Tiến sĩ Chieko Asakawa: Biến khuyết tật thành lợi thế

Vượt qua nhiều rào cản, cô gái khiếm thị Chieko Asakawa đã nỗ lực học tập, nghiên cứu và lấy được bằng Tiến sĩ khoa học công nghệ tại Trường ĐH danh tiếng nhất Nhật Bản: ĐH Tokyo. Biến khuyết điểm thành một lợi thế trong công việc, cô gái ấy đã được ghi tên vào danh sách “Những người phụ nữ nổi tiếng trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) thế giới”.

Chieko Asakawa đã có 10 bằng phát minh sáng chế và vừa được bổ nhiệm làm kỹ sư danh dự của IBM - một vị trí dành cho các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của IBM trên toàn thế giới.

... 14 tuổi. Một tai nạn ở hồ bơi đã khiến Chieko Asakawa mãi mãi không còn biết đến ánh sáng. Chuyển sang học ở trường dành riêng cho người khiếm thị, chị hiểu rằng mơ ước trở thành vận động viên thể thao của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Một thời gian dài bi quan, Asakawa không biết mình phải làm gì cho tương lai. Chị tâm sự:

Khi bình tâm lại, tôi nghĩ rằng mình phải có một công việc, có một nghề để kiếm sống. Và tôi bắt đầu học hệ chữ Braille ở trường trung học. So với các bạn đồng cảnh, tôi học vất vả hơn, tốc độ đọc chậm hơn (đối với hệ chữ Braille, học từ nhỏ sẽ thuận lợi hơn - PV). Tuy nhiên, tôi vẫn chọn chuyên ngành Văn học Anh tại ĐH Ottemonn.

Thời điểm những năm 80, người khiếm thị ở Nhật Bản không có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp như bây giờ, tấm bằng đại học cũng không thể giúp tôi có được một việc làm ổn định. Được sự giới thiệu của một người quen, tôi ghi danh học CNTT tại một trung tâm dạy nghề dành cho người khiếm thị.

* Như vậy là lúc ấy chị đã phát hiện ra mình “hợp” với CNTT?

Tiến sĩ Chieko Asakawa

- Hồi đó, tôi không biết nhiều về CNTT nên cũng không có khái niệm rằng mình có hợp với nó hay không. Tôi chỉ cảm thấy tò mò và muốn thử sức. Thế nên tôi quyết tâm theo đuổi ngành học này. Tôi đã gặp nhiều khó khăn và cản trở vì thời điểm đó không có phần mềm đọc màn hình, không có công cụ nhận dạng chữ Braille giúp người khiếm thị sử dụng máy vi tính. Tôi đã phải mất nhiều thời gian hơn so với những người bình thường.

Và tôi đã suy nghĩ “phải có cách nào đó làm cho người khiếm thị dễ dàng tiếp cận với máy tính. Nó sẽ mở rộng cơ hội tận hưởng cuộc sống của tôi, giúp thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị và người bình thường”. Trong lúc khó khăn, tôi đã tự cho mình một niềm hi vọng rất lạc quan: sự khuyết tật của tôi có thể trở thành một lợi thế trong việc góp phần phát triển ngành khoa học máy tính.

* Vì lẽ đó mà những phát minh của chị tập trung khá nhiều cho vấn đề “để người khiếm thị sử dụng CNTT dễ dàng hơn”? Làm sao chị có thể chu tòan tất cả mọi việc khi vừa đi làm vừa đi học và thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ?

- Đúng như vậy! Tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát và nhận thấy rằng nếu không có hành động kịp thời, khoảng cách về CNTT giữa người khiếm thị và người bình thường sẽ ngày càng cách xa. Nhiều sáng chế của tôi và đồng nghiệp ra đời từ suy nghĩ ấy; mới đây nhất là phần mềm trình duyệt đa phương tiện giúp người khiếm thị xem video dễ dàng hơn.

Tôi đã lấy bằng Tiến sĩ trong khi làm việc toàn thời gian cho IBM Nhật Bản. Tôi dành thứ 7, chủ nhật và giờ ngủ để cống hiến cho việc học hành. Tất nhiên tôi làm được điều này là nhờ sự hỗ trợ lớn của gia đình (TS Chieko Asakawa hiện đang sống cùng chồng và hai con - PV).

* Nghe nói chị đã được công ty IBM nhận vào làm việc ngay từ khi còn đang học ở trường nghề?

- Khi nghe thông tin về chương trình thực tập của IBM Nhật Bản, tôi nộp đơn dự tuyển. Nói thật là lúc ấy tôi không tự tin. Nhưng mong ước “phải làm được một cái gì đó” quá lớn trong tôi, nó đã thôi thúc tôi phải thử sức. Bạn có hình dung ra cảm giác của tôi khi biết mình được nhận làm thực tập viên (với nhiệm vụ nghiên cứu hệ thống dịch thuật Braille) tại phòng thí nghiệm của IBM Nhật Bản không? Ngạc nhiên, hứng khởi và sung sướng vô cùng. Rồi 1 năm sau đó, tôi được tuyển dụng chính thức và là nhân viên khiếm thị duy nhất của Phòng thí nghiệm IBM Nhật Bản.

* Với kinh nghiệm của một người đi trước, chị sẽ khuyên các bạn trẻ khiếm thị Việt Nam (đang quan tâm tới lĩnh vực CNTT) như thế nào?

- Bố tôi từng nói với tôi rằng: “Con có thể sống một cuộc sống năng động, đầy đủ và hạnh phúc bằng cách khắc phục những thách thức của bản thân; linh hoạt để thích nghi với hoàn cảnh”. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và bạn có thể sẽ phải đối mặt với những tình huống tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Tôi cũng thế, không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng, đừng đầu hàng. Hãy giữ vững niềm tin, niềm đam mê của mình.

Ngày nay mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn nhiều cho người khiếm thị học CNTT. Miễn là bạn vẫn còn có niềm đam mê học hỏi lĩnh vực này.

* Được biết, tên chị đã được ghi vào danh sách “Những người phụ nữ nổi tiếng trong ngành công nghệ thông tin thế giới”. Hơn thế nữa, chị còn có một gia đình hạnh phúc với chồng và hai đứa con ngoan, chị có nghĩ mình là một phụ nữ phi thường không?

- Tôi chỉ là một người bình thường có tâm hồn lạc quan, luôn làm việc chăm chỉ và luôn cố gắng nỗ lực hết sức mình.

Năng lực và trình độ làm việc của Tiến sĩ Asakawa thật đáng kinh ngạc. Asakawa và đội của cô đã phát minh ra rất nhiều công nghệ hiện đại hàng đầu như công cụ soạn thảo Braille, phần mềm đọc màn hình trang web, các công cụ thiết kế dễ tiếp cận trang web, các công cụ siêu dữ liệu dành cho nội dung đa phương tiện và rất nhiều đóng góp khác cho việc phát triển các chuẩn mở và mã nguồn mở.

Cô ấy đã biến điểm bất lợi của mình thành những cơ hội để đổi mới, sáng tạo công nghệ tương thích nhất đối với những người sử dụng. Thậm chí nếu cô ấy không bị khiếm thị thì tôi cũng không thể mong chờ hơn được nữa.

Khi mới vào làm cho phòng thí nghiệm IBM Tokyo, Asakawa biết rất ít về CNTT. Tuy nhiên, cô ấy đã nhanh chóng trở thành nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực này. Cô đã nhận bằng tôn vinh của Bộ Y tế & Lao động Nhật Bản bởi những đóng góp trong việc giúp cho người khuyết tật hòa nhập hơn với cộng đồng; nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại trường ĐH Tokyo - trường ĐH danh tiếng nhất tại Nhật.

Cô thực sự là một động lực đối với các nhà nghiên cứu và các nữ nhân viên trẻ tại IBM. Cô ấy làm việc chăm chỉ hơn những người không bị khiếm thị để khắc phục khuyết tật của mình nhưng điều tuyệt vời là cô ấy tỏ ra rất xuất sắc trong những việc mình làm
”.

(Tiến sĩ Hiroshi Maruyama, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Tokyo, IBM Nhật Bản)

Thứ Tư, 30/01/2008 11:19
31 👨 98
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp