẳn bạn đã quen với khái niệm DevOps. Nhưng bạn có biết gì về DevSecOps không? Dựa vào cái tên DevSecOps, bạn có thể dự đoán rằng DevSecOps là một sự giao thoa giữa DevOps và Security - Bảo mật.
Trong bài viết này, mời bạn cùng Quản Trị Mạng tìm hiểu DevSecOps là gì và việc tìm hiểu nó có thể giúp ích gì cho bạn cũng như công ty của bạn. Trước tiên, chúng ta hãy xem định nghĩa về DevSecOps.
DevSecOps là gì?
Khi định nghĩa DevSecOps, chúng ta cần bắt đầu bằng cách xem lại DevOps là gì. DevOps, như chúng ta đã biết, là một tập hợp các phương pháp và công cụ kết hợp phát triển phần mềm/ứng dụng (Dev) với các hoạt động (Ops) công nghệ thông tin (IT).
DevOps tăng cường khả năng của một tổ chức trong việc triển khai các ứng dụng và dịch vụ nhanh hơn, đồng thời mang lại nhiều lợi thế cho bất kỳ công ty nào muốn duy trì tính cạnh tranh trong thế giới có nhịp độ phát triển cực nhanh hiện tại.
DevOps đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong phát triển ứng dụng, nhiều tổ chức đã áp dụng mô hình này. Những tiến bộ trong ngành CNTT, bao gồm điện toán đám mây, tài nguyên dùng chung và cung cấp động đã làm cho DevOps trở thành một phương pháp dễ tiếp cận hơn và do đó hấp dẫn hơn để áp dụng.
DevSecOps mở rộng tư duy DevOps bởi nó là một triết lý mới, tích hợp các biện pháp bảo mật vào mọi giai đoạn của DevOps. Phương pháp DevSecOps tạo ra văn hóa "Security as Code" với sự cộng tác liên tục, linh hoạt giữa các kỹ sư phát hành ứng dụng và các nhóm bảo mật của doanh nghiệp.
Vậy SecDevOps thì sao?
Thoạt nhìn thì có vẻ như giống nhau nhưng thực chất mỗi cách kết hợp lại riêng biệt với nhau. Chúng ta sẽ cùng xem chúng khác biệt như thế nào:
- DevSecOps: Mô hình DevSecOps là một mô hình chuẩn khi tích hợp các biện pháp bảo mật vào mọi giai đoạn của DevOps.
- DevOpsSec: Mô hình này đặt bảo mật ở cuối quá trình phát triển. Đầu tiên, nhóm DevOps sẽ phát triển và triển khai ứng dụng sau đó nhóm bảo mật sẽ tiến hành vá các lỗ hổng bảo mật nếu có. Mặc dù có bảo mật vẫn hơn không nhưng mô hình này gần như vô dụng nếu mục tiêu của bạn là đảm bảo bảo mật chặt chẽ trong suốt vòng đời phát triển sản phẩm.
- SevDevOps: Các tiếp cận này đưa các nỗ lực bảo mật vào quy trình tích hơp và phát triển liên tục (CD/CI), bao gồm xem xét các vấn đề bảo mật trước khi bắt đầu phát triển và ở mỗi bước của quy trình đang diễn ra.
Tại sao DevSecOps ngày càng trở nên quan trọng?
Ở phía trên, chúng ta đã nói về việc có nhiều tiến bộ mới trong ngành CNTT và cách chúng ta kết hợp phương pháp DevOps vào thiết kế ứng dụng dễ dàng hơn. Thế nhưng, những đổi mới này cũng có nhược điểm. Lý do là vì nhiều công cụ giám sát và bảo mật tuân thủ không bắt kịp được với những phát triển mới.
Kết quả là nhiều kỹ thuật ứng dụng nhanh chóng bị cản trở bởi các biện pháp bảo mật không đầy đủ. Khi tình huống đó phát sinh, việc sử dụng kết hợp phương pháp DevOps là gì?
Tất nhiên, các công ty chỉ có giải pháp là bỏ qua các biện pháp an ninh để đảm bảo lợi ích. Nhưng rõ ràng đó là một canh bạc và nó có thể phản tác dụng, gây ra hậu quả thảm khốc. Thành công của công ty bạn phụ thuộc vào việc ứng dụng mới có ra mắt suôn sẻ hay không nhưng ứng dụng đó lại rất dễ bị hack, bạn có dám tung nó ra hay không? Nếu tung ra thị trường, nhiều vấn đề bảo mật xảy ra, người dùng tức giận, không hài lòng và nhiều người sẽ rời bỏ sản phẩm và công ty của bạn.
Bảo mật CNTT là một vấn đề quan trọng trong thế giới kỹ thuật số ngày nay và các mối đe dọa không thể biến mất trong một sớm một chiều. Chính vì thế, không một doanh nghiệp hay tổ chức nào dám bỏ qua khía cạnh bảo mật của phương pháp DevOps.
Dưới đây là tóm tắt những thách thức bảo mật về DevOps:
- Các nhóm DevOps coi bảo mật là một sự phiền toái.
- Các nhóm bảo mật CNTT không thể theo kịp tốc độ của DevOps.
- Nhiều công cụ nguồn mở và các công cụ chưa trưởng thành có các tính năng bảo mật không đầy đủ.
- Kiểm soát đặc quyền truy cập được quản lý không phù hợp dẫn đến nhiều cơ hội tấn công hơn.
Bạn có thể so sánh suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp đối với bảo mật CNTT với suy nghĩ của mọi người về bảo hiểm. Không ai muốn bỏ tiền ra cho nó bởi vì mọi thứ vẫn đang hoạt động tốt. Mọi thứ vẫn đang ổn mà, quan tâm làm gì.
Sau đó, một thảm họa xay ra và nếu bạn không có sự bảo vệ, không có phương án dự phòng, bạn sẽ gặp rắc rối lớn.
Đó là lý do tại sao bạn cần quan tâm tới bảo mật CNTT. DevSecOps sinh ra để khắc phục thái độ không quan tâm tới bảo mật từ đó ngăn chặn thảm họa bảo mật xảy ra và/hoặc giảm thiểu hậu quả.
Ưu điểm của DevSecOps
DevSecOps mang lại những lợi ích sau:
- Các nhóm nắm được các lỗ hổng bảo mật ngay trong quá trình phát triển thay vì để xảy ra sự cố sau khi phát hành ứng dụng, lúc mà người dùng sẽ bị ảnh hưởng và danh tiếng của công ty bị sụt giảm.
- Lợi tức đầu tư (ROI) tốt hơn trong cơ sở hạ tầng bảo mật hiện có của doanh nghiệp.
- Quá trình này được tự động hóa, đồng nghĩa với việc ít xảy ra lỗi hoặc sự cố quản trị hơn, giảm nguy cơ gây ra các cuộc tấn công mạng và thời gian ngừng hoạt động.
- Tự động hóa cũng có nghĩa là các kiến trúc sư an ninh mạng không cần phải định cấu hình bảng điều khiển bảo mật, giải phóng các nhóm bảo mật cho các vấn đề cấp bách khác, tăng cường sự linh hoạt và tốc độ của họ.
- Giao tiếp và hợp tác tốt hơn giữa các nhóm.
- Linh hoạt hơn trong việc quản lý những thay đổi đột ngột trong vòng đời phát triển.
- Nhiều cơ hội quan trọng hơn để thử nghiệm đảm bảo chất lượng và xây dựng tự động.
Triển khai các biện pháp DevSecOps
Vậy làm thế nào để bạn có thể giới thiệu các biện pháp này trong doanh nghiệp của mình?
Nhóm của bạn phải đảm bảo rằng bảo mật được tích hợp vào quá trình phát triển ứng dụng từ đầu này sang đầu kia để triển khai DevSecOps thành công trong một chiến lược tóm tắt là "chuyển trọng tâm bảo mật sang bên trái". Sáu thành phần quan trọng nhất trong bất kỳ phương pháp DevSecOps nào là:
- Phân tích mã: Phân phối mã theo từng phần nhỏ giúp phát hiện các lỗ hổng nhanh hơn, dễ dàng hơn.
- Thay đổi cách quản lý: Tăng cả tốc độ và hiệu quả bằng cách cho phép bất kỳ thành viên nào trong nhóm gửi các thay đổi, sau đó xác định xem thay đổi đó có lợi hay hại.
- Giám sát tuân thủ: Hãy chuẩn bị cho một cuộc kiểm toán có thể xảy ra bất cứ lúc nào bằng cách luôn tuân thủ.
- Điều tra mối đe dọa: Xác định các mối đe dọa đang phát triển tiềm ẩn trong mỗi lần cập nhật code và phản hồi nhanh chóng.
- Đánh giá lỗ hổng: Xác định các lỗ hổng mới bằng phân tích mã, sau đó xác định tốc độ phản hồi và phân giải.
- Đào tạo bảo mật: Đào tạo các nhà phát triển phần mềm và kỹ sư CNTT với các hướng dẫn nhất quán cho mọi thói quen.
Dưới đây là danh sách kiểm tra các bước cụ thể liên quan đến sáu thành phần:
- Tự động hóa và chuẩn hóa môi trường, giảm thiểu truy cập trái phép.
- Tập trung danh tính người dùng và khả năng kiểm soát truy cập, thắt chặt kiểm soát truy cập.
- Các container chạy microservice phải được cách ly với mạng và với nhau.
- Dữ liệu giữa các ứng dụng và dịch vụ phải được mã hóa.
- Triển khai các cổng API an toàn hơn.
- Tích hợp máy quét an ninh cho tất cả các container.
- Tự động hóa các quy trình tích hợp liên tục (CI) trong thử nghiệm bảo mật.
- Bao gồm các bài kiểm tra xác thực tự động cho các khả năng bảo mật trong quy trình kiểm tra sự chấp nhận của người dùng.
- Tự động cập nhật và vá lỗi bảo mật.
- Tự động kiểm tra, khắc phục và khả năng quản lý cấu hình hệ thống và dịch vụ.
Các kỹ năng và công cụ DevSecOps
Trong thế giới DevSecOps có nhiều công cụ hữu ích cho các nhóm quan tâm tới bảo mật. Các công cụ sau bao gồm một loạt tác vụ bảo mật:
- Claire: Quét các lỗ hổng trong container Docker.
- HackerOne: Cho phép bạn phân loại và phản hồi các báo cáo về lỗ hổng một cách hiệu quả.
- Rapid7 Nexpose: Quét các hệ thống để tìm lỗ hổng và quản lý toàn bộ vòng đời phát hiện lỗ hổng.
- Snyk: Kiểm tra các thư viện mã nguồn mở để tìm bất kỳ sự cố đã biết nào.
- Stethoscope: Giúp bạn quản lý bảo mật tập trung vào người dùng; mã nguồn mở.
- Suricata: Phát hiện các mối đe dọa đối với mạng; mã nguồn mở.
Các nhóm bảo mật muốn triển khai DevSecOps nên thành thạo các kỹ năng sau:
- Kinh nghiệm thực tế làm việc trong lĩnh vực DevOps.
- Hiểu các ngôn ngữ lập trình như Java, Perl, Python, PHP và Ruby.
- Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm mạnh mẽ.
- Kiến thức về đánh giá rủi ro và các kỹ thuật mô hình hóa mối đe dọa.
- Hiểu biết và kiến thức vững chắc về các mối đe dọa an ninh mạng mới nhất, các phương pháp hay nhất hiện tại và phần mềm liên quan.
- Kiến thức về các chương trình như Aqua, Checkmarx, Chef, Immunio, Puppet và ThreatModeler. Ngoài ra, việc hiểu biết về AWS, Docker hoặc Kubernetes cũng rất hữu ích.
- Mặc dù không bắt buộc, nhưng một chuyên gia DevSecOps toàn diện phải có kiến thức về các phương pháp DevOps hoặc chứng chỉ Kỹ sư DevOps.
Tương lai của DevSecOps
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng DevSecOps như một phương tiện được chấp nhận để phát triển dự án. Nói cách khác, cơ hội nghề nghiệp DevSecOps là rất sáng sủa. Khi nhiều tổ chức nhìn thấy lợi ích của việc triển khai bảo mật từ đầu đến cuối thì DevOps sẽ biến mất hoặc bị hấp thụ vào DevSecOps.
Hơn nữa, quy trình càng được tự động hóa nhiều thì càng có nhiều tổ chức áp dụng DevSecOps. Tự động hóa giúp tiết kiệm thời gian và cùng với việc cung cấp bảo mật tốt hơn, biến việc triển khai DevSecOps trở thành lựa chọn đương nhiên.