Các loại lỗi (bug) trong quá trình kiểm thử

Nếu đã là “siêu anh hùng” trong lĩnh vực QA, bạn có thể phân loại lỗi (hay bọ - bug) dễ dàng trong báo cáo của mình. Nhưng nếu không, bài viết này sẽ giúp ích, dù bạn là nhà phát triển hay quản lý sản phẩm, cách xếp loại lỗi trong quá trình kiểm thử sản phẩm (ứng dụng, trang web). Ngoài ra, bạn cũng có thể xác định được nên xem lỗi nào trước hay ưu tiên khắc phục lỗi nào hơn theo các tiêu chí độ nghiêm trọng, tần suất xuất hiện và hình thức.

Phân loại lỗi theo mức độ nghiêm trọng

Mức độ nghiêm trọng cho biết tầm ảnh hưởng của lỗi với sản phẩm. Khi đánh giá điều này, cũng cần xét trên sản phẩm. Một lỗi có thể là lỗi nghiêm trọng trên sản phẩm A nhưng chỉ là một lỗi nhỏ trên sản phẩm B.

Trang we-are-testers chia lỗi theo mức độ nghiêm trọng thành 4 loại.

Block (Lỗi nghiêm trọng)

Lỗi này ngăn không cho người dùng làm điều anh ta muốn mà bị chặn lại, không thể đi xa hơn. 99% lỗi này thuộc về lỗi chức năng (sẽ được nhắc tới sau).

Ví dụ:

  • link hỏng
  • trang không tải được
  • không đổi được mật khẩu
  • không nộp được biểu mẫu
  • thông tin hợp lệ nhưng không lưu được khi điền biểu mẫu
  • đơn không được xác nhận khi người dùng trở về trang chủ
  • ứng dụng bị crash khi làm gì đó
  • trang/ứng dụng đơ khi làm gì đó
  • mật khẩu mới không được nhận
  • thanh toán đơn hàng bị từ chối
  • không thêm mục vào giỏ hàng được

Major (Lỗi lớn)

Lỗi này khiến người dùng rất khó chịu nhưng không đến mức ngăn anh ta thực hiện hành động nào đó.

Ví dụ:

  • hiển thị mã HTML trên trang
  • pop-up thông tin không chứa văn bản
  • trang phải mất 10 giây mới tải được
  • quảng cáo che nội dung trang nhưng tắt được
  • ảnh sản phẩm bị kéo méo mó
  • trang hiển thị dưới dạng HTML
  • mất âm thanh (khi xem video)
  • không chia sẻ trên mạng xã hội được
  • trường không được đánh dấu là bắt buộc nhưng thực tế là có
  • trường văn bản hiển thị 2 lần
  • một phần trang web hiển thị ngôn ngữ khác

Minor (Lỗi nhỏ)

Lỗi này không có ảnh hưởng nhiều tới người dùng khi duyệt web hay mở ứng dụng, nhưng vẫn cần phải xem xét. Người quản lý sản phẩm sẽ quyết định có ưu tiên chúng hay không. Việc sửa lỗi thường tạo ra ROI thấp (Returen on Investment - tức là lợi ích có được trên 1 khoản bỏ ra) nhưng trong một số trường hợp, rất quan trọng tới hình ảnh thương hiệu.

Ví dụ:

  • lỗi chính tả
  • ảnh bị mờ
  • các mục không thẳng hàng
  • font chữ không đồng nhất
  • mỏ neo dẫn tới sai chỗ
  • trỏ chuột trên link nhưng không sáng lên
  • vấn đề về thương hiệu (màu sắc, nền…)
  • mô tả sai sản phẩm
  • nội dung không được dịch

Suggestion (Gợi ý)

Đây thực chất không phải là lỗi. Tức là sản phẩm hoạt động bình thường theo đúng những gì hy vọng nhưng có thể bạn cho rằng nó gây bối rối hoặc không tuân theo chuẩn web.

Ví dụ:

  • hiển thị số bình luận
  • cung cấp thông tin lỗi chính xác trong mọi tình huống
  • dùng hệ thống Captcha chuẩn
  • tăng kích thước chữ trên di động để dễ dàng click vào link
  • vuốt trái/phải để đi tới/lui trang.

Phân loại lỗi theo hình thức

Đây là bản chất của lỗi, tức là luôn giống nhau dù ở trên sản phẩm nào. Dưới đây là 5 lỗi và ví dụ để giúp bạn nhận diện chúng.

Lỗi chức năng (Functional Bug)

Đây là lỗi quan trọng liên quan tới thao tác bạn thực hiện. Lỗi này chỉ có thể tìm thấy khi thao tác gì đó và sản phẩm không phản hồi như mong muốn.

Ví dụ:

  • cuộn trang không được dù có nội dung bên dưới
  • có thể cuộn trang ngang nhưng lại không được
  • nút ấn không hoạt động
  • email gửi không tới
  • bàn phím chữ hiện lên mặc định thay vì bàn phím số
  • không thể đăng nhập
  • núi chuyển hướng tới trang 404
  • thanh tải mãi không kết thúc
  • người dùng quay về trang chủ trong khi muốn truy cập trang khác
  • ứng dụng không hoạt động ở chế độ máy bay
  • chạm nhưng không có tác động gì
  • mất âm thanh video
  • không thể tắt popup
  • trang bị đơ
  • tính năng tự động hoàn thiện không điền đủ thông tin
  • chỉ hiển thị có lỗi xảy ra nhưng không nói rõ, ví dụ “an error has occurred, please try again later”, thay vì “please enter a valid email address”
  • không thể phóng to, thu nhỏ trang
  • không thể đăng ký
  • thông tin địa lý không hoạt động hoặc sai
  • bộ lọc không hoạt động
  • mỏ neo sai
  • không thể viết trong trường điền văn bản
  • thông tin cũ (với sản phẩm)

Lỗi đồ họa (Graphical Bug)

Đây là lỗi tĩnh, liên quan tới giao diện, dàn trang.

Ví dụ:

  • hình ảnh mờ
  • không cân xứng
  • giữa các yếu tố trên trang không đồng nhất, thiếu…
  • trường nằm ngoài vùng hiển thị của màn hình
  • hình ảnh, video méo mó
  • hình ảnh, văn bản, link… bị chèn lên nhau

Lỗi từ ngữ (Wording Bug)

Lỗi ngày thuộc về nội dung văn bản.

Ví dụ:

  • dịch dở
  • văn bản hiển thị khác so với bản mockup
  • kí tự đặc biệt không được mã hóa
  • lỗi chính tả, ngữ pháp
  • văn bản gây hiểu nhầm nghĩa
  • thiếu từ
  • từ viết thường và viết hoa không đồng nhất

Yếu tố con người (Ergonomics)

Các vấn đề này liên quan tới trải nghiệm người dùng, có thể là lỗi nhưng phần lớn chỉ là gợi ý.

Ví dụ:

  • click quá nhiều lần mới xem được sản phẩm
  • logo đặt ở vị trí không thích hợp
  • thanh điều hướng quá lớn
  • chữ quá nhỏ
  • chữ và nền không đủ đối lập, khó nhìn
  • trang không phản hồi khi dùng trên di động hay máy tính bảng
  • nút đặt ở vị trí không thích hợp
  • trường thông tin bắt buộc nên được nói rõ
  • thời gian tải trang không nên quá lâu
  • popin và popup nên có biểu tượng để tắt
  • hành động không thể thao tác lại nên có thông báo “bạn có chắc chắn muốn thực hiện?”
  • thao tác thành công nên có tin xác nhận “đã thành công”
  • xanh lá cây, cam, đỏ thường dùng với ý nghĩa thành công, cảnh báo, thất bại, các thông điệp đang truyền tải thì màu sắc sẽ được dùng kết hợp

Lỗi hoạt động (Performance Bug)

Lỗi này liên quan tới môi trường kỹ thuật.

Ví dụ:

  • thời gian tải trang lâu
  • trang hiển thị từng bit một
  • tải trang/tải bị gián đoạn
  • trang không xuất hiện khi quá trình tải trang đã hoàn thành
  • ứng dụng crash khi mở/ngẫu nhiên/khi thực hiện thao tác gì đó
  • video stream chất lượng xấu
  • không tải được hình ảnh

Phân loại lỗi theo tần suất

Tần suất là mức độ thường xuyên mà lỗi có thể lặp lại.

Luôn luôn

Phần nhiều lỗi sẽ lặp lại nhiều lần (cho tới khi bạn khắc phục) và điều này cũng tốt. Quy trình khiến lỗi lặp lại dễ phát hiện. Người phát triển sẽ hiểu nguồn gốc lỗi và biết mình nên kiểm tra từ đâu.

Ngẫu nhiên

Những lỗi này là khó nhằn nhất và nhiều khi khiến bạn phát điên (hoặc thích thú). Chúng đôi khi xảy ra và không biết được là xảy ra trong điều kiện nào. Cần kiên nhẫn kiểm tra từng bước để hiểu đươc lỗi này.

Một lần

Các lỗi này chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất, có thể đúng là lỗi thật nhưng điều kiện xảy ra lỗi cũng chỉ là bí ẩn. Thường quản lý sản phẩm sẽ không chú ý tới lỗi này.

Xem thêm:

Thứ Tư, 18/04/2018 14:58
31 👨 6.302
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản