Sau 22 giờ, không được chơi game online

Đó là dự thảo quy chế quản lý trò chơi trực tuyến, vừa được giới thiệu tại hội thảo xây dựng quy chế của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến (game online) tổ chức ngày 13-5.

Đồng ý với Bộ Thông tin - truyền thông về hạn chế các trò chơi trực tuyến bạo lực, tình dục... nhưng các nhà cung cấp dịch vụ cho rằng quy định ngừng cung cấp dịch vụ (tắt server) sau 22g, hạn chế giờ chơi ở mức 3-5 giờ/ngày là chưa hợp lý.


Hai bạn trẻ chơi game bạo lực trên máy tính xách tay (Ảnh: Thuận Thắng)

Cần khuyến cáo về tác hại

Đến cuối năm 2009, VN có 58 trò chơi trực tuyến, trong đó 90% được Việt hóa. Cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành thông tư quản lý trò chơi trực tuyến nhưng hầu hết người chơi, đại lý Internet và doanh nghiệp đều tìm cách lách luật, dẫn đến việc quản lý thiếu hiệu quả, còn nhiều bất cập.

Đánh giá về tác hại của trò chơi trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định nhiều trò chơi không phù hợp thuần phong mỹ tục, tình trạng giới trẻ nghiện game khiến phụ huynh không hài lòng, thậm chí có HSSV vi phạm pháp luật vì game. Mặt khác, trò chơi trực tuyến là lĩnh vực mới, cần quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo doanh nghiệp phát triển và hạn chế được tiêu cực với người chơi.

Theo ông Đỗ Quý Doãn, dù có một số tác động tiêu cực nhưng không phủ nhận đóng góp của trò chơi trực tuyến trong việc mở rộng, nâng cao số người sử dụng Internet tại VN, bước đầu thu hút, giải quyết việc làm cho nhiều người tham gia dịch vụ này. Một số trò chơi trực tuyến mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp và đóng góp về kinh tế cho quốc gia. Do vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi trực tuyến đến người chơi.

Ông Trần Hữu Sang, đại diện Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho rằng trò chơi trực tuyến có tác hại không khác gì thuốc lá, bia, rượu, cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người chơi, gây nghiện. Vì vậy, ông đề nghị quy chế cần ứng xử như đối với mặt hàng thuốc lá, nghĩa là “cấm quảng cáo dưới mọi hình thức”. Đồng thời, ông Sang kiến nghị tăng mức xử phạt đối với nhà cung cấp dịch vụ khi vi phạm quy định của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đại diện Trung ương Đoàn kiến nghị cần quy định rõ trên trang chủ của mỗi trò chơi trực tuyến phải có dòng chữ khuyến cáo về tác hại của nó, giống như “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” để cảnh báo người chơi.


Hai bạn trẻ chơi game bạo lực Đột kích tại một tiệm Internet trên đường Quốc Hương, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM (Ảnh: Thuận Thắng)

Chỉ được chơi 3-5 giờ/ngày

Trước quy định “chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cách cổng các trường tiểu học, trung học tối thiểu 200m”, đại diện Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội và Nghệ An băn khoăn dù đúng nhưng chưa đầy đủ. Với việc nền giáo dục đang được xã hội hóa như hiện nay, nhiều trường học dân lập mở ra sau khi có đại lý game, việc này giải quyết thế nào? Đại diện của Hà Nội cho biết đại lý trò chơi trực tuyến chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, không có nhiều vốn nên thường mở tại gia đình. Nay vì trường học mở ngay cạnh, buộc các đại lý này phải đóng cửa là chưa đúng, khó khăn khi thanh tra, kiểm tra và xử phạt.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến như VinaGame, VTC Intercom... cho rằng với việc giới hạn giờ chơi, người chơi sẽ bỏ trò chơi trực tuyến do doanh nghiệp VN cung cấp để chơi trò chơi do nước ngoài cung cấp, gây thất thu cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng quy định cấm giờ chơi có thể làm một số người chơi là đối tượng trưởng thành có nhu cầu giải trí bị ảnh hưởng, nhưng số này không nhiều. Ông Doãn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến tại hội thảo, điều chỉnh cho phù hợp để tháng 6 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thứ Sáu, 14/05/2010 10:42
51 👨 1.617
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp