Bom nguyên tử và bom hydro (bom nhiệt hạch) là hai loại bom có sức công phá mạnh nhất hiện nay. Theo các chuyên gia, bom hydro có sức công phá mạnh hơn bom nguyên tử 1000 lần. Liệu điều này có đúng không?
Hãy thử so sánh để xem bom nguyên tử và bom hydro khác nhau như thế nào? Sức công phá của mỗi loại bom khủng khiếp ra sao nhé.
Bom nguyên tử
Con người đã được chứng kiến sức công phá khủng khiếp của bom nguyên tử khi Mỹ thả hai quả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản cướp đi sinh mạng của hơn 200 ngàn người.
Vụ nổ bom hạt nhân ở Nagasaki, Nhật Bản.
Bom nguyên tử tạo ra năng lượng công phá nhờ vào phản ứng phân hạch, đây là hiện tượng phân chia hạt nhân nguyên tử thành các nguyên tử khác nhỏ hơn. Đầu tiên, một nuetron - hạt trung hòa điện trong hạt nhân nguyên tử, va chạm với một hạt nhân plutoni hoặc urani, làm hạt nhân này vỡ ra thành các nguyên tố barium và krypton.
Quá trình này giải phóng năng lượng dưới dạng phóng xạ tia gamma, một số neutron và nhiệt. Các neutron được tạo ra lại tiếp tục lặp lại quá trình phân chia cho tới khi hết nhiên liệu phản ứng. Thời gian diễn ra phản ứng dây chuyền chỉ khoảng một phần triệu giây.
Một quả bom nguyên tử có sức công phá tương đương với 1.000 tấn cho tới vài trăm nghìn tấn thuốc nổ TNT.
Bom hydro (bom nhiệt hạch)
Bom hydro hoạt động dựa vào phản ứng tổng hợp hai hạt nhân nhẹ (hydro) thành một hạt nhân nặng hơn (heli). Chính phản ứng tổng hợp này đang diễn ra trên Mặt Trời và là nguyên nhân khiến nó sáng và có sức nóng kinh khủng.
Tuy nhiên, để tạo ra phản ứng tổng hợp này cần phải có một năng lượng rất lớn. Điều kiện này chỉ có một vụ nổ bom nguyên tử mới đáp ứng được. Do đó, cấu tạo của một quả bom hydro chính là một quả bom kép. Đầu tiên phải cho nổ bom nguyên tử để tạo điều kiện cho phản ứng nhiệt hạch xảy ra. Khi đó, hàng loạt các nguyên tử kết hợp lại với nhau, chuyển thành năng lượng có sức công phá kinh khủng hơn nhiều lần so với bom nguyên tử bình thường.
Bom hydro có sức hủy diệt vô cùng lớn. Năng lượng giải phóng ra từ một vụ nổ bom hydro có thể ngay lập tức phá hủy mọi thứ trong vòng bán kính vài km. Vụ nổ có thể tạo ra các cơn bão lửa; ánh sáng trắng cường độ cao có thể gây mù lòa; bụi phóng xạ và các sản phẩm phụ có thể đầu độc các sinh vật sống, gây ô nhiễm không khí, đất, và nguồn nước trong hàng trăm năm.