Những từ ngữ thông dụng như "spam", "chuột" và "hacker" là những từ mà khi nhắc đến chúng ta có thể nghĩ ngay đến công nghệ. Bởi nhiều người thường sử dụng chúng trong thế giới mà công nghệ đang thống trị, tự nhiên trở thành một phần trong cuốn từ điển. Thực tế những từ ngữ đó có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, do vậy hiếm khi chúng ta đặt câu hỏi rằng những thuật ngữ này bắt nguồn từ đâu hoặc tại sao chúng lại được sử dụng trong công nghệ. Tại sao thiết bị để điều khiển con trỏ máy tính lại được đặt tên giống với một loài gặm nhấm bé nhỏ? Làm thế nào mà tên của các loại thịt hộp lại được dùng để miêu tả những tin nhắn không mong muốn? Dưới đây là những câu chuyện thú vị đằng sau 10 thuật ngữ công nghệ phổ biến thường dùng có thể bạn chưa biết. Mời các bạn cùng tham khảo!
1. Hacker
Hầu hết chúng ta đều cho rằng từ Hacker và Hack đồng nghĩa với mặt xấu của Internet. Thực chất hacker là gì? Hacker là một thuật ngữ công nghệ thường dùng để miêu tả người dùng Internet đột nhập vào phần mềm đánh cắp hoặc thay đổi, sử dụng trái phép dữ liệu nhằm thực hiện âm mưu nào đó. Tuy nhiên, nguồn gốc của từ "hacking" lại có sự khác biệt đáng kể so với những gì mà chúng ta nghĩ. Trong quá khứ, Hacker được dùng để chỉ những người am hiểu, bậc thầy về công nghệ. Theo cuốn sách "Piracy Cultures" cho biết: "Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 90 và nó mang ý nghĩa là ai đó làm nghề viết và thử nghiệm thuê phần mềm hay người thích lập trình máy tính vì lợi ích của chính họ".
Nhưng không hiểu vì sao ý nghĩa của từ "hacker" lại bị biến tướng như ngày nay khiến nhiều người nỗ lực kêu gọi trả về đúng ý nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ này. Bên cạnh đó, những người đột nhập mạng máy tính, phần mềm nên được gọi là "Cracker" – những kẻ bẻ khóa phần mềm.
2. Robot
Khi nói đến "robot" nhiều người có thể đoán từ này có nguồn gốc từ khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, các tác phẩm hư cấu bịa ra những thuật ngữ công nghệ thông dụng không phải là câu chuyện của H.G.Wells hay Philip K.Dick mà nó là một cách chơi chữ của người Tiệp Khắc từ năm 1921. Nó được gọi là "R.U.R", kể về một nhà máy tạo ra những con người nhân tạo, sau đó nổi dậy và tiêu diệt loài người. Ngày nay, robot không còn là một nhân vật khoa học viễn tưởng nữa. Robot giờ đã có thực và đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như quân sự và chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, theo tầm nhìn tương lai của nhà viết kịch Karel Capek chúng sẽ còn không xa và Bill Gates tin rằng một ngày nào đó robot sẽ trở thành một phần thiết yếu của mọi công ty và con người sẽ không cần phải làm việc nữa.
3. Meme
Meme có thể được coi là một biểu tượng văn hóa với nhiều hình thức khác nhau. Meme là bất cứ loại hình thông tin nào được mô phỏng trên Internet, có thể là một đường link, hình ảnh hoặc video. Thực tế, chúng ta có thể đều biết về meme nhưng lại không biết câu chuyện thú vị đằng sau cái tên đó. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Richard Dawkins, người đã sử dụng từ này trong cuốn sách "The Selfish Gene" được viết vào năm 1976. Dĩ nhiên, từ này đã có từ rất lâu trước thời Good Guy Greg hay Harlam Shake. Vì thế Richard Dawkins không bao giờ có thể biết được rằng cái tên này có thể được sử dụng rộng rãi trên Internet. Tuy nhiên, meme vẫn mang đầy đủ ý nghĩa nguyên thủy của nó: cách thông tin văn hóa lan truyền. Richard Dawkins đã mô phỏng theo một từ Hy Lạp "mimeme" - miêu tả một thứ bị bắt chước và nó cũng gần tương tự như một từ trong tiếng Pháp "même" có nghĩa là "giống".
4. Bug
Nhiều người cho rằng thuật ngữ công nghệ này bắt nguồn từ nhà lập trình máy tính Grace Hopper, người đã tìm thấy một con bướm thật trong hệ thống máy tính. Vào năm 1947, khi đang làm việc trên máy tính tại trường Đại học Harvard, Grace Hopper đã nhìn thấy một con bướm chết khô trên rơ-le và từ đó mỗi khi xuất hiện sự cố kỹ thuật nào cũng được gọi là "lỗi bug". Tuy nhiên, Hopper và đồng nghiệp của bà không phải là người đầu tiên dùng thuật ngữ này mà là nhà khoa học Thomas Edison. Vào năm 1873, khi 26 tuổi, Thomas Edison đã gọi lỗi với hệ thống điện tín bốn nhịp là "bug". Thomas Edison đã viết trong cuốn sổ tay: "Vẫn còn quá nhiều bug khủng khiếp". Nhật ký của Thomas Edison cho thấy, ông vẫn tiếp tục sử dụng từ này trong suốt sự nghiệp của mình.
5. Spam
Mỗi khi nhận được một bức thư điện tử nói rằng bạn đã "trúng số độc đắc" thì bạn đánh dấu nó là "spam", bạn phải cám ơn diễn viên hài người Anh Monty Python đã sáng tạo ra nó. Thuật ngữ công nghệ dành cho một số lượng lớn tin nhắn rác bắt nguồn từ trong một vở kịch, mà trong đó mọi thứ ở quán cà phê đều có spam và ngay sau đó những khách hàng quen bắt đầu hát từ "spam" không ngừng. Bản thảo của vở kịch vẫn còn phổ biến trên mạng Interet và có lẽ vì vậy mà thuật ngữ này hiện nay được dùng để miêu tả những thứ gây phiền nhiễu và không mong muốn ở mọi nơi.
6. Hive (tổ ong)
Trên Windows Registry, có một cơ sở dữ liệu lưu trữ những cài đặt cấu hình cho hệ điều hành, các nhánh được lưu trữ trong nhiều tập tin ổ đĩa được gọi là "hive". Thuật ngữ này bắt nguồn từ trò đùa của các nhân viên Microsoft. Một trong những nhà phát triển sợ ong đến nỗi mà những người chịu trách nhiệm lập trình registry quyết định xây dựng nó mô phỏng theo tổ ong để trêu đùa anh ta. Họ gọi vùng dữ liệu được lưu trữ là "cells" (những lỗ trong tổ ong) và các tập tin tự hình thành nên những "hives" (tổ ong). Từ đó, thuật ngữ "hive" được sử dụng.
7. Chuột (Mouse)
Douglas Engelbart, người sáng tạo ra chuột máy tính đã qua đời vào năm ngoái, ông không bao giờ tiết lộ chính xác về nguồn gốc tên gọi của thiết bị này. Douglas Engelbart cho biết rằng: "Không ai có thể nhớ được tại sao họ lại chọn tên gọi đó, ngoại trừ thiết bị đó khá giống với một con chuột có cái đuôi". Tuy nhiên, một nhà thiết kế phần cứng làm việc trong lĩnh vực công nghệ lúc đó, Roger Bates đã có hồi ức khá khác. Roger Bates đã viết trong cuốn sách "What The Dormouse Said" rằng con trỏ trên màn hình máy tính từng được gọi là MÈO. Thiết bị điều hướng được gọi là "chuột" là bởi nó đuổi theo con trỏ.
8. Blog
Vào năm 1997, nhà lập trình game và phần mềm giáo dục John Barger quyết định tạo ra một trang web để chia sẻ suy nghĩ của bản thân về bất cứ thứ gì mà anh ấy mong muốn. John Barger đã viết về máy tính, trí tuệ nhân tạo và James Joyce. John Barger gọi trang web đó là "weblog" giống như ghi chép lại ý nghĩ và cảm giác thông qua web. Hai năm sau, thuật ngữ này đã được rút ngắn lại thành "blog" cho trang cá nhân của Peter Merholz. Có lẽ "blog" đã trở thành một thuật ngữ phổ biến vào năm đó, khi Pyra Labs quyết định tạo ra một trang web cho phép người dùng thiết lập nhật ký online của riêng họ và đặt tên là Blogger. Hiện nay nó vẫn còn là một nền tảng phổ biến cho blogging.
9. Cookies
Lou Montulli là người sáng tạo ra thuật ngữ cookies, ông đã từng giải thích lý do chọn từ này để chỉ những mẩu thông tin nhỏ được lưu trên trang web rằng: "Tôi từng nghe đến thuật ngữ "bánh quy ma thuật" (Magic Cookie) trong một khóa học về hệ điều hành khi còn ở trường đại học. Thuật ngữ này có gì đó giống như cách Web cookies làm việc và tôi thích dùng từ 'cookies' vì lý do thẩm mỹ". Vậy thuật ngữ "bánh quy ma thuật - magic cookie" đến từ đâu? Không có lời giải thích nào, nhưng nhiều người tin rằng nó đến từ một trò chơi điện tử cũ mà người chơi thu thập chúng để phát triển.
10. Tường lửa (Firewall)
Trong thế giới thực, tường lửa (firewall) là một rào chắn được thiết kế bên trong một công trình để bảo vệ nó khỏi hỏa hoạn. Còn trong công nghệ, tường lửa cũng hoạt động theo cách tương tự - là một rào chắn kỹ thuật số bảo vệ phần mềm từ những vấn đề bên ngoài xâm nhập vào và phá hoại. Mặc dù hiện giờ nó là một thuật ngữ công nghệ phổ biến nhưng từ này đã từng được dùng với ý nghĩa công nghệ lần đầu tiên vào năm 1988 bởi Digital Equipment Corporation, đơn vị xuất bản bài nghiên cứu về hệ thống bộ lọc được biết đến như những bức tường lửa bộ lọc đóng gói.
Tham khảo thêm một số bài viết:
- 52 sự thật hài hước về những thứ thường ngày chúng ta không ngờ đến (Phần 1)
- 23 sự thật khiến bạn sợ hãi về những việc làm thường ngày
- Sự thật thú vị về vũ trụ không hoàn toàn giống với những gì ta nghĩ
Chúc các bạn vui vẻ!