Viettel “nhảy” vào lĩnh vực truyền hình trả tiền

Viettel đang rốt ráo lên kế hoạch cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc trong năm 2012. Nhiều người đang kỳ vọng Viettel sẽ là nhân tố làm bùng nổ thị trường này giống như thị trường di động trong những năm qua.

Dịch vụ truyền hình vệ tinh K+ sẽ là đối thủ đáng gờm của Viettel trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Dịch vụ truyền hình vệ tinh K+ sẽ là đối thủ đáng gờm của Viettel trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Viettel có khiến truyền hình cáp bùng nổ?

Mới đây, Viettel tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền trong năm 2012. Một trong những lý do khiến Tập đoàn này muốn chuyển sang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là mảng dịch vụ di động sắp bão hòa nên khó tăng mạnh doanh thu, trong khi đó tham vọng của Viettel rất lớn. Việc “lấn sân” sang lĩnh vực truyền hình giúp Viettel có thể mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng đã cảm thấy “chật chội” nên phải “lấn sân” sang dịch vụ truyền hình trả tiền. “Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp...). Với con số này, mật độ thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam còn thấp so với các nước. Từ năm 2012 sẽ có nhiều DN tham gia vào sân chơi này tạo đột phá lớn cho truyền hình trả tiền".

Nhiều người kỳ vọng những gì Viettel đã thể hiện ở dịch vụ di động có thể được mang sang để làm bùng nổ thị trường truyền hình cáp, đặc biệt là vùng nông thôn. Tất nhiên, di động và truyền hình cáp có những đặc điểm khác nhau và cần có cách làm khác nhau để tạo nên sự bùng nổ nhưng vẫn phải đảm bảo trên hai nền tảng chính là giá và chất lượng dịch vụ. Giới chuyên môn cho rằng, điểm mạnh nhất hiện nay của Viettel mà các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác không có được đó là hạ tầng truyền dẫn băng rộng đã kết nối đến tận xã. Đây là yếu tố cực kỳ thuận lợi để nhà cung cấp này có thể lập tức phủ kín dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, khi Viettel đã tiếp cận lớp khách hàng này sẽ đem lại lợi thế quy mô để cung cấp các loại dịch vụ theo kiểu “All in one” (tất cả dịch vụ kết nối trên một đường dây đến nhà thuê bao). Hơn nữa, việc Viettel đang là nhà cung cấp dịch vụ có số lượng thuê bao ĐTDĐ, điện thoại cố định và Internet khá lớn, có thương hiệu mạnh sẽ là bước khởi đầu tốt để Viettel tiếp cận lớp khách hàng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Thách thức nào cho Viettel?

Cho dù Viettel đang là số 1 về hạ tầng truyền dẫn nhưng lại là “lính mới” trong việc sản xuất nội dung - một yếu tố then chốt cho việc “câu” thuê bao truyền hình trả tiền. Trong khi đó, những đại gia như HTV, VTV… đã có thâm niên trong lĩnh vực này. Đây thực sự là thách thức đối với Viettel. Những động thái của Viettel gần đây cho thấy nhà cung cấp này đang chuẩn bị thiết lập hệ thống sản xuất nội dung cho mình. Có ý kiến cho rằng, hiện Viettel ở thế “lắm tiền nhiều của” so với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, vì vậy chắc chắn Viettel có nhiều ưu thế hơn trong các cuộc chạy đua để có bản quyền truyền hình quốc tế trong các lĩnh vực giải trí như bóng đá…

Cũng giống như khi xâm nhập thị trường viễn thông, khi bước chân vào thị trường truyền hình trả tiền, Viettel phải thi đấu với rất nhiều “đại gia”. Với mảng viễn thông, Viettel chỉ "đấu" với những doanh nghiệp dù to lớn nhưng lại chưa quen với thị trường cạnh tranh. Thế nhưng, dịch vụ truyền hình trả tiền lại có sự góp mặt của nhiều "anh hào": đơn vị nhà nước như VTV, nước ngoài như K+ và kể cả tư nhân như AVG.

Động thái gần đây của K+ là giảm giá cước và tăng số kênh dường như để đối phó với tình hình cạnh tranh mới trong năm 2012. Trong khi đó, đối thủ được đánh giá có sức mạnh cạnh tranh lớn là AVG cũng công bố trong 2 triệu thuê bao đầu tiên hoặc 2 năm kể từ ngày cung cấp dịch vụ sẽ tung ra 3 gói cước “giá mềm” là 33.000, 66.000 và 88.000 đồng/tháng, đây là mức giá rất bình dân. Đại diện AVG khẳng định, AVG sẽ cung cấp thiết bị thu sóng cho các khách hàng sử dụng hai gói kênh “Như ý” và “Cao cấp”, vì thế khách hàng không phải lo ngại sẽ bị thiệt vì thay đổi thiết bị thu sóng từ phía AVG.

Trước tình hình này, Viettel chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu không có mức giá hấp dẫn khách hàng so với các nhà cung cấp khác khi cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Giới phân tích cho rằng, dịch vụ truyền hình trả tiền chủ yếu vẫn là truyền hình cáp và mới chỉ phủ sóng được ở những thành phố lớn. Còn rất nhiềm "điểm trắng" mà dịch vụ truyền hình trả tiền chưa với tới. Theo số liệu của Cục PTTH-TTĐT (Bộ TT&TT), số lượng thuê bao truyền hình cáp đã tăng gấp 20 lần so với con số 80.000 kể từ tháng 9/2003. Nhiều nhất là TP.HCM với trên 1 triệu thuê bao, tiếp đó là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Về lý thuyết, tại bất kỳ điểm nào ở Việt Nam, người dân cũng có thể được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bằng các công nghệ truyền dẫn khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế dịch vụ truyền hình trả tiền mới chủ yếu phục vụ cư dân thành thị.
Thứ Hai, 06/02/2012 10:55
51 👨 279
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp