Các nhân vật quan trọng Yahoo lần lượt ra đi

Trong khoảng hơn hai năm trở lại đây những lãnh đạo cao cấp và nhân viên hàng đầu của Yahoo lũ lượt dứt áo ra đi. Chảy máu chất xám không còn là vấn nạn mà đã trở thành một cơn lũ quét tàn phá nguồn nhân lực của Yahoo.

Chảy máu chất xám không những khoét sâu khoét rộng thêm lỗ hổng trong nguồn nhân sự quản lý cấp cao mà còn làm dấy lên những lo ngại về tương lai của Yahoo cũng như những lãnh đạo còn lại của hãng này. Giám đốc điều hành Jerry Yang và Chủ tịch điều hành Susan L.Decker đang ngày một bị cô lập.

"Có thể nói đến thời điểm này, giới đầu tư tài chính Phố Wall đã gần như mất hết niềm tin vào Yahoo," ông Ross Sandler - chuyên gia tài chính của RBC Capital Markets - nhận định. "Đến cả những lãnh đạo cấp cao cũng đã mất hết niềm tin vào chiến lược phát triển của Yahoo, vào Chủ tịch Sue và Giám đốc điều hành Jerry."

Scott Kessler - một chuyên gia phân tích chứng khoán của Standard & Poor’s - cho rằng sở dĩ Jerry Yang được bầu vào chức Giám đốc điều hành Yahoo bởi mọi người tin rằng Jerry có khả năng giúp nhân viên của Yahoo lấy lại sự hứng thú trong công việc. "Nhưng có lẽ giờ đây mọi người đã hiểu rằng Jerry đã không thể được như mong đợi".

Không những thế mà hiện tại Jerry Yang và Yahoo còn phải đang phải chịu rất nhiều áp lực đến từ phía cổ đông số một của hãng Carl Icahn - người đã lên tiếng đòi "lật đổ" ban lãnh đạo hiện thời của hãng. Thậm chí đã có nguồn tin cho rằng Icahn "thề" quyết tâm "đuổi cổ" bằng được Jerry ra khỏi Yahoo.

Những người ra đi

Chỉ vài ngày sau khi Yahoo thông báo chấm dứt đàm phán sáp nhập với Microsoft và quay sang ký hợp đồng đối tác quảng cáo với Google, đã có tới ba phó chủ tịch điều hành, hai phó chủ tịch cao cấp cùng hàng loạt nhân viên tài năng tuyên bố ý định rời bỏ công ty.

Theo một số nguồn thông tin nội bộ, ngoài những cái tên trên đây còn có 3 lãnh đạo cấp cao khác - gồm Qi Lu, Brad Garlinghouse và Vish Makhijani - cũng đã "đăng ký ra đi". Ba cái tên này được nhắc đến bởi đây đều là những con người điều hành những bộ phận tối quan trọng trong toàn bộ công việc kinh doanh của Yahoo.

Trong số này, có lẽ Brad Garlinghouse là được biết đến nhiều nhất không chỉ ở trong và cả ở ngoài Yahoo. Garlinghouse hiện đang đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch phụ trách bộ phận truyền thông và cộng động - bộ phận quản lý hai dịch vụ "sống còn" của Yahoo như Yahoo Mail, Yahoo Messenger, Yahoo Groups, Flickr ...

Ông Makhijani hiện đang là Phó chủ tịch phụ trách bộ phận dịch vụ tìm kiếm. Theo một nguồn tin thân cận, ông này sẽ rời Yahoo để chuyển sang làm việc cho Yandex - công cụ tìm kiếm Internet hàng đầu ở Nga.

Ngay sau khi Garlinghouse và Makhijani tuyên bố ý định rời nhiệm sở thì lãnh đạo trực tiếp cấp trên của hai ông là Jeff Weiner - Phó chủ tịch điều hành bộ phận hệ thống mạng của Yahoo cũng đệ đơn xin từ chức nhằm dành thời gian cống hiến cho hai quỹ đầu tư.

Cùng lúc đó, Usama Fayyad - Giám đốc dữ liệu kiêm Phó chủ tịch điều hành tổ chức nghiên cứu của Yahoo - cũng đã ngỏ lời muốn được ra ngoài làm.

Có lẽ sự ra đi gây cho Yahoo nhiều "tiếc nuối" nhất chính là sự ra đi của Qi Lu - Phó chủ tịch điều hành Bộ phận công nghệ tìm kiếm và quảng cáo. Quyết định của Lu đã để toàn bộ hệ thống cổng thông tin điện tử của Yahoo rơi vào trạng thái như "rắn mất đầu" đồng thời gây tác động không tốt tới một loạt các nhân viên cốt cán khác như Chuyên gia phát triển hệ thống mạng cao cấp Jeremy D. Zawodny, Caterina Fake và Stewart Butterfield - đôi vợ chồng đã xây dựng và phát triển nên dịch vụ chia sẻ ảnh số trực tuyến nổi tiếng Yahoo Flickr.

"Đây đều là những con người tài năng mà bất kỳ hãng nào cũng muốn có được," ông Christa Quarles - Chuyên gia phân tích của Thomas Weisel Partners - cho biết.

Hệ lụy từ cải tổ

Trích dẫn một nguồn tin giấu tên, tờ thời báo Phố Wall cho biết "cơn lũ chảy máu chất xám" ở Yahoo thực chất thực chất là hệ lụy tất yếu từ chiến lược cải tổ tái cơ cấu lại toàn bộ hãng rất được Chủ tịch điều hành Decker ủng hộ.

Hiện nay chi tiết chiến lược cải tổ vẫn chưa được tiết lộ theo tiết lộ của nguồn tin giấu tin trên đây thì Phó chủ tịch điều hành phụ trách giải pháp đối tác toàn cầu Hilary Schneider - người rất được bà Decker ủng hộ - tới đây sẽ được đưa lên nắm quyền cao hơn trong hãng.

Một lãnh đạo cao cấp của Yahoo nhận xét chiến lược cải tổ lần này là điều tồi tệ nhất mà lãnh đạo hãng có thể làm "trong tình thế bất ổn định như hiện nay. Cải tổ sẽ không đạt được gì ngoài việc khiến nhân viên Yahoo càng cảm thấy bất an và lo lắng về việc có thể bị sa thải".

Trong khi đó, Microsoft lại không hề giấu giếm cho rằng một trong những nguyên nhân khiến hãng này muốn có được Yahoo nhất chính là đội ngũ nhân viên đầy tài năng của hãng này. Giờ đây Microsoft hoàn toàn có thể hút "những người đã dứt áo ra đi" về với họ.

Mặc dù như thế nhưng Yahoo lại không hề cảm thấy lo ngại. "Chúng tôi vẫn đang có trong tay một lực lượng nhân viên tài năng rải khắp các bộ phận và chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyển dụng thêm các nhân sự tài giỏi khác."

Sức hấp dẫn từ các công ty nhỏ

Trao đổi với BusinessWeek, không ít lãnh đạo của Yahoo cho rằng hiện thời hãng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu sự lãnh đạo tập trung và thiếu khả năng điều hành dám chấp nhận nguy cơ tiềm tàng nhằm giữ vững một tốc độ phát triển nhanh và mạnh như tốc độ phát triển của mạng Internet.

Bản thân một lãnh đạo hãng cho biết ông ta đã cảm thấy quá mệt mỏi trước mô hình lãnh đạo của Yahoo, đặc biệt từ sau khi Jerry Yang quay trở lại đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành. Cụ thể, nếu như một nhân viên đưa ra một ý tưởng mới thì ý tưởng đó phải đi qua rất nhiều khâu kiểm duyệt khác nhau rồi mới quyết định có thực hiện hay không. Tình trạng này đã gây cản trở và "làm nhụt chí" không ít những con người đầy sáng tạo trong Yahoo.

Jeremy Zawodny - một chuyên gia cao cấp có thời gian làm việc rất lâu cho Yahoo - cho biết trước tình trạng đó các nhân viên mới thất được sự hấp dẫn đến từ các công ty nhỏ. "Ở một công ty nhỏ quy trình quản lý hoàn toàn có sự khác biệt. Khi có ý tưởng mới người ta có thể dễ dàng nói với nhau: "Hãy thử áp dụng ý tưởng mới này để xem phản ứng của khách hàng ra sao" chứ không phải mất nhiều thời gian như ở một công ty lớn như Yahoo."

"Thực chất đó là vấn đề tồn tại rất lâu ở các công ty lớn chứ không ở riêng Yahoo. Khi mà quy mô của công ty càng lớn thì người ta càng không thể phản ứng nhanh trước bất kỳ việc gì".

Thứ Năm, 03/07/2008 09:54
31 👨 237
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp