Công nghệ mã nguồn mở có kiếm tiền được không?

Công nghệ mã nguồn mở có mặt ở khắp mọi nơi, trên điện thoại, laptop hay thậm chí là cả những trang web bạn đang mở. Hàng nghìn công ty đã chọn con đường kinh doanh dựa trên mã nguồn mở. Nhưng làm thế nào họ có thể kiếm được tiền từ một thứ được cung cấp miễn phí như mã nguồn mở?

Red Hat là công ty đi đầu trong lĩnh vực mã nguồn mở và họ có một chiến lược kinh doanh cực kỳ rõ ràng. Họ cung cấp hệ điều hành mã nguồn mở Linux nổi tiếng dưới tên Red Hat Enterprise Linux cho các doanh nghiệp với sự đảm bảo hỗ trợ trong suốt 10 năm. Với thực tế là những dự án mã nguồn mở luôn thay đổi từng ngày, sự đảm bảo hỗ trợ của Red Hat là cực kỳ có giá trị.

Công nghệ mã nguồn mở có kiếm tiền được không?

"Khi các doanh nghiệp mua phần mềm từ chúng tôi thì các chức năng chỉ là một phần nhỏ trong đó", Chủ tịch kiêm CEO Jim Whitehurst của Red Hat cho biết, "Chúng tôi bán các sản phẩm mã nguồn mở cho các doanh nghiệp đúng như cách mà họ bán phần mềm. Chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật luôn theo sát mỗi thay đổi như sửa lỗi hay tăng cường bảo mật của Linux và đảm bảo rằng hệ thống của khách hàng luôn cập nhật và ổn định".

Hỗ trợ trả phí là một nguồn doanh thu được rất nhiều công ty mã nguồn mở tận dụng. Các công ty thường cung cấp sản phẩm mã nguồn mở đi kèm với hợp đồng hỗ trợ dịch vụ hàng năm. Trong nhiều trường hợp, các công ty thậm chí có thể đưa cả nhân viên của mình sang làm việc hỗ trợ kỹ thuật trong văn phòng của các khách hàng.

Các công ty cũng cung cấp cả các dịch vụ chuyên nghiệp đi kèm với phần mềm mã nguồn mở. Một số khách hàng thường cần giúp cài đặt công nghệ mã nguồn mở hoặc giúp tùy chỉnh nó theo nhu cầu của họ, và họ sẵn sàng trả tiền để đảm bảo phần mềm hoạt động tốt. Các dịch vụ chuyên nghiệp này cũng bao gồm cả đảm bảo chất lượng và huấn luyện nữa.

Nhưng tại sao các doanh nghiệp lại sẵn sàng trả phí để được hỗ trợ về mã nguồn mở? Thông thường, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi họ trả tiền cho dịch vụ thay vì được phục vụ miễn phí. Thực tế, khi mua phần mềm mã nguồn mở, họ không mua phần mềm mà là mua dịch vụ hỗ trợ ngay lập tức. Một cách dễ hiểu, họ mua sự đảm bảo rằng sẽ có người chịu trách nhiệm giải quyết các rắc rối kỹ thuật của họ.

Bên cạnh chiến lược này của Red Hat, còn có khá nhiều các chiến lược thành công khác. ActiveState kinh doanh bằng cách bán phiên bản thương mại, nâng cấp của các ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở như Perl, Python và Tcl. cho các nhà phát triển. ActiveState giải quyết các vấn đề bản quyền liên quan đến việc tích hợp sản phẩm mã nguồn mở vào các sản phẩm khác, bảo đảm phần mềm hoạt động tốt và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.

Còn với WordPress - công ty cung cấp dịch vụ blog miễn phí, họ kiếm tiền bằng cách bán bản nâng cấp của nền tảng blog này - mang tên WordPress Enterprise - với những tính năng và tùy chỉnh đặc biệt không có trong bản miễn phí. Họ cũng cung cấp cả host lưu trữ blog và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.

Học hỏi từ chiến lược của những công ty này, bạn có thể xác định liệu bạn có thể kinh doanh thành công với mã nguồn mở không. Nhưng trước khi làm vậy, hãy nhớ những điểm sau:

- Một khi khách hàng đã trả tiền cho dịch vụ của bạn, bạn có thể kiếm thêm bằng cách cung cấp các tính năng liên quan. Ví dụ như khi khách hàng chọn WordPress, họ sẽ sẵn sàng trả tiền cho theme hay các plug in bảo mật hỗ trợ cho blog của họ.

- Với nhiều doanh nghiệp cần được biết đến, mã nguồn mở sẽ là một lựa chọn hiệu quả, giúp họ dễ dàng đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn. Nhưng hãy nhớ, sản phẩm và dịch vụ của bạn phải thật tốt, và sẵn sàng để kinh doanh.

Thứ Năm, 24/01/2013 14:53
31 👨 2.423
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp