Chuẩn bị cho tương lai

Dù chưa có văn phòng đại diện chính thức hay chi nhánh nhưng trong hai năm qua, các hãng sản xuất linh kiện máy tính đã công khai xuất hiện tại thị trường Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Bất kể ở hình thức nào, các hãng đều muốn khẳng định về chất lượng sản phẩm cũng như cam kết thực hiện các chế độ hậu mãi cho một thị trường sôi động...

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thiết bị, linh kiện hấp dẫn nhất. Theo Báo cáo toàn cảnh CNTT năm 2006, chỉ riêng giá trị nhập khẩu thiết bị, linh kiện CNTT đã vượt qua con số 1 tỷ đô-la Mỹ. Trong những linh kiện được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, được tiêu thụ nhiều nhất là CPU, mainboard, màn hình (CRT và LCD), RAM, ổ cứng, máy tính xách tay và các thiết bị ngoại vi...

Sức hút thị trường

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ tiêu dùng các sản phẩm CNTT nhưng công bằng mà nói, vì đánh giá cao sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam nên khi có sản phẩm mới, các hãng đều ưu tiên giới thiệu tại thị trường Việt Nam cùng lúc với những thị trường lớn trên thế giới.

Theo ghi nhận của các chuyên gia CNTT, hầu như khi có bất kỳ một sản phẩm mới nào, Intel cũng giới thiệu tại thị trường Việt Nam gần như cùng thời điểm với những thị trường quan trọng khác trên thế giới. HP, Epson, Canon... cũng đã có những chính sách ưu đãi quan trọng cho thị trường Việt Nam từ giá cả, chế độ bảo hành, hậu mãi... Họ luôn muốn sản phẩm của mình phải là sự lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng Việt Nam.

Chính vì sự hấp dẫn của thị trường đông dân, sức tiêu thụ còn lớn, mức thu nhập của người dân ngày càng tăng... này mà hầu như những tên tuổi lớn trong “làng” sản xuất linh kiện CNTT trên thế giới đều có mặt tại đây. CPU có Intel và AMD. Máy in có HP, Canon, Epson, Lexmark, Brother, Samsung... Mainboard có Asus, Gigabyte, MSI. Ổ cứng có Samsung, Seagate (vừa mua lại thương hiệu Maxtor), Western Digital, Hitachi... Máy tính xách tay trên thế giới xuất hiện nhãn hiệu nào, thị trường Việt Nam cũng có mặt nhãn hiệu đó bằng con đường nhập khẩu của các hãng và tự nhập khẩu của các đại lý. Màn hình cũng vậy, có gần 15 nhãn hiệu hiện đang có mặt tại Việt Nam (HP, Samsung, LG, AOL, Philips, Acer, Asus, Toshiba, Viewsonic...).

“Chúng tôi có mặt”

Nhiều nhà sản xuất linh kiện máy tính đã có một cái nhìn lạc quan về thị trường Việt Nam. (Ảnh chụp tại gian hàng máy tính Kim Ngân trong một hội chợ triển lãm tại TP.HCM).

Hiện nay có một số hãng có tên tuổi vẫn chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Với những công ty này, sản phẩm của họ xuất hiện trên thị trường thông qua một nhà phân phối được chỉ định. Sau khi nhập hàng, nhà phân phối tự làm giá theo mặt bằng chung của sản phẩm và chiến lược cạnh tranh cũng như tự đặt cho sản phẩm mình chịu trách nhiệm một chế độ bảo hành riêng.

Là hãng sản xuất mainboard có uy tín trên thế giới nhưng Gigabyte hiện vẫn chưa có văn phòng đại diện. Để “tăng cường” sự có mặt của mình, Gigabyte chỉ định Công ty Viễn Sơn làm nhà phân phối chính thức cũng như ủy nhiệm thành lập trung tâm bảo hành Gigabyte tại Việt Nam.

Dù người sử dụng máy tính từ lâu không còn xa lạ với mainboard MSI, nhưng gần đây, đại diện của MSI đã đến Việt Nam để chỉ định thêm nhà phân phối mới là FPT Distribution để phân phối hai sản phẩm chính là mainboard và card đồ họa. Trước đây đã có nhà phân phối sản phẩm MSI nhưng họ đã chịu nhiều sức ép từ những sản phẩm cùng loại của các thương hiệu khác, có nguy cơ thua xa về doanh thu cũng như những than phiền của người tiêu dùng về chất lượng bảo hành. Chính vì vậy mà MSI đã có mặt để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường... Việc tăng cường thêm nhà phân phối cũng nằm trong chiến lược kinh doanh của MSI tại Việt Nam. Việc chọn FPT Distribution làm nhà phân phối là muốn mở rộng thị phần và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Ông Henry Lu, Chủ tịch tập đoàn MSI, khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao thị trường Việt Nam. MSI đang từng bước cải thiện hình ảnh của mình ở thị trường tiềm năng này.”

Không chỉ MSI mà nhiều nhà sản xuất linh kiện CNTT cũng có một cái nhìn lạc quan về thị trường Việt Nam.

Hãng KYE với hai thương hiệu: Genius với các thiết bị ngoại vi (máy ảnh số, máy quay phim kỹ thuật số, bàn phím, chuột, webcam, gamepad...) và AOL cho sản phẩm màn hình LCD cũng vừa đến Việt Nam và chỉ định Công ty TIE làm nhà phân phối máy quay phim và chụp ảnh kỹ thuật số cá nhân và Công ty Silicom làm nhà phân phối thiết bị ngoại vi máy tính. Đồng thời, hãng này còn chỉ định Trung tâm Bảo hành FPT là địa chỉ bảo hành cho sản phẩm màn hình LCD tại Việt Nam.

Dù đã có Canon Việt Nam chuyên sản xuất máy in, nhưng để gia tăng hình ảnh về thiết bị giải trí và thị phần tại Việt Nam, Canon Singapore vừa xúc tiến thành lập trung tâm giải pháp hình ảnh Canon tại TP.HCM. Song song đó, Canon Singapore cũng đang có kế hoạch huấn luyện đội ngũ chuyên viên kỹ thuật của các nhà phân phối để làm tốt hơn công tác bảo hành. Ông Kazuto Ogawa, Chủ tịch Canon Singapore, cho biết : “Hiện nay, sản phẩm Canon tại Việt Nam đã được nhiều người biết đến. Mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu trong năm 2007 sẽ đạt doanh thu 50 triệu đô-la Mỹ và mở rộng địa bàn kinh doanh tại 64 tỉnh thành.”

Cũng trong thời gian gần đây, ông Don Kennedy, Phó chủ tịch Seagate Technology, cũng đã đến khảo sát tình hình thị trường ổ cứng của Việt Nam sau khi hãng này đã hoàn tất thủ tục mua lại thương hiệu ổ cứng Maxtor.

Một xu hướng mới đang dần hình thành: nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực CNTT sẽ “định cư” không thời hạn ở Việt Nam, bởi họ đã nhìn thấy một thị trường sôi động, hấp dẫn trong vài năm tới...

Thiện Vũ

Thứ Hai, 14/05/2007 09:06
31 👨 81
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp