Các biện pháp tránh bị phần mềm gián điệp “úp sọt”

Theo đại diện của Hãng bảo mật Symantec, ngày càng có nhiều phần mềm gián điệp, quảng cáo hoạt động tinh vi, khiến người sử dụng Internet cảm thấy khó chịu và luôn phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi, đánh cắp dữ liệu.

Các biện pháp tránh bị phần mềm gián điệp “úp sọt”

Tại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật mới đây, Thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Viết Thế (Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công An) cho hay, năm 2011 Việt Nam ghi nhận 64,2 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus, 38.961 dòng virus xuất hiện mới.

Ông Effendy Ibrahim, Giám đốc Bộ phận Norton (Symantec khu vực châu Á) nói, phần mềm gián điệp thường khôn khéo thâm nhập vào máy tính và hoạt động ngầm. Chúng thu thập thông tin và giám sát hoạt động của người dùng trên máy tính như mật khẩu, tài khoản tín dụng, tài khoản Chat... và chuyển tới hacker.

Phần mềm quảng cáo thì hoạt động với mục đích hiển thị những nội dung quảng cáo trên máy tính của người dùng. Thông thường, phần mềm quảng cáo sẽ sử dụng cửa sổ pop-up nhằm gây sốc tới người dùng với các hình ảnh quảng cáo hoặc liên kết tới các website khác.

Lý giải về nguyên nhân lây nhiễm sang máy tính của người dùng, ông Effendy Ibrahim nhận định, những phần mềm này được cài đặt kèm theo những chương trình khác mà người dùng tải về từ trên mạng, nhất là những phần mềm miễn phí.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều phần mềm không mong muốn tìm mọi cách truy nhập vào máy tính khi người dùng lướt Web. Trong nhiều trường hợp, các phần mềm này xâm nhập vào máy tính người dùng khi họ vô tình nhấn vào một cửa sổ pop-up hoặc một hộp thoại giả mạo.

Ví dụ, có vài cửa sổ pop-up có chứa thông điệp mang tính “cấp bách” hoặc nội dung hấp dẫn người dùng. Đó có thể là một món quà miễn phí hoặc lời nhắn rằng bạn cần phải tải về một phần mềm để xem nội dung đầy đủ của trang Web. Các cửa sổ chứa thông điệp này thường hiển thị nội dụng với 2 lựa chọn “Có” hoặc “Không,” song nếu người dùng click vào bất kỳ lựa chọn nào thì nó cũng sẽ tự động tải về phần mềm gián điệp hoặc phần mềm quảng cáo lên máy tính.

Khi xâm nhập vào máy tính, bên cạnh sự khó chịu biểu hiện rõ ra bên ngoài cũng như việc ngấm ngầm theo dõi, ăn cắp dữ liệu của nạn nhân, phần mềm gián điệp và quảng cáo còn “chiếm dụng” tài nguyên của hệ thống máy tính, khiến máy tính bị ì ạch.

Để tránh các phần mềm nói trên, ông Effendy Ibrahim khuyến cáo người dùng cần lựa chọn cẩn thận những gì sẽ tải về máy tính. Thậm chí, cần đọc kỹ website của nhà sản xuất phần mềm để nắm bắt thông tin về họ cũng như công nghệ mình sẽ sử dụng.

Người dùng cũng cần đọc kỹ thỏa thuận sử dụng phần mềm và để ý thông tin liên quan tới bất kỳ hoạt động thu thập thông tin nào. Bởi nếu không đọc kỹ và vội vàng chấp nhận, rất có thể bạn đã chấp nhận cài đặt phần mềm gián điệp/ phần mềm quảng cáo khi sử dụng phần mềm miễn phí.

Bên cạnh đó, cần cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo về các công cụ chống phần mềm gián điệp. Những đơn vị cung cấp các công cụ này thường cho phép người dùng quét hệ thống miễn phí và sau đó chúng phát hiện hàng trăm chương trình gián điệp trên máy tính. Chúng sẽ ngay lập tức yêu cầu bạn mua sản phẩm, mà thực ra là sản phẩm ma.

Cuối cùng, người dùng phải cảnh giác trước những quảng cáo có yêu cầu click chuột và nên tránh xa chương trình này, đặc biệt là phần mềm miễn phí.

Thứ Hai, 16/04/2012 15:14
31 👨 363
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp