Steve Jobs: Những dấu ấn không thể phai mờ

Ngày 5/10, “Vị thuyền trưởng huyền thoại” của Apple, thiên tài của thế giới công nghệ đã mãi mãi ra đi. Những di sản mà ông để lại là không thể phủ nhận và được cả thế giới ngưỡng mộ.

Thomas Edison của thế giới công nghệ

Tổng biên tập điều hành của tạp chí Fortune, Andy Serwer đã gọi Steve Jobs là nhà phát minh của thế kỷ và đủ sức sánh ngang với Thomas Edison. Vị Tổng biên tập tờ Fortune khẳng định: “Xét về kinh doanh, thập kỷ vừa qua thuộc về Jobs”. Vai trò của Jobs đối với sự sống còn của Apple là không thể phủ nhận. Năm 2000, giá trị thị trường của Apple chỉ là khoảng 5 tỷ USD. Nhưng ngày nay, con số đó đã là khoảng 350 tỷ USD. Dưới bàn tay chèo lái thông minh của Steve Jobs, Apple liên tục ghi những dấu ấn mạnh mẽ vào lịch sử phát triển công nghệ của nhân loại với những sản phẩm kinh điển.

Đối với Steve Jobs, việc một sản phẩm có hình dáng, được cảm nhận và tương tác như thế nào quan trọng hơn yếu tố thuần công nghệ. Trong khi các hãng máy tính cá nhân quan tâm đến việc tăng tốc độ xử lý, ông theo đuổi việc tạo ra thiết kế thông minh và khác biệt. Steve Jobs khẳng định Apple cần phải am hiểu về lĩnh vực kim loại. Khi đó phần lớn các hãng máy tính dùng nhựa tuy nhiên để có thiết kế nhỏ hơn, cần phải thực sự hiểu về kim loại. Quan điểm này đã thành công: những chiếc laptop MacBook với vỏ nhôm thay thế cho vỏ titan đã bán chạy nhất. Thiết kế của máy MacBook Air đã được coi như ví dụ cho sự kết hợp lý tưởng giữa thiết kế, giá cả và chất lượng.

Nhiều người có thể quên rằng chính Jobs và người đồng sáng lập Steve Wozniak đã giúp phổ biến ý tưởng về máy tính cá nhân với sản phẩm Apple II, chiếc máy tính cá nhân lập tức được ưa chuộng nhất thập niên 1980. Apple II đã giúp “cách mạng hoá” cách con người ta làm việc. Từ đó đến nay, nhiều thay đổi đã diễn ra, trong đó bao gồm sự phát triển của các máy tính cá nhân sử dụng hệ điều hành Windows, tuy nhiên doanh số bán máy Mac tiếp tục tăng. Doanh số bán máy tính quý 3/2011 của Apple có thể đạt từ 4,4 đến 4,6 triệu chiếc, kỷ lục mới.

Chưa dừng lại ở đó, Steve Jobs còn góp phần mang đến cái gọi là kỷ nguyên hậu máy tính cá nhân bằng cách tung ra thiết bị có tên iPad. Với iPad, Jobs và Apple đã đúng: một thiết bị dễ vận chuyển, hệ điều hành gần giống với iPhone và giá cả hợp lý. Apple đã bán khoảng 14,7 chiếc máy tính bảng trong năm 2010 và chỉ trong quý mới nhất, doanh số bán iPad tăng 183%.

Jim Collins, một cố vấn quản lý nhân lực nổi tiếng của Mỹ, từng gọi Steve Jobs là “Beethoven của thương trường”. Jobs đã làm nên điều tuyệt diệu khi đồng sáng lập tập đoàn Apple và đến bây giờ, “Quả táo” đã trở thành “đế chế” hùng mạnh trong hành tinh số, từ ngành công nghiệp sản xuất chip, đĩa cứng, đĩa CD và cho đến phần mềm. Apple đã nhanh chóng tạo được thương hiệu trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, theo Collins, Jobs đã thay đổi cuộc chơi của nhiều ngành công nghiệp.

Kẻ “bẻ lái” thế giới báo chí

Dù không phải là một “ông trùm truyền thông” nổi tiếng giống như Rupert Murdoch nhưng chỉ trong vòng 5 năm qua, Steve Jobs và Apple chính là “thủ phạm” liên tục gây ra những trận sóng thần làm biến đổi gần như toàn bộ diện mạo của ngành công nghiệp báo chí – truyền thông thế giới.

Nhưng Steve Jobs đặt dấu chân của mình vào đó như thế nào? Đó là việc sáng tạo ra những chiếc iPhone – dòng sản phẩm khiến cả thế giới phải thay đổi lại quan niệm về điện thoại nhưng quan trọng hơn cả nó đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen “tiêu thụ tin tức” của người dùng. Cùng với iPhone, mẫu máy tính bảng iPad của Steve Jobs tiếp tục “bồi” thêm một cú huých vào ngành công nghiệp báo chí đang ọp ẹp vì khủng hoảng kinh tế và suy thoái vì sự tấn công của Internet. Nếu như trước đây, báo điện tử chưa thực sự làm khó được nhiều đối với báo in thì kể từ khi iPad ra đời với khả năng cho phép người dùng có thể đọc báo điện tử ở mọi nơi, mọi lúc… báo in bắt đầu rung chuyển mạnh.

Iphone và iPad đã buộc hầu hết tất cả các hãng truyền thông- báo chí trên thế giới phải “bẻ lái” đi theo con đường mà nó vạch ra. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà xuất bản Hoa Kỳ, 88% số tờ báo của nước này đã có ứng dụng chạy trên iPhone trong khi mới chỉ có một số phát triển ứng dụng chạy trên iPad. Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát đều cho thấy các tổng biên tập đều nhận ra rằng việc phải có được ứng dụng chạy trên iPhone và iPad cho tờ báo của mình là bước đi không thể thiếu trong chiến lược tồn tại và phát triển.

Không chỉ ảnh hưởng một cách gián tiếp đối với ngành công nghiệp báo chí, Steve Jobs còn là người từng trực tiếp làm việc khá nhiều với giới báo chí truyền thông. Hồi năm 2010, trước khi chính thức ra mắt mẫu máy tính bảng iPad, Steve Jobs đã tổ chức một cuộc gặp riêng với đại diện của một số tờ báo lớn ở Mỹ như The New York Times, The Wall Street Journal, tạp chí Time... “Bất kỳ điều gì chúng tôi có thể làm là để giúp The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal… hay ngành công nghiệp báo chí tìm ra cách mới để buộc độc giả phải trả tiền cho tin tức”, Steve Jobs nói trong một cuộc hội thảo hồi năm 2010.

Năm 1999, khi Steve Jobs đang tìm cách cứu Apple khỏi nguy cơ phá sản, ông đã nói một câu mà ngày nay rất nhiều toà soạn đang áp dụng để đưa tờ báo của mình thoát khỏi khủng hoảng: “Phương thuốc đặc trị cho Apple không phải là cắt giảm chi phí mà phải tìm ra cách sáng tạo để biến mình trở thành khác biệt so với những đối thủ hiện tại”.

Thứ Sáu, 07/10/2011 10:30
31 👨 257
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp