“Quả táo” và trò chơi công nghệ

Sau iPad sẽ đến iPad 2, sau iPhone 4 là iPhone 5…, “trò chơi tung hứng” dường như không có hồi kết đối với nhà “đạo diễn” công nghệ tài ba Apple.

Trong vài ba năm trở lại đây, không chỉ các hãng điện thoại di động hàng đầu thế giới như Nokia, Samsung, Motorola mà ngay cả những gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất máy tính xách tay bắt đầu dè chừng với một cái tên tưởng chừng đã cũ nhưng lại rất “nóng”, đó chính là Apple. Sau thành công khá bất ngờ của dòng máy nghe nhạc iPod, Apple tiếp tục hái quả ngọt với cơn sốt chiếc điện thoại cảm ứng đa chạm iPhone. Sự đón nhận cuồng nhiệt của khách hàng tại Mỹ nói riêng và nhiều thị trường khác một lần nữa cho thấy Apple đã và đang có những chiến lược kinh doanh cực kỳ hiệu quả trong thị trường sản phẩm công nghệ cao vốn luôn đòi hỏi những ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá, và quan trọng hơn hết là khả năng tạo ra một trào lưu để từ đó “hốt bạc”.

Apple đã chiến thắng, chí ít với iPhone – ngay từ phiên bản đầu tiên, cho đến 3GS rồi iPhone 4 – và gần đây là iPad. Ngay khi còn thua sút nhiều về mặt tính năng, iPad vẫn được đánh giá là đối thủ nặng ký đối với các dòng máy tính sổ (netbook) và máy tính bảng (tablet) hiện có trên thị trường, và cho thấy sức hút mãnh liệt của những sản phẩm mang logo hình quả táo. Theo nhiều người dùng, nếu mang lên bàn cân thì iPad chưa thể hơn một chiếc điện thoại thông minh bậc trung huống chi so với máy tính xách tay, nhưng iPad là sản phẩm giúp khẳng định “địa vị” sành điệu công nghệ của người dùng. Hơn thế, với khả năng kết nối WiFi và 3G tích hợp (tùy phiên bản), iPad giúp nhiều người vốn “mù” máy tính có cơ hội “vênh mặt” duyệt web, đọc báo điện tử mỗi sáng trong quán café hay chỉ đơn giản là “lắc lư” cùng các trò chơi điện tử.

Trò đuổi bắt

Chủ tịch Apple, ông Steve Job từng tuyên bố hùng hồn rằng Apple là hãng kiến tạo công nghệ và trào lưu sử dụng các công nghệ đó. Quả đúng như vậy, khi mà cơn sốt iPhone 4 và iPad vẫn còn đang âm ỉ thì Apple đã lên kế hoạch tung ra phiên bản tiếp theo cho 2 sản phẩm này trong vài tháng tới, tức iPhone 5 và iPad 2.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chu kỳ giới thiệu sản phẩm mới của Apple quá ngắn? Có người cho rằng đó là cách ngài Steve và cộng sự thăm dò thị trường, song cũng có ý kiến nhìn nhận Apple đang đẩy khách hàng vào một cuộc chơi công nghệ mà tại đó hãng này vừa kiếm tiền từ sự đua đòi (hay nói nhẹ nhàng hơn là sự tò mò sản phẩm mới) trong khi vừa cập nhật hay nâng cấp những khiếm khuyết nếu có. Apple “show hàng” từ từ và những khách hàng “nhanh chân” lại chính là những người thiệt thòi nhất.

Nhắc đến iPhone là nhiều người nghĩ ngay đến tình trạng khan hàng và quan trọng nhất chính là hiện tượng máy lệ thuộc dịch vụ mạng. Apple tạo thị trường và quản lý thị trường rất tốt. Nếu như iPhone 4 bản “khoá mạng” dường như là sự độc diễn của AT&T tại Mỹ thì bản quốc tế (worldwide) lại được Apple cung cấp khá nhỏ giọt cho vài thị trường, trong đó có cả Việt Nam. Và để hạn chế được sự “di dân” của iPhone 4 giá rẻ từ Mỹ sang các thị trường khác, Apple cùng AT&T liên tục cập nhật firmware mới để đẩy giới bẻ khóa vào thế khó và thực tế là đã có nhiều chiếc iPhone 4 sau một chuyến bay xuyên đại dương đành phải “trùm mềm” thành máy nghe nhạc và chơi game chẳng khác gì iPod Touch (có nhiều người nhạo rằng đó là dòng iPod 4 mới chỉ có tại Việt Nam).

Nhưng dù sao đi chăng nữa, với iPhone 4 và iPad, một lần nữa, những tín đồ công nghệ có cơ hội trải nghiệm những tính năng mới, thói quen mới hay chỉ đơn giản là một phong cách mới. Liệu khi nào trò chơi cút bắt này mới kết thúc, câu trả thật khó và dường như tùy thuộc vào sự sẵn lòng của người dùng và quan trọng hơn cả là sự sáng tạo của các hãng, trong đó có Apple.

Thứ Hai, 14/02/2011 11:35
31 👨 229
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp