Giám đốc công nghệ (Chief technology officer - CTO) là giám đốc điều hành chịu trách nhiệm về định hướng và chiến lược công nghệ tổng thể của công ty. Họ làm việc với các giám đốc điều hành khác để phát triển các kế hoạch và mục tiêu dài hạn cho nhu cầu kỹ thuật của công ty.
Ngoài ra, CTO cũng giám sát các nhóm nghiên cứu và phát triển để đảm bảo rằng họ đang thực hiện các dự án phù hợp với mục tiêu chiến lược của công ty.
Do bối cảnh thị trường công nghệ luôn thay đổi nên vai trò của CTO cũng phát triển nhanh chóng. CTO phải có khả năng thích ứng và thay đổi chiến lược của họ một cách nhanh chóng để theo kịp các xu hướng mới nhất. Họ cũng phải có khả năng làm việc với nhiều nhóm và các bên liên quan khác nhau cũng như có hiểu biết sâu sắc về kinh doanh.
Trong bài viết này, Quản Trị Mạng sẽ cùng các bạn thảo luận về công việc của CTO, những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho công việc cũng như các bước bạn cần thực hiện để trở thành CTO.
CTO làm những công việc gì?
Giám đốc công nghệ (CTO) là người đứng đầu về mảng công nghệ trong bất kỳ công ty nào. Để đảm bảo rằng các công nghệ luôn hoạt động hiệu quả, năng suất, các công ty sẽ phải bổ nhiệm CTO, do đó vị trí CTO là rất quan trọng.
Công việc chính của CTO là giám sát tất cả các hoạt động kỹ thuật của công ty và đảm bảo rằng mọi dự án đều diễn ra xuất sắc. Về cơ bản, vai trò của CTO là đảm bảo rằng công nghệ trong một công ty luôn hoạt động như dự kiến.
- CTO cũng chịu trách nhiệm cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất và đảm bảo rằng các sản phẩm của công ty đang sử dụng công nghệ tốt nhất có thể. Một CTO phải có hiểu biết sâu sắc về tất cả các khía cạnh của công nghệ, bao gồm phần mềm, phần cứng, mạng và lưu trữ dữ liệu. Giám đốc công nghệ cũng phải có khả năng xác định và đánh giá các công nghệ mới, đồng thời xác định xem chúng có thể được sử dụng không và sử dụng như thế nào để cải thiện các sản phẩm và dịch vụ của công ty.
- CTO cũng chịu trách nhiệm quản lý ngân sách của công ty và đảm bảo rằng tất cả các dự án được hoàn thành đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách.
- Họ cũng phải hợp tác chặt chẽ với các giám đốc điều hành khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu công nghệ của công ty.
- CTO thường xuyên kết nối với giám đốc điều hành (CEO) để đảm bảo rằng nhu cầu công nghệ của công ty phù hợp với mục tiêu kinh doanh của công ty.
- Một CTO luôn phải giao tiếp với các bên liên quan của công ty để thúc đẩy việc tạo ra giá trị và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
- Họ cũng có thể xác định các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến các hệ thống hoặc quy trình hiện có.
- Và có thể tạo ra một lộ trình cho các khoản đầu tư công nghệ trong tương lai.
- Đào tạo và cố vấn cho nhân viên cũng là một trong những nhiệm vụ của CTO.
Làm thế nào để trở thành một CTO?
Trở thành Giám đốc công nghệ (CTO) là một quá trình đòi hỏi một bộ kỹ năng và kinh nghiệm cụ thể. Mặc dù vai trò của CTO ở mỗi công ty có thể khác nhau nhưng dưới đây là một số bước phổ biến mà bất kỳ ai muốn trở thành CTO đều có thể tuân theo.
1. Có nền tảng công nghệ vững chắc
Để trở thành CTO, điều quan trọng là bạn phải phát triển một nền tảng vững chắc về công nghệ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nghiên cứu, lấy bằng khoa học máy tính hoặc một lĩnh vực liên quan.
2. Kinh nghiệm
Khi đã có nền tảng công nghệ vững chắc, bạn sẽ cần tích lũy kinh nghiệm trong việc lãnh đạo và quản lý các nhóm kỹ sư. Bạn có thể tích lũy kinh nghiệm bằng cách thăng tiến trong một công ty hoặc thành lập công ty của riêng bạn.
3. Hiểu biết về kinh doanh
Ngoài kỹ năng công nghệ và kinh nghiệm, bạn cũng cần phải có hiểu biết vững chắc về kinh doanh. Điều này sẽ cho phép bạn quản lý hiệu quả các nhóm và các dự án cũng như đưa ra quyết định phù hợp với quy trình làm việc.
4. Chứng chỉ và Thực tập
- Có các chứng chỉ liên quan trong lĩnh vực này sẽ cho bạn lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ khác khi đi ứng tuyển vị trí CTO.
- Ngoài ra, việc từng thực tập tại các công ty danh tiếng cũng giúp nâng cao khả năng được tuyển dụng của bạn.
Khi bạn có trong tay các chứng chỉ cũng như tích lũy kinh nghiệm khi thực tập, bạn có thể bắt đầu ứng tuyển vào vị trí CTO hoặc tự thành lập công ty rồi giữ chức CTO. Dù bạn chọn con đường nào thì hãy đảm bảo rằng bạn luôn cập nhật các xu hướng và tiến bộ công nghệ mới nhất để bạn có thể tiếp tục là một lãnh đạo hiệu quả trong lĩnh vực này.
Các kỹ năng cần thiết để trở thành một CTO?
Trở thành một CTO không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Để trở thành một CTO thành công, bạn cần có những kỹ năng sau:
- Kỹ năng công nghệ
- Kỹ năng lãnh đạo
- Kỹ năng quản lý
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng phát triển kinh doanh
- Tính kiên nhẫn
- Khả năng thích ứng
Trách nhiệm của một CTO là gì?
Trong một công ty, CTO là một vai trò linh hoạt với nhiều trách nhiệm khác nhau. CTO chịu trách nhiệm về các khía cạnh công nghệ, tài chính và quản lý của một công ty. Tùy theo công ty, trách nhiệm của CTO có thể khác nhau. Dưới đây là những gì mà một CTO thường chịu trách nhiệm:
- Một CTO thường cung cấp cho công ty hai điều: Tầm nhìn và khả năng lãnh đạo.
Họ phải đưa ra quyết định về cách sử dụng tốt nhất nguồn lực trong một tổ chức, đồng thời đảm bảo rằng các dự án được hoàn thành đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách cho phép. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là CTO phải cung cấp khả năng lãnh đạo về mặt công nghệ.
- Chịu sự giám sát, chỉ đạo và kiểm soát của CEO, CTO có trách nhiệm và nhiệm vụ đối với việc thiết kế, triển khai và vận hành công nghệ trong công ty. CTO sẽ quản lý các nhà phát triển, kiến trúc sư kỹ thuật, quản lý CNTT...
- CTO có trách nhiệm quản lý các dự án CNTT, nhân viên và ngân sách.
- Họ cũng đồng thời phải có phản ứng để thực hiện các biện pháp an ninh. Thiết kế và thực hiện các quy trình giúp đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ. Dẫn dắt hoặc tham gia phát triển công nghệ mới hoặc cải tiến công nghệ.
- CTO có thể phát triển thông số kỹ thuật của thiết bị và yêu cầu các thiết kế.
- Họ cũng chịu trách nhiệm đảm bảo rằng công ty có một nhóm hỗ trợ hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
- CTO có thể quyết định sử dụng hay không sử dụng một công nghệ cụ thể.
- CTO có trách nhiệm quản lý nhân sự của công ty.
Mức lương của một CTO là bao nhiêu?
Với bất kỳ công ty nào, ở bất kỳ quy mô nào, CTO luôn là một công việc phức tạp và được trả lương cao. Mức lương của CTO sẽ khác nhau tùy thuộc vào quy mô cũng như khả năng kinh doanh của công ty.
Ở Ấn Độ, mức lương trung bình của một CTO là từ 1.143.348 INR/năm. Trong khi đó, ở Mỹ, mức lương trung bình một năm của CTO là 183.270 USD.
Với vị trí là một CTO, bạn cũng chịu trách nhiệm cho sự phát triển của công ty. Do đó, thu nhập của bạn cũng phụ thuộc vào tài năng của bạn. Nếu bạn đưa công ty phát triển mạnh mẽ thì thu nhập của bạn cũng tăng như vũ bão còn ngược lại thì khả năng bạn mất việc là rất cao.
Quản Trị Mạng hy vọng rằng bài viết này sẽ có ích đối với bạn!