Tạo nét huyền bí cho ảnh

Nhiếp ảnh không chỉ nhằm tái hiện thực tế, mà còn thu hút người xem bằng vẻ huyền bí đằng sau thực tế đó.

Nhiệm vụ tối thượng của một bức ảnh là thể hiện khung cảnh được chụp. Nhưng nếu ảnh đó chỉ mô tả đơn thuần khung cảnh thì nhiếp ảnh sẽ không bao giờ thú vị cả. Lúc đó bức hình chỉ như là một danh sách dài gồm có cây, đồi, mây, trời xanh, bãi cỏ… và nó chỉ đóng vai trò là một bản sao hoàn hảo của khung cảnh đó. Bức hình thể hiện sở thích của người chụp, nhưng không thể lột tả được bất kỳ điều mới mẻ nào về cảnh hay về chính bản thân tác giả. Để ảnh đẹp cần phải làm gì đó nhiều hơn thế. Sức mạnh của nghệ thuật thị giác không chỉ nằm trong những lối mô tả đơn giản mà còn phải diễn giải một thực tế, từ đó diễn giải sự siêu nghiệm.


Sự không thể mô tả chính xác một đối tượng sẽ hiện hữu một biểu đạt.
Ảnh: Photographyblog.

Nhiếp ảnh là hiện thực nhưng đôi khi không hẳn là toàn bộ hiện thực. Ánh sáng phản chiếu từ một đối tượng có thể mô tả chính xác nó, nhưng không thể nói lên tất cả mọi điều. Chính trong sự "không thể" này sẽ hiện hữu một biểu đạt. Tuy nhiên, thay vì tìm cách biến cải tính hiện thực cố hữu của nhiếp ảnh bằng việc làm cho ảnh mờ nét hay dùng các kính lọc kỳ quái thì cách tiếp cận hợp lý hơn nhằm đem lại sự huyền ảo cho một bức ảnh là chỉ thay đổi một chút cách thức nhiếp ảnh biểu thị hiện thực. Theo cách này, người chụp vẫn duy trì được tính trong sáng của hình trong khi tăng cường được nội dung cần biểu đạt.

Một bức ảnh trở nên thực sự độc đáo bởi vì nó không diễn đạt đầy đủ mọi khía cảnh của không gian chụp ảnh hoặc do nó hiển thị một hình ảnh đầy tính nghịch lý hay một ảo giác. Bức ảnh trở thành đặc biệt không chỉ bởi những gì mà nó mô tả mà còn bởi những gì mà nó không thể mô tả được. Có thể lấy ví dụ bức họa về nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa hay bức đánh lừa thị giác Ascending and Descending của M.C. Escher. Đây chắc chắn là những bức hình xuất sắc bởi chúng gây quá nhiều tranh cãi mà không ai tự giải thích được. Chúng trở thành những bức hình đầy tính huyền bí, chứa đựng những yếu tố kích thích trí tò mò và sự chú ý của người xem. Cảm giác về một sự huyền ảo, mơ hồ hay ảo giác – tất cả đều khiến cho một bức hình trở nên có sức quyền rũ.

Tổng hợp từ tác phẩm của các nhà nhiếp ảnh và nghệ thuật thị giác, theo Photography Blog, có thể thấy yếu tố huyền ảo có thể cuốn hút được người xem và khiến họ phải dừng lại và tự hỏi "Tại sao?", "Như thế nào?", và "Cái gì vậy?". Các yếu tố này là: tỷ lệ, khung cảnh mơ hồ, ánh sáng và sự phi lý.

Tỷ lệ


Hình chỉ thể hiện một góc, một phần của phong cảnh. Ảnh: Photographyblog.

Khi tỷ lệ của một hình ảnh trở nên không thể xác định được thì chính là lúc trí tưởng tượng bay bổng. Thường những bức hình loại này chỉ thể hiện một góc, một phần của một phong cảnh nào đó hơn là đưa ra một khung hình bao quát, bởi lẽ ở tầm nhìn bao quát hơn, mắt người có thể dễ dàng xác định rõ phần cảnh hiển thị trong tổng thể khung hình. Về cơ bản, những hình ảnh kiểu này thường là hiển thị những phần nhỏ khung cảnh thiên nhiên. Ví dụ, khi chụp một đụn cát, nếu lấy toàn cảnh sẽ thấy rất tầm thường bởi diện tích đụn cát không lớn lắm, nhưng nếu zoom cận và cắt hình khéo, cộng thêm với bóng người đi trên đỉnh sẽ tạo sự cô độc trong cái mênh mông của một vùng toàn cát.

Khung cảnh mơ hồ

Trong tâm lý học tri giác, một hình ảnh mơ hồ là hình ảnh mà chúng ta cứ thấy từ trạng thái này sang trạng thái khác mà không thể ghi nhận cả hai trạng thái cùng một lúc. Những bức ảnh mang tính mơ hồ về thiên nhiên không bao giờ rõ ràng. Nó thường nhằm để biểu đạt một thứ gì đó hơn là những gì thể hiện ra. Tâm trí con người có khả năng liên tưởng từ những cái không có gì, và chính khía cạnh đặc biệt của thị giác và tâm trí đã tạo sự phát triển cho tính mơ hồ và những cảm giác không rõ ràng về bức ảnh, những yếu tố vốn có thể dùng để thu hút người xem.

Tạo một bức ảnh mơ hồ bằng cách để cho ảnh không nét vốn quá dễ dàng. Nhưng chụp một bức ảnh với những chi tiết rõ nhất, nét nhất mà vẫn tạo cho người xem một cảm giác mơ hồ ngoài những gì đã thấy mới thật là khó hơn nhiều. Một hình ảnh mơ hồ có thể đạt được bằng nhiều cách như kỹ thuật chụp, sắp đặt hay cắt khung, nhưng nó thành công chỉ khi thể hiện được hơn một không gian biểu đạt trong cùng một khung hình.

Ánh sáng


Những bức ảnh mang tính mơ hồ về thiên nhiên thường nhằm để biểu đạt một
thứ gì đó, hơn là những gì thể hiện ra. Ảnh: Photographyblog.

Những gì lờ mờ trong bóng tối thường lưu lại trong tâm trí lâu hơn những hình ảnh rõ ràng từ một quang cảnh đủ sáng. Điều này rất đơn giản bởi lẽ chúng ta luôn muốn biết nhiều hơn về đối tượng chỉ thấy được một phần. Các vùng tối hoàn toàn sẽ không tạo ra sự khác biệt nhưng nếu như vùng tối có thêm các chi tiết sẽ thu hút tính tò mò hơn. Thêm vào đó, các tông màu tối cũng có thể biểu thị tâm trạng khác nhau, như sự phiền muộn hay u uất tùy thuộc vào hoàn cảnh xem.

Ở các bức ảnh trắng đen, sự huyền ảo có thể đạt được cả ở những tông sáng. Màu trắng có thể mô tả sự thuần khiết hay sự mộc mạc. Hãy nghĩ về cảnh tượng một ngọn nút mờ xa nhô một phần đỉnh trên đám mây, một hình ảnh liên tưởng đầy huyền ảo. Nhưng nếu vẫn ngọn nút đó nhưng được hiển thị rõ ràng: bức ảnh lúc này chỉ đơn thuần là minh họa.

Nghịch lý

Một hình ảnh chứa đựng những nghịch lý thường đôi khi sẽ làm nảy sinh những câu hỏi đơn giản kiểu như "Sông đã đóng băng thì những người kia mang thuyền đi làm gì?". Trong ảnh thuần thiên nhiên, nghịch lý thường được con người tạo thêm trong khi hoặc sau khi chụp, bởi lẽ nghịch lý thực sự trong thiên nhiên hay phong cảnh là vô cùng hiếm. Nhưng trong ảnh đời sống xã hội hay thiên nhiên hoang dã, khi mà bất kỳ một bề mặt, một điệu bộ hay diễn tả nào hơi lệch so với bản chất vốn dĩ của nó, đều có thể trở thành những điều kỳ lạ được.

Tính huyền bí của một bức ảnh mang lại khoảng không sáng tạo lớn cho nhiếp ảnh gia. Cách thức người chụp khai thác yếu tố này thế nào sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận cá nhân của người đó tới nghệ thuật nhiếp ảnh. Bài này không nhằm ủng hộ cho thuyết huyền ảo hóa hay chủ ý tạo những ảo giác nhằm biểu đạt một ý nghĩa siêu hình nào đó, mà chỉ trình bày về những ý tưởng có thể làm cho bức ảnh huyền bí hơn, nhằm mục đích tăng thêm chiều sâu, kết cấu hay sắc thái cho hình, để hình ảnh có thể vượt ra ngoài bản chất sao chép đơn thuần sự vật.

Thông thường, sự huyền ảo của hình được tạo ra một cách ngẫu nhiên sau một loạt quá trình người chụp xử lý để có tác phẩm cuối cùng chứ không phải hình thành một cách có chủ đích.

Thứ Bảy, 03/10/2009 10:40
22 👨 765
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp