Thị trường laptop "ngoài" đang hết sức sôi động, với sự phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm và giá bán hấp dẫn, nhưng nếu không cẩn thận, người mua hàng rất dễ gặp rủi ro.
Tại thị trường laptop Việt Nam hiện nay, ngoài những hãng sản suất đã có nhà phân phối chính thức như Acer, HP, Lenovo, Asus… hay các thương hiệu trong nước như CMS, người dùng còn có một sự lựa chọn khác được gọi nôm na là "hàng ngoài".
Các cửa hàng laptop trên những tuyến phố chuyên kinh doanh máy tính tại Hà Nội như Lý Nam Đế, Lê Thanh Nghị, Thái Hà hay phố mới Trần Đại Nghĩa đều có máy cũ hoặc hàng ngoài, thậm chí đây còn được xem là "cần câu cơm" chính của họ.
Thị trường laptop "ngoài" phong phú về mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Ảnh: Hoàng Hà |
Anh Toàn, chủ một cửa hàng bán laptop trên đường Trần Đại Nghĩa cho biết, mặc dù cửa hàng anh làm đại lý cho Lenovo và HP nhưng lượng người vào mua laptop cũ và đặt hàng laptop "ngoài" vẫn nhiều hơn. Trung bình một ngày cửa hàng anh bán được 2-5 chiếc máy cũ.
Đối tượng mua hàng rất phong phú, với những yêu cầu khác nhau. Trong khi đa số sinh viên thường lựa chọn laptop cũ, có cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng, thì những người đã đi làm, hay phải di chuyển thường tìm những máy nhỏ gọn. Người có sở thích đặc biệt hoặc làm công việc có yêu cầu cao về đồ họa thường tìm máy độc. Theo anh Toàn, với yêu cầu nào, cửa hàng anh cũng có thể đáp ứng bằng cách nhận đặt hàng, sau khoảng 3 tuần máy sẽ đến tay khách hàng đúng như cam kết.
Một số dòng máy thông dụng được tìm mua nhiều hiện nay là dòng T của IBM (trước đây), được ưa thích vì có giá cả hợp lý và hoạt động ổn định, các dòng máy Mac của Apple, phù hợp cho người làm về đồ họa và yêu thích thời trang. Fujitsu hay Sony Vaio lại nổi bật với màn hình tuyệt vời và khả năng hỗ trợ multimedia hoàn hảo. Những máy được sản suất với số lượng giới hạn và có những điểm đặc biệt thường được người ưa hàng độc săn lùng. Ngoài ra, thị trường laptop "ngoài" còn có sự tham gia của các thương hiệu lạ như Gateway, Fujitsu-Siemens…
Laptop cũ và hàng ngoài được tìm mua nhiều hơn hàng chính hãng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, nếu không tinh ý, người dùng có thể gặp phải rủi ro khi đi mua máy cũ hay hàng ngoài.
Đầu tiên là rủi ro về nguồn gốc hàng hóa. "Mánh lới" thường được một số cửa hàng áp dụng là nhập những laptop loại 2, loại 3 (gọi là hàng refactory hay refurbished), với giá rẻ hơn hàng loại 1 khá nhiều để bán cho khách hàng nhưng lại giấu thông tin đi và bán theo giá hàng loại 1.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể phải đối mặt với rủi ro về bảo hành. Thông thường, khi mua máy cũ hay hàng ngoài sẽ được bảo hành từ 1 đến 6 tháng. Nếu chẳng may máy có vấn đề mà lại mua của những cửa hàng không có uy tín, khi mang đi bảo hành, người dùng sẽ bị khất lần, hoặc tệ hơn là bị "chẩn" những bệnh "có trời mới biết", kèm theo đó là những tốn kém phát sinh.
Theo kinh nghiệm bản thân của Viết Anh, một bạn sinh viên hay mua "hàng ngoài", việc cần làm đầu tiên khi mua laptop là kiểm tra Sevice Tag, hay số serial. Sau đó là kiểm tra độ sáng màn hình, xem có "điểm chết" nào không, rồi kiểm tra cấu hình máy bằng một số phần mềm chuyên dụng, vì cấu hình máy hoàn toàn có thể bị sửa lại. Người dùng cũng nên cho máy chạy thử một số chương trình và kiểm tra các chi tiết phần cứng như ổ quang, pin, các khe cắm mở rộng, USB, Wi-Fi… Nếu không biết nhiều về máy, nên nhờ bạn bè hay những người thạo đi cùng để kiểm tra.