Bài học từ sự kiện CEO Twitter từ chức

Quản trị mạng - Vào đầu tháng 10 vừa qua, CEO Twitter - Evan Williams - đã có một bước đi dũng cảm khi từ chức Tổng giám đốc, chuyển xuống làm Giám đốc chiến lược sản phẩm, đồng thời đưa COO (Giám đốc điều hành) Dick Costolo lên thay thế.

Cựu COO của Twitter - Dick Costolo trước đây đã từng làm CEO một số công ty lớn và gặt hái được nhiều thành công. Thế nên, việc luân chuyển vị trí này có vẻ như là một bước đi hết sức hợp lý về mặt logic. Tuy nhiên, điều khiến chúng ta cảm thấy hơi khác thường đó là: Liệu có bao nhiêu vị lãnh đạo công ty thực sự sẵn sàng lùi bước, nhường vị trí cao nhất cho người khác, để chuyển sang một vị trí mới phù hợp với khả năng thiên bẩm của mình hơn?

Dưới đây là một đoạn trích từ bài blog do Williams viết về sự thay đổi:

“Những thách thức đến từ việc tăng trưởng quá nhanh nhiều vô kể. Bản thân tăng trưởng không đồng nghĩa với thành công. Thành công đối với chúng tôi có nghĩa là phải biến tiềm năng đang có trở thành lợi nhuận mà vẫn giữ được bản sắc và người dùng ở vị trí trọng tâm, đồng thời tiếp tục gây ảnh hưởng tích cực trên toàn thế giới. Nhiệm vụ này không hề đơn giản. Chỉ có sự ủng hộ của toàn bộ thành viên trên Twitter mới có thể đưa chúng tôi đến thành công.

Tôi cảm thấy rất hài lòng khi được tự mình định hướng sản phẩm. Xây dựng sản phẩm là niềm đam mê của tôi, và tôi chưa bao giờ cảm thấy phấn khích hơn, lạc quan hơn về những gì chúng tôi đã dựng nên cho tới lúc này.”

Cựu CEO Twitter Evan Williams. Ảnh: David Paul Morris/Getty Images

Dường như Williams rất hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bản thân trong một công ty đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong suốt ba năm qua. Nếu bạn là lãnh đạo của một công ty tăng trưởng vũ bão như trường hợp của Twitter, liệu bạn có sẵn sàng từ bỏ quyền hành, từ bỏ tầm ảnh hưởng của một CEO dù đã có nhiều kinh nghiệm điều hành, giống như điều mà Williams đã làm?

Sau bước chuyển đổi, Costolo sẽ phải chứng minh mình là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có khả năng thực hiện nhiệm vụ biến tiềm năng của Twitter thành lợi nhuận. Về phía ngược lại, Williams sẽ được thỏa sức phát huy sự sáng tạo mà không gặp phải những rào cản, vướng mắc khó tránh khỏi trên con đường mà công ty đang hướng tới.

Có thể các bạn sẽ băn khoăn: Liệu Williams có chấp nhận sự chỉ đạo của Costolo hay bất kỳ vị lãnh đạo nào khác của Twitter khi đã từng tuyên bố công khai rằng muốn làm việc độc lập chứ không muốn hợp tác với ai khác? Thắc mắc này đã được chính Williams lý giải trong bài trả lời phỏng vấn gần đây trên tờ The New York Times:

“Tôi có một niềm khát khao mãnh liệt đó là được sáng tạo, được tự mình tạo ra mọi thứ và chứng tỏ bản thân. Đó là nguyên nhân khiến tôi chối bỏ quyền hành, nhưng không phải theo cách nổi loạn. Tôi chỉ muốn thể hiện mình bằng việc tự làm lấy mọi thứ.”

Williams cũng mô tả Twitter như một cậu học sinh cấp 3 cao lớn nhưng “thiếu sự chín chắn của một người trưởng thành ngoại trừ dáng vẻ bên ngoài và sự nhận thức từ những người xung quanh”. Chúng ta rất hiếm khi nghe được những nhận xét chân thật đó từ các vị lãnh đạo của Oracle hay IBM, nhưng nếu nó xuất phát từ một người đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng của Twitter trong suốt quá trình phát triển như Williams thì có thể hiểu được.

Thêm một thắc mắc nữa: Liệu hành động từ chức có mở rộng cánh cửa để Williams chuyển sang một công ty khác? Liệu bước lùi đột ngột này có phải là một dấu hiệu? Nếu nhìn từ khía cạnh tính cách và con người, có lẽ thật khó xảy ra trường hợp Williams rời khỏi Twitter.

Điều cuối cùng, có lẽ hơn ai hết, Williams hiểu rằng bản thân mình không phù hợp với công việc đưa Twitter lên một nấc thang mới trên con đường phát triển. Sự dũng cảm khi công khai thừa nhận điều đó của Williams là bài học lớn đối với các vị lãnh đạo khi muốn đem lại những điều tốt đẹp hơn cho công ty.

Thứ Tư, 03/11/2010 13:29
31 👨 397
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp