Thị trường CNTT toàn cầu đã bật dậy

Gã khổng lồ máy tính của Mỹ - HP dự đoán, ngân sách rót vào thị trường IT toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2010.

Vượt đáy nhưng không đột phá

Tuy nhiên, mức dự đoán doanh thu của năm tài khóa 2010 mà HP đưa ra lại thấp hơn so với kỳ vọng của phố Wall. Chính vì vậy, giá cổ phiếu của hãng vẫn giảm 1,9% xuống còn 46 USD trong phiên giao dịch mới nhất.

Chia sẻ với cử tọa tại cuộc họp thường niên với giới phân tích, Giám đốc Điều hành Mark Hurd cho biết: "Chắc chắn các ngài sẽ hỏi chúng tôi về khả năng tăng trưởng của thị trường. Chúng tôi tin ngành công nghiệp IT sẽ bật trở lại vào năm tới, và chắc chắn, chúng tôi sẽ chạy nhanh hơn những người khác".

Nguồn: Financetechnews
Nhiều hãng công nghệ đang mong mỏi chờ đợi chu kỳ nâng cấp và thay thế phần cứng mới trong khối khách hàng doanh nghiệp, tập đoàn, dự kiến sẽ mở màn kể từ năm tới. Những cỗ máy cũ sẽ được thế chỗ bằng thiết bị đời mới nhất, khi mà sức ép cắt giảm chi phí không còn đè quá nặng lên đôi vai của các giám đốc tài chính.

Tuy nhiên, dù giả định rằng sẽ có một sự cải thiện về sức mua, song HP không nghĩ đây sẽ là một đợt "hồi trào mạnh mẽ" của cả thị trường. Họ sẽ vẫn quan sát và chờ đợi xem "điều gì thực sự diễn ra", như lời của Giám đốc Tài chính Cathie Lesjak. Mà theo truyền thống thì HP vốn có tiếng là lập kế hoạch một cách "dè chừng và bảo thủ".

Dự đoán khiêm tốn

HP dự đoán lợi nhuận của hãng trong năm tài khóa kế tiếp sẽ đạt từ 4,2-4,3 USD/cổ phiếu, trên tổng doanh thu 117 tỷ - 118 tỷ USD. Trong khi đó, giới phân tích hy vọng lợi nhuận của hãng sẽ đạt 4,23 USD/cổ phiếu trên tổng doanh thu 118,1 tỷ USD.

HP cũng đặt mục tiêu cho bộ phận dịch vụ của hãng tăng trưởng 2-4% trong năm tới, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng 3-5% của khối PC (mảng chiếm một phần năm doanh thu hàng năm).

Hãng dự kiến doanh thu của bộ phận máy in sẽ đứng yên so với năm nay, trong khi máy chủ tăng nhẹ từ 2-4%.

Cách nhìn của HP về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới tỏ ra tương đồng với không khí tích cực, lạc quan ngày càng tăng trong giới quan chức công nghệ. Hôm qua, Giám đốc Điều hành Dave Dewalt của hãng bảo mật McAfee cũng tuyên bố "sức mua của các doanh nghiệp đã hồi phục".

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn giữ cho mình một thái độ cẩn trọng. RIM đưa ra dự đoán doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với kỳ vọng của giới phân tích, bởi lo ngại các tập đoàn sẽ chọn giải pháp hoãn nâng cấp thiết bị di động cho nhân viên.

Hàn thử biểu

Không chỉ là hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, HP còn đang kinh doanh rất nhiều mặt hàng khác từ dịch vụ cho tới máy chủ và máy in. Vì thế, những lời bình luận của họ thường được giới phân tích coi như hàn thử biểu của thị trường.

Mô hình kinh doanh đa dạng và các kênh doanh thu ổn định đã giúp HP chống chọi lại được với đà suy thoái kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, thị phần của hãng trên cả hai địa hạt là PC và máy chủ đều tăng. Một điểm nữa cũng khiến các doanh nghiệp đối thủ rất ghen tỵ, là việc HP quản lý chi phí trong thời kỳ khủng hoảng quá tốt, vì vậy mà lợi nhuận điều hành của họ cũng tăng.

Năm ngoái, HP đã chi ra 13 tỷ USD để mua lại hãng EDS, trong một thương vụ giúp biến HP trở thành nhà cung cấp dịch vụ IT lớn thứ hai thế giới, chỉ sau mỗi IBM. Quan trọng hơn, hãng đã "nuốt chửng" EDS một cách suôn sẻ, tích hợp hai nền văn hóa doanh nghiệp với nhau một cách trơn tru.

"Sự bật dậy của ngành công nghiệp PC chủ yếu là nhờ sức tiêu thụ mạnh của notebook, một lĩnh vực lợi thế của HP", chuyên gia Ronald Gruia của Frost & Sullivan nhận định.

Thứ Hai, 28/09/2009 08:26
31 👨 219
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp