Thực hư ở “vương quốc” Google

Google là nơi tuyệt vời để làm việc. Vậy tại sao lại có nhiều người rời khỏi Google đến vậy?

Câu lạc bộ những người rời bỏ Google

Là một nhà khoa học máy tính trẻ, Sean Knapp có mọi thứ tại Google – từ tham gia vào các sản phẩm cao cấp nhất của Google đến được phục vụ giặt là, ăn uống miễn phí. Anh còn có 20% quỹ thời gian để dành vào bất cứ dự án nào mà anh thích. Cách đây 1 năm, Knapp cùng với hai đồng nghiệp, là hai anh em nhà Bismarck and Belsasar Lepe, lần lượt 28 và 21 tuổi, đã làm điều mà nhiều thiên tài trẻ tại Google đã làm: họ đến với ý tưởng thời thượng: kiểm soát video trên web.

Sau đó, Knapp, 27 tuổi, và anh em nhà Lepes đã quyết định: rời khỏi thiên đường Google để khởi nghiệp công ty riêng.

Tháng 4/2007, bộ ba thông báo với Google sẽ ra đi, với lý do để làm ra cái của riêng họ. Không cần biết ý tưởng của họ là gì, Google muốn họ - và dự án của họ - ở lại. Nhưng Knapp và anh em nhà Lepes hiểu nếu ở lại, họ sẽ được làm việc rất tốt, và cũng rất vất vả, nhưng Google sẽ sở hữu sản phẩm của họ.

Một năm sau, công ty của bộ ba ra đời. Ooyala chính xác là một thành công mà Google muốn xây dựng bên trong bức tường của Google. 28 nhân viên của Ooyala đang xây dựng một hệ thống chạy video cho các website độc lập, và họ dự định sẽ bán video quảng cáo theo cách Google bán quảng cáo cho các nhà xuất bản web khác. Ooyala ra đời với số vốn 10 triệu USD.

Knapp không phải là trường hợp cá biệt ở Google. Paul Buchheit, từng là một kỹ sư “đầu đàn” của Goolge, hiện là nhà sáng lập (cùng với 3 cựu nhân viên Google) công ty mạng mã hội FriendFeed. Yanda Erlich, là giám đốc sản phẩm của Google, đã ra đi và xây dựng công ty tin nhắn cấp thời Mogad. Nathan Stoll, người phụ trách Google News, cũng thành lập công ty mới Mechanical Zoo. Các cựu nhân viên phát triển kinh doanh Salman Ullah và Sean Dempsey có hãng vốn mạo hiểm Merus Capital. Số người ra đi nhiều đến nỗi họ đã thành lập một câu lạc bộ những cựu nhân viên Google.

Câu lạc bộ này cũng không thiếu những nhà quản trị cấp cao. Giám đốc thông tin Douglas Merrill vừa rời khỏi Google. Một số nhà quản lý khác đến với Facebook, điển hình như Sheryl Sandberg, từng điều hành mảng doanh số quảng cáo tự động của Google, và Elliot Schrage, PR của Google.

Nhân viên nhảy việc là chuyện bình thường ở Silicon Valley, đặc biệt tại các công ty nơi những nhân viên vào làm từ sớm, họ đã đủ giàu để làm bất cứ gì họ muốn. Tổng giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt – người từng rời khỏi Sun Microsystems để đến Novell và sau đó rời Novell đến Google – nói: “Chúng tôi tuyển 100 người mỗi tuần. Vì vậy trong 1 tuần, số người chúng tôi tuyển cao hơn số người ra đi”.

Google nay đã khác Google xưa

Nhưng nhân sự nhảy việc không phải là thách thức duy nhất của Google hiện nay. Mức tăng trưởng của Google đang chậm lại. Quy mô công ty cũng cần thay đổi. Đã qua rồi những ngày Google có thể tận dụng hết sự nhanh nhẹn, gọn nhẹ. Thực ra, với Google hiện nay, hệ thống quảng cáo tìm kiếm hùng mạnh vẫn là cỗ máy kiếm tiền. Còn tất cả những dự án khác vẫn chỉ là dự án.

Giáo lý cơ bản của Google trong kinh doanh là phải khác mọi người. Hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin gửi thư cho các cổ đông lớn của hãng trước ngày phát hành cổ phiếu lần đầu năm 2004 của Google và hứa sẽ giữ mọi thứ như vậy. Chẳng hạn, một trong những nguyên lý cơ bản nhất của quản trị hiện đại là phải biết phân bổ các nguồn lực: quyết định sẽ theo đuổi dự án nào, chi tiền vào đâu, khi nào bắt đầu. Thực ra, các MBA (cử nhân quản trị kinh doanh) đều được dạy rằng phân bổ nguồn lực là nhiệm vụ quan trọng nhất của người quản lý. Nhưng lý thuyết này không được ưu tiên tại Google.

Tại Google, điều các nhà quản lý thường xuyên phải suy nghĩ không phải là phân bổ nguồn lực, mà là tự vận hành. Chẳng hạn, Dave Girouard là phó giám đốc chịu trách nhiệm về Google Apps, sáng kiến hàng đầu của công ty để bán các ứng dụng phần mềm dựa trên web cho doanh nghiệp. Ông muốn có một số thay đổi để Gmail thu hút nhiều khách hàng doanh nghiệp hơn. Để làm được điều đó, ông phải lobby (vận động) các kỹ sư Gmail, những người không làm việc cho ông. Ông ví nỗ lực của mình như một nhiệm vụ cao cả: làm với tất cả trái tim nhưng chỉ có rất ít quyền lực.

Ngoài ra, một số sản phẩm của Google ra đời nhưng không thành công. Google Page Creator, một sản phẩm còn non nớt nhưng đã được tung ra vào năm 2006, cũng không khác gì Google Sites. “Ngay cả về tìm kiếm web, có rất nhiều nhóm cùng làm những dự án giống nhau”, Knapp của Ooyala nói. Google Checkout là một hệ thống thanh toán mà Google đầu tư rất nặng, nhưng nó vẫn còn thua xa dịch vụ PayPal của eBay về thị phần.

Các vụ sáp nhập của Google cũng không mang lại nhiều tiền như tiếng tăm của nó. Vụ thâu tóm lớn và gần đây nhất là YouTube, Google đã mua về với giá 1,6 tỷ USD năm 2006. YouTube tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo hãng nghiên cứu comScore, thị phần video của YouTube tại Mỹ là 34%, gấp đôi hồi tháng 2/2007. Tuy nhiên, Google không hiệu quả khi bán quảng cáo trên YouTube, mà hầu hết chỉ là quảng cáo trên trang chủ YouTube. Google nói họ sẽ tập trung cải thiện “trải nghiệm người dùng”. Nhưng theo các nhà quan sát, đơn giản là các hãng quảng cáo nhìn ra rất ít giá trị khi treo quảng cáo của họ bên cạnh những con mèo đang khiêu vũ.

Google Apps, một dịch vụ tương tự như Microsoft Office, đạt thành công khiêm tốn, dự đoán sẽ mang lại “vài trăm triệu USD”, theo Google. Con số đó quá nhỏ so với mảng kinh doanh quảng cáo tìm kiếm chính của Google, và quá nhỏ khi đứng bên con số 19 tỷ USD của Microsoft Office. Một sáng kiến khá đình đám là dự án Android của Google, mang lại chuẩn và hệ điều hành mở cho ĐTDĐ, cạnh tranh với những hệ điều hành độc quyền ngày nay. Các tên tuổi lớn như T-Mobile và Samsung đã ký kết hợp tác với Google về Android.

Cú đặt cược lớn nhất của Google gần đây là vụ thâu tóm DoubleClick giá 3,1 tỷ USD. Khi mọi người lướt web, hầu hết thời gian họ không tìm kiếm – họ đọc, xem video, chơi game… Google đang nỗ lực kiếm tiền từ những quảng cáo hiện ra không phải khi mọi người tìm kiếm, và họ mua DoubleClick.

Việc Google nhảy vào các kiểu quảng cáo mới lại nảy sinh một vấn đề mới. Do hãng bán nhiều loại quảng cáo khác nhau nên công việc kinh doanh của hãng sẽ chuyển biến theo nền kinh tế chung. Về vấn đề này, khi Google báo cáo doanh thu quý I/2008 đạt 1,3 tỷ USD, vượt xa dự đoán của Wall Street, đưa cổ phiếu của hãng tăng 90 USD trong một ngày. Như vậy, nền kinh tế tăng trưởng chậm của nước Mỹ đơn giản không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của Google. “Chúng tôi đã xem xét vấn đề này rất kỹ, và chúng tôi chưa thấy bất cứ tác động nào với thời điểm này”, Schmidt với các nhà đầu tư hôm 17/4. “Nền kinh tế có thay đổi, chúng tôi vẫn vững vàng và tiếp tục phát triển”, ông nói.

Tuy nhiên, những kết quả kinh doanh gần đây cho thấy trên một số lĩnh vực, Google vẫn phản ánh theo sự thay đổi của nền kinh tế.

Ngoài ra, trong Google vẫn tồn tại một hiện tượng. Người của Google có thể đang lãng phí nguồn lực để theo đuổi những giấc mơ tạp nham. Hơn nữa, Google vẫn còn rất nhiều cơ hội cắt giảm chi phí. Chẳng hạn, hiện hãng đang phải chi ít nhất 14 USD/nhân viên/ngày cho các bữa ăn miễn phí. Với 19.000 nhân viên, hãng sẽ mất khoảng 67 triệu USD/năm, hay khoảng 20 cent/cổ phiếu. Tuy vậy, các nhà phân tích đang đoán rằng với mức giá thực phẩm ngày càng tăng của năm 2008, khoản chi này của hãng sẽ lớn hơn.

Hiện nay, Google chủ yếu nổi tiếng với công cụ tìm kiếm. Hãng vẫn chưa thể khiến khách hàng luôn luôn sử dụng các dịch vụ như thể với Windows của Microsoft trên PC.

Khi được hỏi với cương vị là Tổng giám đốc điều hành, Schmidt sẽ làm gì để Google phát triển vượt ra ngoài cái khung tìm kiếm hiện nay. Schmidt đã kể về cuộc tranh luận giữa hai nhà sáng lập Page và Brin của Google. Schmidt nói: “Họ đã lo rằng Google sẽ trở nên quá thủ cựu. Nhưng họ nói với tôi: ‘Chúng ta đã đối mặt với nhiều rủi ro khi không có tiền. Giờ đây chúng ta có tiền và chúng ta có rất ít rủi ro”.

Gần đây, Google nổi đình đám với số tiền 5 tỷ USD trong vụ đấu giá băng tần không dây của chính phủ Mỹ, nhưng hãng vẫn chưa có kế hoạch nào với số băng tần này. Trong khi đó, hãng lại tung ra một số sản phẩm rất khác thường như Google Sky, Google Mars, và Google Ride Finder. Hãng đã trở thành một nhà đầu tư lớn vào các dự án năng lượng thay thế.

Paul Buchheit, một cựu kỹ sư của Google, nhớ lại cái anh thích nhất khi còn làm việc ở Google. “Tôi luôn phấn khích khi ở Google, bởi tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Thứ Hai, 02/06/2008 13:49
31 👨 116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp