Số hoá và tương lai của báo chí

Ai cũng nói “Báo in sắp hết thời” và khẳng định “số hoá” là bước đi tất yếu của báo chí thế giới nhưng thực tế, “số hoá” như thế nào lại là vấn đề khiến các toà soạn rất đau đầu.

Số hoá và tương lai của báo chí

Cách đây mấy ngày, ông Alan Rusbridger – Tổng biên tập của tờ The Guardian (Người bảo vệ - Anh) lại một lần nữa lên tiếng khẳng định, báo chí cần phải coi “số hoá là ưu tiên số 1”. Tuyên bố này ngay lập tức thu hút những sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông bởi lẽ, The Guardian hiện vẫn có một tờ báo in khá mạnh và cả một website báo điện tử hàng đầu ở Anh. Một số “người nhà” tiết lộ rằng động cơ chính khiến Guardian quyết định chuyển hướng mạnh mẽ thay vì quan điểm “báo điện tử trước, báo in sau” trước đây chính là khoản lỗ 34,4 triệu bảng Anh mà Guardian phải hứng chịu hồi năm ngoái.

Nếu tạm thời bỏ qua những yếu tố ngoại cảnh, nhiều người đồng tình rằng báo điện tử là xu hướng phát triển không thể tránh khỏi của nền công nghiệp báo chí thế giới. Có điều, số hoá thế nào hay “số hoá là ưu tiên số 1” cần phải được hiểu và thực hiện ra sao? Trước hết, phải khẳng định rằng số hoá không có nghĩa là đưa một bài báo lên mạng Internet trước khi báo in ra mắt bởi trong trường hợp này báo điện tử thực chất vẫn chỉ là một biến thể của báo in. Tuy vậy, đến nay đa số các tờ báo điện tử trên thế giới vẫn đang hoạt động theo mô hình này, hay nói cách khác báo điện tử chưa thực sự tạo được sự khác biệt cần thiết. Theo đánh giá của Jay Rosen – giáo sư ngành báo chí của trường ĐH New York, hiện nay, hầu hết các tờ báo điện tử và phóng viên báo điện tử vẫn đang làm việc bằng những kỹ năng của báo in. Trên thực tế, điện tử hoá báo chí chính là việc các phóng viên phải chia sẻ với độc giả ngay khi họ biết một điều gì đó thay thậm chí là trước khi họ thực sự biết rõ một điều gì đó (điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của báo in) và nhờ độc giả lấp đầy những gì họ chưa biết.

Điều này đã xô đổ tất cả những khái niệm cũ trước đây về mối quan hệ giữa nhà báo và cộng đồng độc giả, đồng thời biến các toà soạn trở thành một nền tảng, nơi cho phép cộng đồng chia sẻ thông tin và kêu gọi các phóng viên gia tăng giá trị cho những thông tin ấy. Tất nhiên, quá trình này không thể thiếu sự hỗ trợ của nhiều loại hình truyền tải thông tin khác nhau. Đã đến lúc các nhà báo phải hiểu rằng tin tức sẽ vẫn có và vẫn truyền đến với mọi người cho dù có hay không có sự tham gia của họ nhờ có Internet và nhiệm vụ chính của các nhà báo là phải sử dụng tất cả những công cụ sẵn có để tăng thêm giá trị cho tin tức mà thôi.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta đã có thể khẳng định rằng báo in đã chết mà ít nhất nó vẫn còn một vị trí chưa thể thay thế trong việc mang đến nội dung cho độc giả và quảng cáo cho các toà soạn. Có điều, chúng ta cần phải xem xét và xác định lại vị trí mới cho lĩnh vực báo in, vai trò của các bài báo, của phóng viên và quảng cáo trên báo in trong thời đại điện tử hoá. Có 2 bài học mà thế giới có thể nhìn thấy, một ở Anh và bài học khác ở Mỹ. Tại Anh, các tờ báo vẫn tiếp tục duy trì báo in xuất bản hàng ngày với nhiều ấn phẩm khác nhau và kết quả là họ đang phải gánh những khoản lỗ ngày càng khổng lồ. Còn tại Mỹ, một số tờ báo đã chuyển hướng bằng cách cắt giảm dần dần các số báo ra ngày thường, thậm chí là dừng hết và chỉ giữ lại số báo ra ngày Chủ nhật với mục đích duy trì quảng cáo. Theo tiết lộ của ông tổng biên tập tờ The Guardian, hiện tại báo điện tử của họ có khoảng 37 triệu độc giả nhưng 2/3 trong số đó là những người sống ở nước ngoài nên việc cắt giảm báo in sẽ không tác động nhiều đến họ.

Hãy nhớ, dù báo điện tử ngày càng thống trị, báo in vẫn chưa thể chết nhưng nó đang cần người giải cứu.

Thứ Bảy, 02/07/2011 07:28
31 👨 541
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp