Cáp quang biển đứt trung bình 10 lần/năm, mỗi lần kéo dài một tháng

Cục Viễn thông, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp mới đây đã công bố các số liệu quan trọng về tốc độ và chất lượng truy cập Internet tại Việt Nam tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021.

Theo đó, chất lượng và tốc độ Internet Việt Nam vẫn chưa được đảm bảo, để có thể đạt mục tiêu về hạ tầng số vào năm 2025 còn gặp nhiều thách thức. Về giá cả, Internet Việt Nam có mức giá trung bình thấp.

Chất lượng Internet Việt Nam cần cải thiện

Đại diện của Viettel Networks cho biết, trong 5 năm gần đây chỉ khoảng ¾ các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực được sử dụng cho chúng bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng.

Việt Nam hiện chỉ có 7 tuyến cáp quang biển nối với quốc tế, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (10 tuyến), Malaysia (22 tuyến) hay Singapore (30 tuyến). Đây là nguyên nhân khiến hạ tầng quốc tế phục vụ Internet cho người dùng Việt Nam thấp nhất trong khu vực.

Các nước có nhiều tuyến cáp quang quốc tế nhất thế giới. Ảnh: Viettel.
Các nước có nhiều tuyến cáp quang quốc tế nhất thế giới. Ảnh: Viettel.

Để đảm bảo chất lượng cho người dùng Internet trong nước, nhiều ý kiến đã được đưa ra như: đặt dung lượng dự phòng lớn hơn so với nhu cầu thông thường, đồng thời tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước, xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước để giúp giảm ảnh hưởng khi cáp quang bị đứt.

Theo số liệu của Ookla công bố vào tháng 9, Việt Nam xếp thứ 58/181 quốc gia về tốc độ trên Internet băng rộng cố định với 84,12 Mb/s tải xuống. Tốc độ mạng tại Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Trong khi đó, tốc độ Internet di động tại Việt Nam là 78,34 Mb/s tải xuống, xếp thứ 59/138 quốc gia khảo sát và vẫn đứng sau Singapore và Thái Lan.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, tốc độ mạng tại Việt Nam phải cải thiện rất nhiều mới có thể đạt được mục tiêu vào top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025.

Lưu lượng Internet Việt Nam tăng mạnh

Tại Việt Nam hiện có 89,42% thuê bao mạng di động sử dụng trên hạ tầng mạng 4G, mạng 3G là 10,05%, còn 5G chỉ chiếm 0,54%.

Tổng lưu lượng Internet băng rộng tại Việt Nam đã tăng tới 40%, từ tháng 2/2020-10/2021.

Theo số liệu của ITU được Cục Viễn thông dẫn lại, giá cước Internet băng rộng cố định tại Việt Nam trên bình quân thu nhập đầu người là 41%, ở mức thấp so với thế giới, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 71%. Trong khi đó, đơn giá Internet di động trên bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam bằng 1/3 trung bình thế giới.

Cục Viễn thông cho biết, 95,34% lượng thuê bao hiện nay sử dụng cáp quang, còn lại là sử dụng Internet băng rộng cố định được cung cấp qua hình thức xDSL và cáp truyền hình.

Mục tiêu của Bộ TTTT là Việt Nam sẽ lọt top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025. Để làm được điều đó, chúng ta phải đạt được tiêu chí mỗi người dân một smartphone, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang.

Thứ Năm, 16/12/2021 09:26
4,76 👨 4.953
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ