Việt Nam phấn đấu trở thành nước xuất khẩu phần mềm lớn thứ 3 thế giới

Ngày 17/10/2008, bên lề Triển lãm Quốc tế Phần mềm và Giải trí điện tử (ISGAF 2008), Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) đã tổ chức 2 hội thảo: “Gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam - Vietnam Outsourcing 2008” và “Phát triển công nghiệp Nội dung số Việt Nam”. Tham dự hội thảo ngoài đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành liên quan, còn có gần 100 doanh nghiệp phần mềm và nội dung số của Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo đánh giá của VINASA, liên tục nhiều năm qua hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đã tăng đều đặn trên dưới 50% một năm. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp phần mềm tham gia vào hoạt động này, trong đó có nhiều doanh nghiệp chuyển hẳn toàn bộ hoạt động sang gia công xuất khẩu phần mềm. Doanh thu trong năm 2007 đạt mức 498 triệu USD một bước tăng trưởng ấn tượng khi năm 2003 con số này mới chỉ là 100 triệu USD.

Các Hội thảo về phần mềm và nội dung số trong khuôn khổ ISGAF 2008.
Thị trường của các doanh nghiệp gia công cũng đã được mở rộng nhanh chóng, có những thị trường mà Việt Nam đã phát triển trở thành nhà cũng cấp số 1 như Nhật Bản. Dù có rất nhiều khó khăn và thách thức trong sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu phần mềm lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện công nghiệp phần mềm và Nội dung số, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu năm 2007 đã vượt qua con số 120 triệu USD, đây là một con số không nhỏ vì nếu xét về lượng giá trị gia tăng thu về cho Việt Nam thì 1 USD gia công xuất khẩu phần mềm có thể tương đương 5 - 7 USD xuất khẩu hàng dệt, may. Quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng gia công xuất khẩu phần mềm của nước ta đạt tới mức 40-50%/năm, đồng thời mức “cầu” từ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn luôn vượt xa khả năng “cung” của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo ông Minh, Bắc Mỹ là thị trường truyền thống của các doanh nghiệp phần mềm phía Nam, nhưng Nhật Bản đang nổi lên thị trường lớn nhất và tăng trưởng cao nhất của Việt Nam, đang hấp dẫn nhiều doanh nghiệp phía Bắc tham gia. Bên cạnh đó, cơ hội thâm nhập thị trường châu Âu đang mở ra cho những năm tới, với sự khuyến khích và hỗ trợ đến từ chính sách của các nước Bắc Âu.

Tại Hội thảo Vietnam Outsourcing 2008, các doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty hàng đầu như Harvey Nash, CMC, Global CyberSoft, Luxoft đã có những tham luận thẳng thắn chỉ ra những khó khăn cũng như chia sẻ những kinh nghiệm thành công của riêng mình. Khó khăn chung lớn nhất được các doanh nghiệp chia sẻ vẫn nằm trong vấn đề nguồn nhân lực, tình trạng nhân lực thiếu và trình độ được đào tạo không phù hợp xuất hiện ở tất cả các doanh nghiệp.

Tổng thư ký VINASA – ông Phạm Tấn Công cho biết, về định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới của Outsourcing Việt Nam là phải “tập trung đột phá cho được bài toán nhân lực và nâng cao đẳng cấp chất xám trong hoạt động outsourcing”, đồng thời áp dụng chiến lược về thị trường là “khai phá châu Âu, khoan sâu Mỹ - Nhật”.

Tại Hội thảo Phát triển công nghiệp Nội dung thông tin số, đã có các nhận định, công nghiệp nội dung số (DCI) đã bùng nổ và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong vòng 5 năm lại đây. Trong lĩnh vực DCI, công nghiệp game, nhất là game online là lĩnh vực đem lại doanh số lớn. Doanh thu ngành game online của thế giới năm 2002 là 875 triệu USD và dự kiến đạt 5 tỷ USD vào năm 2008. Việt Nam có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp trò chơi điện tử. Tính đến nay có khoảng 16 game online đang được tung ra thị trường Việt Nam và có khoảng trên 10 triệu người chơi game. Thị trường Game Việt Nam rất sôi động, nhưng các game được ưa chuộng chủ yếu vẫn của Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ngoài game, các lĩnh vực khác của ngành nội dung số cũng bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam, chủ yếu là các dịch vụ gia tăng trên Internet và qua mạng thông tin di động. Tính chung ngành game và nội dung thông tin số tại Việt Nam năm 2007 đã có trên 32.000 lao động và đạt 180 triệu USD doanh thu, tăng trưởng tới 58% so với năm 2006. Tham luận tại hội thảo, lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành như Vina Game, FPT online, VDC, Glasseggs… đã thẳng thắng kiến nghị về những khó khăn trong hành lang pháp lý, chính sách thuế… mà các doanh nghiệp đang mắc phải, kể cả một số bất cập về chính sách đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Dự Hội thảo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang tích cực nghiên cứu các vấn đề về chính sách để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, đảm bảo sự tăng trưởng cao của ngành để đến 2010 đạt doanh thu 400 triệu USD như mục tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt.

Chủ Nhật, 19/10/2008 09:33
31 👨 356
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp