Steve Ballmer trấn an giới đầu tư

Giám đốc điều hành của Microsoft cố gắng xóa bỏ cảm giác đen tối và thất vọng đang nhen nhóm trong lòng cổ đông Yahoo, sau khi thương vụ hợp tác quảng cáo tìm kiếm kéo dài 10 năm giữa hai gã khổng lồ được công bố.

Chỉ vài tiếng sau khi thương vụ này xuất hiện chính thức trên mặt báo, giá cổ phiếu Yahoo đã tụt thẳng một mạch 12%. Sang đến ngày hôm sau, chúng tiếp tục trượt dốc thêm 4% nữa, khóa sổ ở mức 14,6 USD/cổ phiếu.

Bình luận trước hiện tượng này, Ballmer khẳng định "ông chẳng thể hiểu nổi lý do tại sao" thị trường lại phản ứng tiêu cực đến như vậy trước mối lương duyên Micro-hoo, mà theo lý là được ngóng đợi từ rất lâu rồi.

Nguồn: AP
Thực ra, các cổ đông Yahoo từng hy vọng rằng Microsoft sẽ trả một khoản tiền mặt đáng kể cho Yahoo trước khi hai bên đặt bút ký kết. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Yahoo và Microsoft chỉ chia sẻ doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm sau khi thương vụ đi vào thực tế mà thôi.

Mặc dù vậy, Ballmer tin rằng giới đầu tư nên vui mừng mới phải, mới thương vụ sẽ giúp Yahoo tiết kiệm toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì hệ thống tìm kiếm (ước tính không dưới 500 triệu USD/năm), nhờ đó, lợi nhuận thực sẽ tăng lên. Chưa kể hãng còn được giữ 88% doanh thu từ việc bán quảng cáo đi kèm với kết quả tìm kiếm đăng trên website của mình nữa.

Lập luận của Ballmer là kết hợp lượng truy cập của hai hãng sẽ giúp thu hút giới quảng cáo hơn. Hệ quả là doanh thu từ quảng cáo sẽ được cải thiện, cho cả Microsoft lẫn Yahoo - bởi quảng cáo tìm kiếm hiện đang được bán theo cơ chế đấu giá.

Ai bỏ giá cao nhất sẽ có quyền trình chiếu quảng cáo của mình khi người dùng nhập vào một từ khóa nhất định. Càng nhiều nhà quảng cáo tham gia đấu thầu, mức giá họ trả càng cao.

Hồi kết đáng thất vọng

Mặc dù vậy, theo ông Darren Chervitz, đồng quản lý danh mục đầu tư của Jacob Internet Fund thì Yahoo đã không nhận được nhiều như hãng này xứng đáng được nhận. Yahoo hiện là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Google và hơn hẳn Bing.com của Microsoft. Tuy nhiên, vị thế của Yahoo trong thương vụ này tỏ ra quá lép vế.

"Đây là một hồi kết đáng thất vọng cho một bản khiêu vũ kéo dài tới 18 tháng. Tôi không nghĩ là họ cần phải ký vào thỏa thuận này, trừ phi điều khoản quá mức hấp dẫn. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra".

Và dù Microsoft đang rất nỗ lực để cải thiện thị phần và vị trí của mình trên sân chơi quảng cáo và tìm kiếm trực tuyến, không thể chối bỏ thực tế rằng đại bộ phận lợi nhuận của hãng vẫn đến từ hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, một năm qua là thời gian chẳng lấy gì làm vui vẻ với hệ điều hành này.

Doanh thu và lợi nhuận đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước, mà thủ phạm chính là sự lên ngôi của netbook, thuật ngữ để chỉ những chiếc laptop cỡ nhỏ, giá rẻ và cấu hình tối giản. Nguyên do là vì hầu hết netbook đều chỉ cài hệ điều hành cũ Windows XP, vốn mang lại lợi nhuận ít hơn nhiều so với hệ điều hành mới Vista.

Microsoft đang rất hy vọng sự xuất xưởng của Windows 7 vào tháng 10 tới đây sẽ giúp bức tranh trở nên sáng sủa hơn.

Nhưng như thường lệ, giọng lưỡi của Steve Ballmer vẫn còn "cứng cỏi" lắm. Ông có lo ngại trước sự xâm thực của netbook không? "Blah blah blah?". Thế còn hệ điều hành nguồn mở? Cũng "Blah blah blah" nốt.

Thứ Sáu, 31/07/2009 15:19
31 👨 212
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp