Cả thế giới và Việt Nam đều đang trong quá trình chuyển đổi số cực kỳ mạnh mẽ. Chính vì thế, cơ hội việc làm, thăng tiến cho kỹ sư phần mềm là vô cùng lớn. Dẫu vậy, thách thức lớn nhất với một kỹ sư phần mềm đó là làm sao lựa chọn được con đường sự nghiệp phù hợp nhất. Tuy nhiên, trước tiên, họ cần được đào tạo một cách chuẩn mực và có trong tay các kỹ năng của một kỹ sư phần mềm.
Trong bài viết này, Quản Trị Mạng phác thảo cách trở thành kỹ sư phần mềm, mức thu nhập mà họ kiếm được và cơ hội thăng tiến. Nếu bạn đang quan tâm tới ngành kỹ sư phần mềm thì bài viết này là dành cho bạn.
Bây giờ hãy bắt đầu với những kiến thức cơ bản về kỹ sư phần mềm:
Kỹ sư phần mềm là gì?
Một kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp là người thiết kế, phát triển, thử nghiệm và bảo trì các ứng dụng phần mềm. Các kỹ sư phần mềm phát triển các giải pháp phần mềm cho người dùng cuối dựa trên các nguyên tắc kỹ thuật và ngôn ngữ lập trình.
Techopedia định nghĩa công nghệ phần mềm là "quá trình phân tích nhu cầu của người dùng và thiết kế, xây dựng và thử nghiệm các ứng dụng cho người dùng để đáp ứng những nhu cầu của người dùng thông qua việc sử dụng ngôn ngữ lập trình phần mềm. Nó áp dụng các nguyên tắc kỹ thuật để phát triển phần mềm, trái ngược với lập trình, kỹ sư phần mềm được sử dụng cho các hệ thống phần mềm lớn hơn và phức tạp hơn thường được sử dụng làm hệ thống quan trọng cho doanh nghiệp hoặc tổ chức".
Vai trò và trách nhiệm của một kỹ sư phần mềm
Một kỹ sư phần mềm phải phân tích nhu cầu của người dùng sau đó thiết kế, xây dựng và thử nghiệm các ứng dụng đáp ứng những nhu cầu đó. Các kỹ sư phần mềm có rất nhiều việc phải làm. Một kỹ sư phần mềm cần có khả năng:
- Cộng tác với các nhà phân tích hệ thống, kỹ sư, lập trình viên và những người khác để thiết kế hệ thống và thu thập thông tin về các hạn chế, khả năng, yêu cầu hiệu suất và giao diện của dự án.
- Thay đổi phần mềm hiện có để giải quyết các lỗi và các sai sót, tạo điều kiện thuận lợi cho phần mềm thích ứng với phần cứng mới và cải thiện hiệu suất tổng thể của phần mềm.
- Phân tích nhu cầu của người dùng và yêu cầu phần mềm để xác định tính khả thi của thiết kế trong giới hạn thời gian và chi phí.
- Gặp gỡ khách hàng để thảo luận về thiết kế và bảo trì hệ thống phần mềm.
- Phối hợp cài đặt hệ thống phần mềm và giám sát các thiết bị liên quan để đáp ứng các thông số kỹ thuật.
- Thiết kế, phát triển và sửa đổi hệ thống phần mềm - kết hợp phân tích khoa học và mô hình toán học để dự đoán và đo lường kết quả cũng như hậu quả của những thiết kế đó.
- Phát triển và chỉ đạo kiểm tra hệ thống phần mềm, quy trình xác nhận, lập trình và tài liệu.
- Phân tích thông tin để xác định, đề xuất và lên kế hoạch cho các thông số kỹ thuật và bố cục của máy tính cũng như các sửa đổi cho thiết bị ngoại vi.
- Giám sát công việc của các nhóm lập trình viên, chuyên gia công nghệ và kỹ thuật viên, bên cạnh các nhân viên kỹ thuật khác.
- Nhận và đánh giá các định dạng báo cáo bắt buộc, chi phí liên quan và nhu cầu bảo mật để xác định cấu hình phần cứng.
- Xác định tiêu chuẩn hoạt động của hệ thống.
- Huấn luyện những người khác sử dụng thiết bị mới hoặc thiết bị vừa được điều chỉnh.
- Lưu trữ, truy xuất và thao tác dữ liệu để phân tích các khả năng và yêu cầu của hệ thống.
- Chỉ định các yêu cầu và cấu hình cung cấp điện cần thiết.
- Đề xuất thiết bị kiểm soát môi trường, bao gồm kiểm soát bụi, nhiệt độ và độ ẩm khi lắp đặt hệ thống.
Các kỹ năng mà kỹ sư phần mềm cần phải có
Dưới đây là danh sách các kỹ năng và khả năng mà một kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp cần phải có:
- Kỹ năng phân tích thông tin kỹ thuật phức tạp.
- Khả năng phân tích các yêu cầu kinh doanh và đánh giá tác động trong kiến trúc cơ sở dữ liệu hiện có.
- Kỹ năng nghiên cứu tốt.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc.
- Có kinh nghiệm xây dựng ứng dụng phần mềm.
- Có kinh nghiệm hoặc ít nhất là làm việc nhuần nhuyễn với JavaScript, Linux/Unix, Perl, Shell, Java, Ruby, PHP, Python, thực hành SQL, Microsoft ASP.Net MVC, Web API, Node,js.
- Có kinh nghiệm làm việc với mã nguồn và phiên bản repository.
- Quen thuộc với UI Toolkit và framework.
- Khả năng lãnh đạo và cung cấp các hệ thống phần mềm phức tạp.
- Khả năng quản lý nhiều dự án và đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, thời hạn được giao.
- Có niềm đam mê phát triển trải nghiệm người dùng hấp dẫn hơn.
- Cung cấp cho các kỹ sư khác sự hỗ trợ trong phát triển và thử nghiệm.
- Có kinh nghiệm với Ruby on Rails.
- Có kiến thức vững chắc về Java.
- Có kỹ năng giao tiếp tốt bằng cả lời nói và văn bản.
- Có hiểu biết thấu đáo về kiến trúc máy tính, hệ điều hành và cấu trúc dữ liệu.
- Có khả năng phát triển trong một môi trường năng động, nhịp độ nhanh mà không bị choáng ngợp.
- Có khả năng chuyển đổi các yêu cầu thành các khái niệm thiết kế và sơ đồ mối quan hệ thực thể (ERD).
- Có khả năng khắc phục sự cố và gỡ lỗi.
- Có hiểu biết về các phương pháp hay nhất về công nghệ phần mềm.
- Làm việc độc lập tốt và cũng có khả năng làm việc theo nhóm, bao gồm các nhóm Agile Scrum.
- Có kiến thức làm việc với C, C++ và C#.
- Có khả năng viết tài liệu và thông số kỹ thuật chính xác, chi tiết.
Đương nhiên là để trở thành một kỹ sư phần mềm bạn không cần phải trở thành bậc thầy hết tất cả những kỹ năng ở trên. Dẫu vậy, việc thông thạo hầu hết các kỹ năng ấy sẽ mang lại nhiều lợi thế cho bạn. Bạn càng có nhiều kỹ năng trong tay thì càng tốt.
Cách để trở thành kỹ sư phần mềm
Dưới đây là các bước bạn cần thực hiện để trở thành kỹ sư phần mềm:
1. Kiếm bằng Kỹ sư phần mềm
Đầu tiên, nền tảng giáo dục vững chắc sẽ là bệ phóng ổn định cho sự nghiệp của bạn và nhà tuyển dụng luôn muốn thấy những bằng cấp cần thiết trong lý lịch của bạn. Ít nhất thì bạn nên trang bị cho mình bằng Cử nhân đại học, nó phải là bằng Kỹ sư phần mềm hoặc có liên quan đến CNTT. Chuyên ngành báo chí hoặc thực vật học sẽ không giúp bạn tiến xa trong thế giới lập trình.
2. Tự học các kỹ năng liên quan
Các nhà tuyển dụng luôn muốn ứng viên sở hữu một bộ kỹ năng phù hợp với vị trí mà họ đang muốn tuyển. Bạn có thể tự học và nghiên cứu trong lĩnh vực này, bạn có thể học trực tuyến, học các khóa ngắn hạn lấy chứng chỉ, tùy theo điều kiện và đâu là lựa chọn hiệu quả nhất với bạn. Quan trọng là bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy bằng chứng có thể kiểm chứng, đo lường được về việc bạn có những kỹ năng và khả năng cần thiết để thực hiện công việc.
3. Cân nhắc việc thực tập
Các chương trình thực tập dành cho sinh viên đang theo học tại các trường đại học cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tế quý giá cho bạn. Ngoài ra, thực tập còn giúp bạn xây dựng các mối quan hệ có ích trong suốt cuộc đời làm việc của bạn.
4. Học các kỹ năng lập trình
Thực hành tạo nên sự hoàn hảo nên bạn cần thực hành nhiều để thành thạo các kỹ năng lập trình. Hãy học một vài ngôn ngữ như Python, Ruby, JavaScript, C#, Java hoặc C++ rồi tự mình học các kỹ năng lập trình.
5. Thử việc từ vị trí thấp
Đôi khi cách tốt nhất để gây dựng sự nghiệp là đi từ tầng thấp nhất. Theo Indeed, các kỹ sư phần mềm mới vào nghề thường bắt đầu sự nghiệp cùng với các kỹ sư phần mềm lành nghề để kiểm tra, phát triển và cập nhật các ứng dụng và chương trình phần mềm. Họ thường làm những công việc thông thường giúp họ làm quen với cơ sở code và phát triển các kỹ năng lập trình tốt hơn. Bên cạnh đó mức đãi ngộ dành cho các kỹ sư phần mềm mới vào nghề cũng không hề tệ. Theo Salary, mức lương kỹ sư phần mềm mới vào nghề tại Mỹ trung bình khoảng 71.912 USD.
Mức lương của kỹ sư phần mềm là bao nhiêu?
Theo Payscale, trung bình một kỹ sư phần mềm tại Mỹ kiếm được 76.192 USD mỗi năm. Có rất nhiều mức lương khác nhau trên thị trường, tùy thuộc vào vị trí, ngành, nhu cầu và trình độ kỹ năng.
Ở Ấn Độ, mức lương trung bình hàng năm của kỹ sư phần mềm là 496.143 INR trong khi ở Trung Quốc là 224.554 CNY. Tại Canada, trung bình mỗi năm kỹ sư phần mềm kiếm được 77.140 CND còn tại Nhật Bản là 4,9 triệu JPY.
Kết
Mở rộng bộ kỹ năng của bạn bằng các khóa học công nghệ phần mềm là một trong những bước tốt nhất bạn có thể thực hiện trong nỗ lực trở thành kỹ sư phần mềm. Kỹ sư phần mềm là một ngành có nhiều cơ hội việc làm, đãi ngộ tốt và có cơ hội thăng tiến. Quản Trị Mạng chúc các bạn thành công!