Tội phạm Công nghệ cao: “Ngồi 1 chỗ” tấn công toàn thế giới

Đối tượng tấn công của tội phạm Công nghệ cao là cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan an ninh, quốc phòng, các cơ sở dữ liệu về tài chính, năng lượng, thông tin liên lạc, các công ty thương mại điện tử,…

TS. Trần Văn Hoà, Trưởng Phòng điều tra phòng Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công an, đã nhận định như vậy trước tình hình tội phạm Công nghệ cao đang có nguy cơ bùng nổ, số lượng và các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng nhanh cả về phạm vi, quy mô và hậu quả như hiện nay.

Tội phạm quốc tế lĩnh vực CNC tăng mạnh

Thời gian vừa qua, ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam tăng với tốc độ phi mã với 20 triệu người sử dụng Internet. Các loại tội phạm công nghệ cao cũng tăng nhanh cả về phạm vi, quy mô cũng như hậu quả. Đối tượng tấn công của tội phạm này là cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, kể cả các cơ quan an ninh, quốc phòng, các cơ sở dữ liệu về tài chính, ngân hàng, giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc, các công ty thương mại điện tử (E-Commercial, E-Business), các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng, các máy ATM, bán hàng tự động.

Ngày càng hình thành rõ nét hơn sự phối hợp của bọn tội phạm trong nước và quốc tế tấn công vào các mạng máy tính, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sử dụng thông tin thẻ tín dụng làm thẻ giả để rút tiền ở máy ATM, thẻ giả để mua hàng, mua vé máy bay, thanh toán tiền khách sạn,...

Đặc điểm nổi bật của loại tội phạm công nghệ cao là tính quốc tế, có phương thức, thủ đoạn gây án, phạm vi gây án, đối tượng bị xâm hại, mục đích gây án về cơ bản giống nhau trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia về an toàn thông tin, thủ phạm gây án có thể ngồi một chỗ tấn công vào bất kỳ nơi nào trên thế giới, không xuất đầu lộ diện, chỉ để lại rất ít dấu vết là những chứng cứ điện tử. Tuy nhiên, loại chứng cứ này rất khó phát hiện, thu thập nhưng cũng lại rất dễ bị tiêu hủy và thời gian gây án thường rất ngắn.

Vì vậy công tác điều tra cần có sự phối hợp với cảnh sát các nước mới có thể truy tìm được thủ phạm, tránh bị ngắt quãng, mất dấu vết.

Cơ sở hạ tầng quốc gia là đích đến số 1

Dự báo về xu hướng của tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng đối tượng bị “nhắm” đến đầu tiên chính là cơ sở dữ liệu của hạ tầng thông tin quốc gia, của ngân hàng và các doanh nghiệp lớn. Sau đó là lừa đảo liên quan đến thẻ, tài khoản ngân hàng, chứng khoán, thương mại điện tử, thanh toán điện tử; Phát triển Botnet để tấn công từ chối dịch vụ, gửi thư rác, quảng cáo. Và đặc biệt là việc sử dụng Blog để hoạt động phạm pháp như xâm phạm đời tư, buôn bán hàng cấm, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy.

Ông Trần Văn Hoà khẳng định, tham gia WTO, thế giới coi Việt Nam như một thị trường an toàn, có tiềm năng về thương mại điện tử và đầu tư, đang phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh an ninh mạng Việt nam. Nếu vấn đề an ninh mạng không được giải quyết kịp thời, hợp lý, lĩnh vực thương mại điện tử vốn đã non trẻ của Việt Nam có thể sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, trở thành "một rào cản đối với Việt Nam hậu WTO".

Nhìn về xu hướng bảo mật, Việt Nam đã từng có thời điểm được xếp vào danh sách 1 trong 10 nước có lượng spam email lớn nhất thế giới, nhưng trong số các spam mail được gửi đi từ Việt Nam, có rất ít các email nội dung tiếng Việt. Điều đó chứng tỏ, phần lớn lượng spam mail này được gửi từ các máy tính zoobie nằm trong các mạng botnet do hacker nước ngoài kiểm soát.

Thứ Tư, 03/12/2008 09:18
31 👨 710
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp