10 lý do Google phải lo lắng cho Android

Android luôn là mục tiêu trong nhiều vụ kiện liên quan tới Oracle, Microsoft, Barnes & Noble, Apple. Theo đơn kiện, Android vi phạm bằng sáng chế họ nắm giữ, và muốn Google nộp phí sử dụng bằng sáng chế hoặc ngừng bán các sản phẩm.

10 lý do Google phải lo lắng cho Android

Khi nhắc tới thị trường điện thoại di động, người ta thường dành nhiều quan tâm tới những thành công gần đây của Google Android cũng như sự phổ biến không ngừng của Apple iOS. Cả hai nền tảng đều đang xuất hiện trong những thiết bị xuất sắc, và phần đông người dùng khắp thế giới đều xem chúng như những lựa chọn để thay đổi đáng giá nhất. Tuy nhiên, đằng sau thành công của những hệ điều hành này, một số lượng lớn các vụ kiện bằng sáng chế cũng đang trở thành vũ khí của mọi công ty lớn nhỏ, với hi vọng giành được thị phần lớn hơn và thu về thêm hàng tỉ USD mỗi năm.

Về phần mình, Google thường than phiền về những tranh chấp, đang cản trở đổi mới trên thị trường và làm tổn thương khách hàng. Tuy nhiên, hãng cũng đang tiến hành mua bán bằng sáng chế liên quan tới lĩnh vực của mình. Mùa hè năm nay, Google đã dành 1,2 tỉ USD để mua lại Motorola Mobility trong nỗ lực phòng thủ cho danh mục bằng sáng chế của mình. Ngoài ra, trong tháng 7 và tháng 9/2011, Google đã mua lần lượt 1030 và 1023 bằng sáng chế từ công ty máy tính IBM.

Mọi động thái này đều làm sáng tỏ nỗi lo lắng của Google về vấn đề bản quyền. Đây hoàn toàn không phải “lo lắng suông”. 10 lí do sau đây có thể cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về nỗi lo của Google.

1. Danh mục sáng chế của Google còn hạn chế

Vấn đề lớn nhất đối với Google hiện nay chính là danh mục bằng sáng chế của Google quá khiêm tốn so với các đối thủ lớn khác. Điều đó lí giải tại sao tiếng nói của Google trong các vụ tranh chấp đang diễn ra không có trọng lượng, và tại sao hãng phải mua nhiều bằng sáng chế từ IBM tới vậy. Nếu Google có được danh mục sáng chế mạnh hơn, vị trí của hãng hẳn đã rất khác.

2. Tranh chấp mọi nơi

Hệ điều hành Android của Google bị Microsoft, Apple, và các hãng khác tấn công ở mọi phương diện. Một số nhà sản xuất thiết bị Android như HTC, Acer, View Sonic… đều phải trả khoản phí theo thỏa thuận cho Microsoft hay những vụ tranh chấp liên miên giữa Apple và các hãng Samsung, HTC khắp các khu vực trên thế giới. Và Google, với danh mục bằng sáng chế mong manh như đã nhắc ở trên, không hề mong muốn điều này.

3. Android đang bị tấn công

Một điều “kì dị” về các tranh chấp pháp lí mà Google vướng phải chính là hãng công nghệ này không phải mục tiêu trực tiếp của kiện tụng. Chỉ duy nhất Oracle kiện trực tiếp Google, còn lại đều nhắm vào Android. Nếu Apple tiếp tục thắng kiện tại châu Âu, nhiều khả năng nó sẽ trở thành tiền lệ cho các vụ án tiếp theo. Nói cách khác, khả năng phòng thủ của Android vẫn đang được tăng cường, nhưng vài tháng sau mọi chuyện rất có thể sẽ thay đổi, và khiến Google lo lắng.

4. Vấn đề sinh tồn

Dù các vụ kiện bản quyền bị chỉ trích là không có lợi cho bất kì ai – cả người dùng lẫn công ty – nhưng vẫn tồn tại như sự thật hiển nhiên. Quyết định của tòa án dù thế nào cũng gây ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới di động. Càng ngày, càng có nhiều công ty xem kiện bản quyền là vũ khí của mình. Nếu Google và các đối tác sản xuất Android thất bại, không ai nói trước được tương lai của họ sẽ ra sao. Nhìn từ quan điểm này, phòng thủ mạnh mẽ trong các vụ kiện là vấn đề sống còn của Google.

5. Apple sở hữu danh mục bằng sáng chế mạnh

Apple có lẽ là công ty sở hữu danh mục bằng sáng chế mạnh nhất trong giới kinh doanh. Trong vài năm gần đây, công ty liên tiếp xin cấp phép bằng sáng chế với tốc độ gây sửng sốt (tháng 7/2011, Appe nhận bằng sáng chế quan trọng về công nghệ cảm ứng đa điểm trên màn hình điện dung mà nếu thiếu công nghệ này, khó có thể xây dựng smartphone có khả năng cạnh tranh). Apple lại chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Google trong lĩnh vực di động, và hiển nhiên Google lại phải lo lắng về vấn đề này.

6. Sự góp mặt của Microsoft

Microsoft cũng là đối thủ lớn của Google trên thị trường di động. Hai công ty đều cố gắng lôi kéo các nhà sản xuất với sản phẩm hệ điều hành của mình. Hiện tại, Microsoft đang nhắm tới một số nhà sản xuất Android chủ yếu, bắt họ trả phí cho mỗi thiết bị bán ra (HTC, Views Sonic…). Nếu Microsoft tiếp tục bắt vạ thành công, đây có thể là cách tốt nhất để hãng kiếm lời lớn từ thị trường di động.

7. Mối quan hệ với các nhà sản xuất

Đối tác sản xuất Android của Google đều đang phải hứng chịu hậu quả từ các vụ kiện bản quyền. Hiện nay, các công ty vẫn vững vàng và đấu tranh chống lại các tranh chấp. Tuy nhiên, bao lâu nữa thì kiện tụng mới chấm dứt? Thành công của Android liên quan trực tiếp tới các nhà sản xuất đang hỗ trợ hệ điều hành này. Nếu các hãng sản xuất quyết định loại bỏ Android vì e ngại tiếp tục bị tấn công bởi kiện tụng, Google sẽ lâm vào rắc rối lớn.

8. Cản trở sự đổi mới

Google đã đúng khi nói tranh chấp bản quyền sẽ kìm nén đổi mới trên thị trường. Mọi công ty lớn nhỏ đều sở hữu danh mục bằng sáng chế nhất định, và có lẽ không được cấp phép. Chính những công ty này sẽ bị hạ gục nếu chủ nhân thực sự của các bằng sáng chế này đâm đơn kiện. Tranh chấp bản quyền ở mức độ nào đó là hợp lí, nhưng trong trường hợp này, đã kìm hãm thị trường.

9. Tương lai nhiều nghi ngờ

Không ai biết thị trường di động sẽ ra sao. Tranh chấp bản quyền có tiếp diễn? Google có dùng Motorola Mobility để kết thúc chúng? Bản thân Google có xoay ra kiện các hãng khác? Trong năm tới, theo lịch trình, nhiều vụ kiện lớn sẽ được giải quyết. Khi chúng xảy ra, bộ mặt của thị trường di động tất yếu sẽ thay đổi.

10. Không gì có thể ngăn cản tranh chấp

Danh mục đầu tư của hãng khá yếu, và cho tới khi giành quyền kiểm soát hoàn toàn 17.000 bằng sáng chế của Motorola Mobility, hãng vẫn cần phải chờ đợi. Nhưng thậm chí sau này, Google cũng khó ngăn chặn các vụ tranh chấp bản quyền. Ngày nay, nộp đơn kiện là điều dễ dàng, các đối thủ của hãng thừa tiền để theo đuổi kiện tụng. Và đó là vấn đề thực sự.

Thứ Hai, 19/09/2011 10:56
11 👨 226
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp