TMĐT Hàn Quốc: Đầu tàu là Chính phủ

Hàn Quốc (HQ) là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh và ổn định. Trong giai đoạn 2000-2005, TMĐT HQ tăng trung bình từ 35-45%/ năm, trong đó doanh số TMĐT năm 2004 đạt 314 tỷ USD, chiếm 20% tổng giao dịch thương mại của HQ. TMĐT của "xứ sở kim chi" này phát triển khá đồng đều trên nhiều loại hình như B2B, B2C và B2G.

Để phát triển TMĐT, các quốc gia cần đến nhiều yếu tố như: nền tảng CNTT, nhận thức của DN, nguồn nhân lực, khuôn khổ pháp lý, phát triển các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ TMĐT... Ở HQ, khu vực kinh tế tư nhân rất năng động và là nhân tố chính triển khai các hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, đóng vai trò đầu tàu cho phát triển TMĐT lại chính là Chính Phủ (CP) với những cam kết mạnh mẽ và quyết tâm phát triển TMĐT.

Tạo môi trường

CP HQ có nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển CNTT. Môi trường CNTT ở quốc gia này được đánh giá là đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tháng 12/2000, HQ đã xây dựng xong mạng lưới Internet băng rộng kết nối 144 khu vực trên toàn đất nước. Năm 2005, HQ có 30 triệu người dùng Internet, chiếm gần 70% dân số.

Đến nay, tỷ lệ người dùng Internet băng thông rộng của HQ đứng hàng đầu trong các nước thuộc tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), chiếm 88% tổng số người dùng Internet. Số người dùng ngân hàng qua Internet của nước này là 24 triệu người, chiếm 60% dân số. Theo đánh giá của ITU (Liên minh viễn thông quốc tế) năm 2005, HQ đứng hàng đầu về chỉ số "Cơ hội số". Tỷ lệ giao dịch TMĐT tại HQ năm 2005 chiếm 22% tổng giao dịch thương mại và mục tiêu của CP vào năm 2007 là TMĐT chiếm 30% giao dịch thương mại.

Các chính sách TMĐT của HQ tập trung vào: nâng cao khuôn khổ pháp lý TMĐT để tiến tới nền kinh tế số, phát triển các yếu tố cơ sở cho TMĐT, phát triển các ngành nghề mới liên quan đến TMĐT (như đào tạo trực tuyến, y tế trực tuyến), số hóa các ngành kinh tế, củng cố các dịch vụ sử dụng CNTT và toàn cầu hóa TMĐT.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

CP HQ đã chuẩn bị một loạt các đạo luật TMĐT và liên tục nâng cao khuôn khổ pháp lý TMĐT bằng cách chỉnh sửa luật hiện hành, ban hành luật mới. Dưới đây là thống kê các đạo luật chính liên quan đến TMĐT đã được ban hành tại HQ.

a. Khuôn khổ pháp lý TMĐT cơ bản
Luật khung về TMĐT: Ban hành năm 1999, sửa đổi năm 2002 và 2005
Luật bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT: Ban hành năm 2002 và sửa đổi năm 2005
Luật chữ ký điện tử: Ban hành năm 1998, sửa đổi năm 2001 và 2005.
Luật phát triển ngành đào tạo điện tử: Ban hành năm 2004
Luật phát triển ứng dụng mạng CNTT và truyền thông và bảo vệ thông tin: Ban hành năm 1999, sửa đổi năm 2002, 2004 và 2005.

b. Các khung pháp luật khác liên quan đến TMĐT
Luật bảo vệ người tiêu dùng
Luật kinh doanh tài chính về tín dụng
Luật khuyến khích ngành nội dung số trực tuyến
Luật sản phẩm trò chơi, sản phẩm hình ảnh và âm thanh
Luật về các nguồn địa chỉ Internet
Luật bản quyền
Luật CP điện tử
Luật bảo vệ chương trình máy tính
Luật hóa đơn điện tử

Trong môi trường kinh tế toàn cầu chuyển đổi rất nhanh, HQ định hướng dùng TMĐT và CNTT để tăng tính cạnh tranh của các ngành kinh tế trên thị trường thế giới. Với chiến lược này, CP HQ đã thiết kế "Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT" vào năm 2000 và "Sáng kiến TMĐT HQ" năm 2001, tạo nền tảng để CP triển khai đồng bộ và nhất quán các chính sách và chương trình thúc đẩy TMĐT.

Để phát triển TMĐT liên tục, cơ sở hạ tầng phải sẵn sàng với 3 yếu tố cơ bản: công nghệ, nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn TMĐT. CP HQ đã thiết kế nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ phát triển các yếu tố này. Đầu tiên phải kể đến chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ TMĐT, thông qua đó từ 2001 đến 2005, CP HQ đã hỗ trợ 112 dự án phát triển công nghệ TMĐT gồm 3 dạng công nghệ: tích hợp, ứng dụng và công nghệ cơ bản. CP cũng đưa ra "Bản đồ công nghệ TMĐT" phản ánh những xu hướng công nghệ TMĐT trên thế giới và tại HQ, từ đó làm định hướng phát triển chung về công nghệ TMĐT cho doanh nghiệp (DN) trong nước.

Để hỗ trợ phát triển nhân lực TMĐT, năm 2000, CP HQ đưa ra "Kế hoạch phát triển nhân lực TMĐT" và tiếp đó là một loạt chương trình hỗ trợ chia thành 2 loại: 1. Nâng cao hệ thống và mở rộng cơ sở hạ tầng phát triển nhân lực TMĐT; 2. Hỗ trợ các môn học TMĐT. Các chương trình này có thể kể đến: hỗ trợ ĐH xây dựng giáo trình TMĐT, đào tạo nhân lực TMĐT cho địa phương, xây học viện ảo cho phụ nữ tham gia TMĐT, hỗ trợ học thạc sỹ TMĐT tại đại học Carnegie Melon (Mỹ)...

Hỗ trợ doanh nghiệp

Hầu hết các DN vừa và nhỏ (SMB) gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng TMĐT do thiếu tài chính, nhân sự và chiến lược dài hạn. Vì vậy CP HQ đã triển khai chương trình thông tin hóa cho SMB từ năm 2001 và trong 3 năm, chương trình này đã tư vấn và hỗ trợ tin học hóa sản xuất, kinh doanh cho hơn 30.000 SMB. Năm 2003, HQ còn thành lập Trung Tâm Hỗ Trợ Xuất Khẩu về TMĐT để hỗ trợ DN tham gia thị trường thế giới thông qua TMĐT.

Để giúp các DN thuận lợi hơn khi triển khai TMĐT, CP đã xây dựng Chỉ Số Thương Mại Điện Tử HQ (gọi tắt là KEBIX) nhằm giúp DN đánh giá khả năng sẵn sàng TMĐT của mỗi ngành nghề thông qua 5 yếu tố: môi trường, con người, nguồn lực và cơ sở hạ tầng, quy trình và giá trị. KEBIX được Bộ Thương Mại và Công Nghiệp HQ triển khai vào năm 2002, từ đó giúp DN vạch ra chiến lược TMĐT cho mình và cũng giúp CP đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng ngành nghề.

CP HQ còn củng cố các dịch vụ công sử dụng CNTT như xây dựng hệ thống G4B - cổng dịch vụ một cửa của CP dành cho DN, hệ thống giao tiếp G4F - cổng dịch vụ một cửa với người nước ngoài, thành lập hệ thống thương mại phi giấy tờ...

Có thể thấy những kế hoạch về TMĐT của HQ được triển khai rất đồng bộ và nhất quán. Bên cạnh đó các kế hoạch, chính sách, chương trình hỗ trợ cũng được kịp thời ban hành và thực hiện không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn ở rất nhiều địa phương khác trên phạm vi toàn quốc.

Thứ Tư, 11/10/2006 12:24
31 👨 84
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp