Dự án nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than đang được xây dựng trên sông Kim Sa, một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, khi hoàn thành sẽ cho công suất lắp đặt lên tới 16 triệu kW, được cho là công trình thủy điện lớn thứ hai thế giới, sau nhà máy Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc.
Đập Bạch Hạc Than là một đập vòm cong cao 277m với độ cao đỉnh là 827m, chiều rộng ở chân đế là 72m và ở đỉnh là 13m. Sau khi hoàn thành, con đập khổng lồ này có thể quản lý lưu vực rộng 430.000km2, tức 91% lưu vực sông Kim Sa.
Bê tông là thành phần chính của con đập, được trộn từ đá, cát và vật liệu kết dính (thường là xi măng và tro than bột). Tro than bột có thể làm giảm nhiệt sinh ra do xi măng phản ứng với nước giúp làm tăng chất lượng của bê tông.
Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than sẽ sử dụng 16 turbine. Công suất phát của mỗi turbine là 1.000 MW. Theo dự kiến, nhà máy thủy điện này sẽ đạt sản lượng điện hơn 60 tỉ kWh/năm, tương đương với hai phần ba sản lượng điện tiêu thụ của Bắc Kinh vào năm 2015.
Dự án nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than giúp cắt giảm phát thải 52 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu năng lượng Trung Quốc mà còn giúp phát triển vành đai kinh tế sông Dương Tử.
Xét về khối lượng đập, Bạch Hạc Than sẽ là con đập lớn thứ ba ở Trung Quốc và thứ tư trên thế giới.
Đập được khởi công xây dựng vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.