Ông chủ Apple: Máy tính để bàn đã lạc hậu

Phát biểu tại hội nghị D8 của Wall Street Journal gần đây, Steve Jobs - “ông chủ” của Apple- khẳng định như đinh đóng cột rằng PC (máy tính để bàn) đang dần trở nên lạc hậu, và rằng thời “hậu PC” sẽ phải là những thiết bị như iPad hoặc những công nghệ số tương tự

Rõ ràng đây là chiêu đánh bóng tên tuổi không thể lộ liễu hơn của Jobs. Thế nhưng nếu bạn biết rằng, Jobs đang sở hữu một trong những công ty công nghệ có tốc độ phát triển và cải tiến nhanh nhất thế giới, thì có lẽ lời nói này hoàn toàn không phải là không có cơ sở.

Hãy xem Jobs nói: “Khi chúng ta còn là một quốc gia nông nghiệp thì tất cả các loại xe hơi đều là xe tải. Nhưng khi chúng ta tiến dần lên đô thị thì mọi người mới bắt đầu sử dụng xe hơi theo đúng nghĩa của nó. Tôi nghĩ PC hiện nay đang là xe tải bởi càng có ít người cần tới chúng. Thay vào đó, họ muốn những thứ thay thế khác như iPad hoặc các thiết bị tương tự như thế để có được những trải nghiệm sử dụng tiện lợi và trực quan hơn”.

Lời nói và thực tế vênh nhau

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi việc lại không như lời Jobs nói. Ít nhất thì nhiều hãng công nghệ lớn cũng không nghĩ rằng PC sẽ chết cho sự lớn mạnh của thiết bị cầm tay. Thế nhưng, nói gì thì nói, iPad vẫn là cuộc cách tân về công nghệ mà thế giới đang chứng kiến - đó chính là xu hướng chuyển đổi từ các giá trị truyền thống sang một trải nghiệm hoàn toàn mới và hợp thời hơn.

Với Apple, hãng này đã bắt đầu sản xuất thiết bị cầm tay từ năm 1993, đó chính là những chiếc PDA (thiết bị trợ giúp cá nhân) đầu tiên mang tên Newton. Thế nhưng Newton lại là “con đẻ” của John Scully (CEO của Apple khi đó) chứ không phải của Jobs. Sau khi quay lại lãnh đạo Apple năm 1998, Jobs đã cho dừng việc sản xuất Newton, và gần một thập kỷ sau đó ông này liên tục từ chối các dự án phát triển thiết bị cầm tay mới cho tới khi ra mắt iPhone (2007).

Trong khi đó, Microsoft và các đối tác phần cứng phải đánh vật với việc rút ngắn khoảng cách giữa PDA và laptop. Thế nhưng những chiếc máy tính bản Windows lại chưa bao giờ có cơ hội tiếp cận khách hàng. Chúng quá lớn để để trong túi, quá nặng để mang theo, quá mạnh và quá phức tạp cho những ứng dụng đơn giản như tạo ghi chú hoặc quản lý liên lạc, quá yếu cho những tác vụ tính toán cao cấp, và quá đắt cho một thiết bị thứ yếu của người dùng. Tuy iPad giải quyết được một số quan ngại này nhưng không phải thế mà nhu cầu thiết bị cầm tay tăng cao.

Tranh luận của Jobs đề cập tới việc ngày càng có ít người cần tới PC, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy nhiên, các số liệu năm 2010 cho thấy doanh số PC, laptop và máy chủ đã hồi phục đáng kể sau khi bị ảnh hưởng nặng nền bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Và như vậy, vẫn còn quá sớm để dự đoán ngành kinh doanh này sẽ ra sao. Tuy vậy, hầu hết các nhà phân tích đều có cái nhìn lạc quan hơn Jobs.

IDC dự đoán doanh số PC toàn cầu sẽ tăng ít nhất 20% trong năm 2010; trong khi Gartner dự báo là 22%. Còn hãng nghiên cứu thị trường NPD Group dự báo doanh số này sẽ tăng 30% trong năm tới. Phần lớn doanh số này là từ mảng PC, chứ không phải laptop. Theo Phó Chủ tịch NPD, Stephen Baker, doanh thu từ PC đã tăng nhanh hơn nhiều so với laptop trong những tháng gần đây.

PC truyền thống vẫn sẽ “sống”

Trong lá thư “nổi tiếng” có tên "Thoughts on Flash" (tạm dịch: Vài suy nghĩ về Flash), Jobs đã chỉ trích thậm tệ công nghệ Flash của Adobe, cho rằng nó đã quá lạc hậu và đáng bị coi là … đồ cổ. Cũng nhân tiện nói tới vấn đề này, Jobs “răn dạy” luôn Adobe rằng hãng này phải thay đổi lại giao diện người dùng của Flash, sao cho chúng có thể tương thích với các thiết bị thiên về giao tiếp cảm ứng như iPad.

Lại là iPad! Có vẻ như Jobs “khoái” việc lấy thiết bị này ra làm chuẩn mực công nghệ. Thế nhưng, nhiều khách hàng lại nhìn nhận vấn đề “Flash không hợp với iPad” theo chiều ngược lại. Người ta cho rằng iPad đã không thực hiện tốt chức năng hỗ trợ website, ứng dụng và nền tảng hiện có. Và ít nhất iPad cũng không thực hiện tốt các chức năng mà nhiều người dùng kỳ vọng trong khi đợi các nhà thiết kế điều chỉnh lại. Nếu nói như Jobs thì Flash cũng như nhiều công nghệ bổ trợ tương tự khác sẽ bị vứt vào sọt rác. Trong việc này chỉ có các “fan” cuồng nhiệt của Quả táo là tin lời Jobs mà thôi.

Thêm vào đó, mô hình “hậu PC” mà Jobs đề cập tới cũng đồng nghĩa với việc người dùng phải quen thao tác trên màn hình , và phải sử dụng bàn phím ảo thay vì các bàn phím vật lý hiện nay. “Khi tôi muốn viết một báo cáo phân tích dài 35 trang, tôi chỉ muốn dùng bàn phím Bluetooth mà thôi. Nó giúp tôi tiết kiệm được khối thời gian”, Jobs kể lể với quan chức khác tại Hội nghị D8. Thế nhưng mấy ai có được sự may mắn như thế.

Hiện, người dùng kết nối với PC qua nhiều thiết bị khác nhau, chứ không phải thông qua mỗi bàn phím. Họ sử dụng bộ điều khiển game (game controller), máy tính bảng, webcam, điều khiển từ xa và nhiều phương tiện khác. Nếu chuyển qua thời kỳ “hậu PC” như lời Jobs nói thì tất cả những lựa chọn này đều phải vứt bỏ.

Các nhà phân tích cho rằng với kỷ nguyên “hậu PC”, người ta vẫn phải chấp nhận thực tế rằng “họ buộc phải sử dụng xe tải song song với xe hơi”. Những thiết bị như iPad tuy mạnh và có thể là xu hướng PC chủ đạo trong thời gian tới, nhưng những thiết kế truyền thống vẫn có tiếng nói riêng của chúng. Vấn đề ở chỗ chúng được cải tiến như thế nào mà thôi.

Thứ Ba, 13/07/2010 08:42
51 👨 339
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp