2009 - Năm chật vật của viễn thông thế giới

Việc Nortel nộp đơn xin phá sản báo hiệu một năm 2009 không mấy sáng sủa cho các nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.

Không có nhu cầu nâng cấp mạng lưới

Một số nhà phân tích cho rằng, các khách hàng của Nortel bắt đầu đánh mất niềm tin vào công ty này. Từ ngày 1/7-30/9, doanh thu Nortel giảm 14% và họ “đạt kỷ lục” thua lỗ ròng 3, 4 tỷ USD.

Richard Nespola, Giám đốc điều hành của TMNG, một hãng tư vấn chuyên cung cấp dịch vụ cho các hãng viễn thông di động và cố định hàng đầu thế giới, nói: “Khách hàng cần biết rằng đối tác mà họ đang hợp tác có tầm quan trọng không nhỏ với họ. Không may mắn là tương lai của Nortel không sáng sủa lắm”.

Vittorio Colao, Giám đốc điều hành của Vodafone, hãng cung cấp dịch vụ di động lớn nhất thế giới về doanh thu, cho biết các mạng lưới của hãng ở châu âu còn lâu mới quá tải, ngay cả khi khách hàng dùng những mẫu máy điện thoại cao cấp để lướt web và dùng các hoạt động cần nhiều băng tần. Hiện các mạng lưới của hãng mới chỉ vận hành 32% công suất. Có vẻ như Vittorio Colao muốn gợi ý rằng Vodafone có rất ít nhu cầu, thậm chí không cần nâng cấp mạng lưới vẫn có thể cung cấp các dịch vụ kết nối trực tuyến tốc độ cao, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái khiến khách hàng của họ chi ít tiền hơn cho những mẫu máy có khả năng lướt web.

Quan điểm của Vodafone dường như phản ánh suy nghĩ của nhiều hãng dịch vụ viễn thông di động và cố định, hy vọng vào những hợp đồng ở các thị trường đang nổi sẽ tiếp tục phát triển, để “át vía” dự báo khách hàng tại các thị trường phương Tây cắt giảm mạnh đầu tư.

“Người hùng” gặp khó

Nortel từng là một trong những hãng có công nghệ hùng mạnh của Canada, trụ sở tại Toronto, đã sụt giảm nghiêm trọng trong thập kỷ qua do những sai lầm trong điều hành và vụ scandal kiểm toán.

Mike Zafirovski, Giám đốc điều hành của Nortel từ năm 2005, đã tìm mọi cách để cải thiện con số lợi nhuận của công ty thông qua một loạt chương trình cắt giảm. Tuy nhiên, chiến lược di động của Nortel ngày càng có vẻ bị xáo trộn.

Năm 2006, Nortel bán đi đơn vị kinh doanh mạng lưới di động thế hệ thứ 3 dựa trên công nghệ WCDMA cho Alcatel -Lucent. Công nghệ này hiện là nền tảng 3G phổ biến nhất thế giới. Nortel đã bị bỏ lại phía sau với công nghệ 3G mang tên CDMA 2000. Công nghệ CDMA 2000 của Nortel chỉ được 2 trong số 4 hãng viễn thông hàng đầu nước Mỹ sử dụng.

Hồi tháng 7 vừa qua, Nortel tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực nghiên cứu LTE, một công nghệ thế hệ thứ 4 (4G). Trước đó, Nortel tập trung mạnh vào Wimax, một công nghệ 4G khác có vẻ ít phổ biến hơn LTE.

Ngày 30/9, Nortel báo cáo thua lỗ 3, 6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2008. Trong khi Nortel sẽ phải vận hành mà công ty không còn tiền mặt trong năm 2009, Nikos Theodosopoulos, một nhà phân tích của hãng UBS, nói Nortel nên đệ đơn xin phá sản.

Sớm đệ đơn phá sản với một ít tiền mặt trong tay sẽ cho phép công ty tái đầu tư và hoạt động”, ông nói. “Chỉ khi Nortel có thể nâng doanh thu mạnh mẽ trong năm 2009, hoặc nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Canada, nếu không, nguy cơ phá sản ngày càng lớn”.

Tình hình u ám của Nortel không phải là duy nhất. Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông phương Tây cũng chịu “chung số phận” trong 2 năm qua, một phần vì các đối thủ Trung Quốc tung ra nhiều hợp đồng giảm giá hấp dẫn các khách hàng mới.

Hãng Huawei Technologies của Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp mạng lưới di động lớn thứ 3 thế giới trong năm 2008. Họ đã chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Tuy vậy, các hợp đồng cung cấp thiết bị mạng lưới viễn thông của hãng này cũng bắt đầu giảm.

Andy Perkins, nhà phân tích của hãng Société Générale, đã chỉ ra rằng các hợp đồng mạng lưới di động (của thế giới hay của hãng Huawei) chỉ có giá trị 2 tỷ USD trong 3 tháng qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái những hợp đồng này có giá trị 7, 7 tỷ USD.

Ông nói dự báo tăng trưởng tại một số thị trường đang có chiều đi xuống do cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty viễn thông.

Sản xuất thiết bị viễn thông: Thua lỗ kỷ lục

Tình hình kinh doanh èo uột của Ericsson, nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, đã cho thấy phần nào sự khó khăn của các hãng sản xuất thiết bị viễn thông phương Tây khi muốn cải thiện lợi nhuận.

Ericsson đã khiến các nhà đầu tư sốc với những khuyến cáo về lợi nhuận từ hồi tháng 10 năm ngoái, bởi các khách hàng viễn thông ở châu âu và Mỹ không còn đặt hàng với công ty Thụy Điển để nâng cấp mạng lưới. Tỷ lệ lợi nhuận tác nghiệp của Ericsson giảm từ mức 20,1% năm 2006 xuống còn 16% năm 2007, do thiếu các hợp đồng nâng cấp mạng lưới. Trong 9 tháng đầu năm 2008, tỷ suất lợi nhuận lại giảm xuống mức 10,3%.

Hãng Alcatel của Pháp và Lucent của Mỹ đã chính thức sáp nhập năm 2006 với mục đích nâng cao lợi nhuận của công ty kết hợp, nhưng cho đến nay vẫn chưa chứng minh được thành công. Năm 2007, Alcatel-Lucent báo cáo thua lỗ ròng 3, 5 tỷ euro (4, 9 tỷ USD). Trong 9 tháng đầu năm 2008, hãng “đạt kỷ lục” thua lỗ sau khi phải chi phí tái cơ cấu 1, 5 tỷ euro. Tháng 12, công ty đã phải vạch ra kế hoạch cắt giảm chi phí mạnh mẽ.

Còn Nokia Siemens Networks, nhà sản xuất thiết bị do hãng Nokia (Phần Lan) điều hành, cũng báo cáo mức thua lỗ kỷ lục 122 triệu euro trong 9 tháng đầu năm 2008, sau khi mất khoản tiền tái cơ cấu 1, 3 tỷ euro trong năm 2007.

Thứ Hai, 19/01/2009 07:55
31 👨 175
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp